Đồng chí Trường Chinh với Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (kỳ 3)

05:09, 22/09/2022

TS. Đặng Văn Thái

(Tiếp theo)

Từ ngày 25 đến ngày 30-8-1986, Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị và Ban Bí thư thảo luận về những vấn đề thuộc quan điểm kinh tế trong Dự thảo báo cáo chính trị. Qua sáu ngày làm việc, từng Ủy viên Bộ Chính trị đã lần lượt phát biểu ý kiến của mình về các vấn đề được đặt ra.

Ngày 20-9-1986, Bộ Chính trị họp bàn về bản Dự thảo báo cáo chính trị. Tại Hội nghị này, Bộ Chính trị chính thức thông qua kết luận về ba vấn đề thuộc quan điểm kinh tế lớn.

Trước khi Bộ Chính trị thông qua kết luận, đồng chí Trường Chinh đã có bài phát biểu "nhấn mạnh một số điểm cần thiết" về vấn đề cơ cấu kinh tế, vấn đề cải tạo xã hội chủ nghĩa, củng cố quan hệ sản xuất mới; vấn đề cơ chế quản lý kinh tế; về nguyên tắc tập trung dân chủ; về cơ chế thị trường...

Tổng bí thư Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp gỡ các đại biểu dự Đại hội.
Tổng bí thư Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp gỡ các đại biểu dự Đại hội.

Bài phát biểu của đồng chí Trường Chinh là cơ sở để chỉnh lý Dự thảo báo cáo chính trị trình Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Bộ Chính trị đã thông qua kết luận về những quan điểm kinh tế trên cơ sở bài phát biểu của đồng chí Trường Chinh.

Từ ngày 17 đến ngày 25-11-1986, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương đã họp để hoàn thành công việc chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VI. Đồng chí Trường Chinh khai mạc Hội nghị. Hội nghị đã dành nhiều thời gian thảo luận về Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa V trình Đại hội lần thứ VI của Đảng.

Sau khi nghe các đại biểu thảo luận, Tổng Bí thư Trường Chinh thay mặt Bộ Chính trị và Đoàn chủ tịch Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương đã kết luận: Dự thảo báo cáo chính trị lần này đã được nâng cao về chất lượng, phản ánh được những ý kiến đóng góp của đại hội đại biểu đảng bộ các cấp, các hội nghị cán bộ, các tầng lớp nhân dân, kết luận của Bộ Chính trị về một số vấn đề thuộc về quan điểm kinh tế, những chủ trương của Đảng về quốc phòng và đối ngoại trong tình hình mới. Đề nghị viết lại hoặc làm rõ thêm một cách cụ thể một số chỗ, một số ý trong Dự thảo báo cáo: về đánh giá thành tựu, sai lầm, khuyết điểm; về bố trí cơ cấu sản xuất, điều chỉnh cơ cấu đầu tư; về củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, sử dụng các thành phần kinh tế; về quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; về chính sách đối ngoại; về đổi mới và chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng.

Hội nghị cũng thảo luận và nhất trí thông qua dự thảo văn kiện về Nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội 5 năm 1986-1990; Những điểm bổ sung và sửa đổi Điều lệ Đảng. Hội nghị lần thứ 11 đã thảo luận kỹ vấn đề nhân sự và quyết định sẽ triệu tập Đại hội lần thứ VI của Đảng vào ngày 15-12-1986.

Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ và cụ thể của đồng chí Trường Chinh, kết quả của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương (khóa V) có ý nghĩa quyết định đối với thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng được tiến hành tại Hà Nội từ ngày 5-12-1986. Về dự Đại hội lần thứ VI có 1.129 đại biểu chính thức, thay mặt cho gần 1,9 triệu đảng viên cả nước, 35 đoàn đại biểu các đảng anh em, các tổ chức cách mạng và bầu bạn khắp năm châu, 300 nhà báo trong và ngoài nước.

Đại hội nội bộ tiến hành từ ngày 5 đến ngày 14-12-1986. Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã đọc Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa V trình Đại hội lần thứ VI. Báo cáo chính trị đã phân tích nguyên nhân và tính chất nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội ở nước ta. Báo cáo chính trị chỉ rõ: "Những sai lầm và khuyết điểm trong công tác lãnh đạo của Đảng trước hết thuộc về trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội đồng Bộ trưởng".

Trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Báo cáo chính trị đã nêu ra bốn bài học kinh nghiệm:

Một là, trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng "lấy dân làm gốc", xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động.

Hai là, Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Năng lực nhận thức và hành động theo quy luật là điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng.

Ba là, phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới.

Bốn là, phải xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ chính trị của một đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Báo cáo chính trị khẳng định cần dứt khoát sắp xếp lại nền kinh tế quốc dân theo cơ cấu hợp lý, sửa chữa những sai lầm trong việc bố trí cơ cấu kinh tế, trước hết là cơ cấu sản xuất và đầu tư.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com