Đồng chí Trường Chinh đặt nền móng cho tiến trình đổi mới ở Việt Nam (kỳ 4)

08:07, 21/07/2022

Đồng chí Trường Chinh đặt nền móng cho tiến trình đổi mới ở Việt Nam (kỳ 4)

T.S Nguyễn Thắng Lợi

Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp chuẩn bị và tổ chức Đại hội đổi mới

Ngày 10-7-1986, đồng chí Lê Duẩn từ trần. Ngày 14-7-1986, Trung ương Đảng họp phiên đặc biệt và đã bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư. Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí chỉ đạo chuyển hướng và thấu suốt tư duy đổi mới trong toàn Đảng và trực tiếp chỉ đạo quá trình chuẩn bị Đại hội lần thứ VI, đồng chí cho rằng phải đổi mới trên nhiều mặt: "Đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, đổi mới phong cách làm việc, đổi mới tổ chức và cán bộ", đổi mới "phải được thể hiện trong nội dung các văn kiện của Đảng, trước hết là trong Báo cáo chính trị và trong phương hướng bố trí nhân sự của Trung ương, của các cấp ủy Đảng tại đại hội các cấp và Đại hội toàn quốc lần này". Chỉ đạo chuẩn bị Văn kiện Đại hội lần thứ VI, đồng chí nêu ba bài học kinh nghiệm quan trọng: Một là, "sức mạnh của một nước, của cách mạng chính là ở nhân dân". Từ tiền đề này, đồng chí cho rằng, để thật sự phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, phải tin tưởng ở nhân dân, mọi chủ trương, chính sách đều phải lấy dân làm gốc. Hai là, trong công tác lãnh đạo, "phải tôn trọng quy luật khách quan, vận dụng nó vào thực tế”. Ba là, phải giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng.

Tổng Bí thư Trường Chinh tại Đại hội Đảng lần thứ VI, tháng 12/1986. Tại diễn đàn này, Tổng Bí thư Trường Chinh ra lời hiệu triệu
Tổng Bí thư Trường Chinh tại Đại hội Đảng lần thứ VI, tháng 12/1986.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng được tiến hành tại Hà Nội từ ngày 5 đến ngày 14-12-1986. Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã đọc diễn văn khai mạc Đại hội. Đồng chí Trường Chinh đã phân tích và làm rõ tình hình bằng nhiều luận điểm khoa học và thực tiễn sinh động. Đồng chí chỉ rõ: "Đổi mới tư duy trong mọi lĩnh vực hoạt động của Đảng và Nhà nước là việc cấp bách, đồng thời là việc thường xuyên, lâu dài. Tính bảo thủ, sức ỳ của những quan niệm cũ là trở ngại không nhỏ, nhất là những quan niệm ấy lại gắn chặt với những người mang nặng chủ nghĩa cá nhân và đầu óc thủ cựu. Cần tạo những điều kiện xã hội thuận lợi cho quá trình đổi mới tư duy: bầu không khí dân chủ trong xã hội, nhất là trong sinh hoạt đảng, trong nghiên cứu khoa học; tinh thần tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lý; hệ thống thông tin chính xác; tự phê bình và phê bình được tiến hành một cách thường xuyên và nghiêm túc... Điều quan trọng là phải coi trọng công tác lý luận nhằm cung cấp nội dung khoa học cho việc đổi mới tư duy".

Đại hội lần thứ VI của Đảng có ý nghĩa lịch sử trọng đại, đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đại hội lần thứ VI đã tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, mở ra đường lối đổi mới toàn diện, mở ra bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng chí Trường Chinh, với trách nhiệm quyết định trong việc chuẩn bị các văn kiện và tổ chức thành công Đại hội lần thứ VI của Đảng đã có những đóng góp to lớn về lý luận và thực tiễn, là kiến trúc sư vĩ đại của sự nghiệp đổi mới.

Quá trình hình thành đường lối đổi mới của Đảng đã phải trải qua đấu tranh gay gắt giữa cái cũ và cái mới, giữa quan điểm bảo thủ, lỗi thời với quan điểm đổi mới. Ngay cả khi nghị quyết Trung ương và nghị quyết Bộ Chính trị đã được ban hành, nhưng các quan điểm khác nhau vẫn dai dẳng tồn tại và khi quan điểm chưa nhất trí thì hành động không thống nhất. Do vậy đổi mới tư duy lý luận là cả một quá trình lâu dài. Đây là một thử thách lớn lao của tinh thần trách nhiệm trước vận mệnh của Đảng và dân tộc mà đồng chí Trường Chinh sẵn sàng chấp nhận và vượt qua./.

 

 

 


 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com