Có tuổi hai mươi thành sóng nước…

09:09, 01/09/2021

Năm 1971, khi vừa 18 tuổi, Phạm Đức Tùng viết đơn tình nguyện nhập ngũ và chiến đấu tại chiến trường Thành cổ Quảng Trị. Giờ đây ông Tùng luôn nghĩ mình may mắn hơn nhiều đồng đội của mình khi từ trận địa khốc liệt nhất thời bấy giờ, sống sót trở về. Đại đội 1 của ông có 137 người thì sau 81 ngày đêm chiến đấu, hy sinh 2/3. Ngót 70 tuổi, vào những ngày trái gió trở trời, cổ họng ông Tùng lại đau buốt, bước chân đi thêm phần trĩu nặng do cơ thể vẫn còn bị “găm” những mảnh đạn năm xưa. Kỷ niệm 76 năm Quốc khánh 2-9, trò chuyện cùng chúng tôi, ký ức về một thời hoa lửa, về tuổi xuân tràn đầy nhiệt huyết trong ông lại được dịp bùng cháy. Người chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm xưa say sưa kể về những trận đánh đã tham gia, tay run run, lặng người khi nhắc đến những mất mát, thương vong…

Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị.  Ảnh: Internet

Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị.

Ảnh: Internet

Sinh ra trong một gia đình thuần nông với 4 anh chị em gồm 2 trai, 2 gái ở xã Nam Tiến (Nam Trực), năm 1971, khi vừa học xong cấp 3, ông Tùng viết đơn tình nguyện nhập ngũ. “Đi bộ đội hồi đó là mục tiêu, lý tưởng của thế hệ trẻ chúng tôi ngày ấy. Chúng tôi của những năm tháng ấy không nghĩ nhiều đâu, chỉ “xác tín” với mình điều đơn giản nhất, có giặc thì đánh, hết giặc thì mới trở về” - Ông Tùng kể. Sau 3 tháng huấn luyện, ông được chuyển về C1, D4, E95, F325, đóng tại Việt Yên, Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang). Đầu tháng 2-1972, từ ga Kép (Hà Bắc), ông cùng đồng đội lên tàu hỏa hành quân vào Quảng Bình, huấn luyện bổ sung tác chiến đồi núi tiếp 3 tháng. Tháng 5-1972, ông Tùng cùng đơn vị tham gia diễn tập nghi binh chiến dịch lớn ở khu vực đèo Ngang (Quảng Bình). Kết thúc diễn tập, ông cùng đơn vị nhận lệnh hành quân vào Vĩnh Linh, vượt sông Bến Hải tiến thẳng về bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Một mùa hè đỏ lửa không bao giờ phai mờ trong tâm trí ông. Nhận nhiệm vụ làm liên lạc, ông Tùng không nhớ nổi một ngày bao nhiêu lần phải luồn hầm, hào, “bay” đi giữa mưa bom bão đạn làm nhiệm vụ. Cả đất trời Thành cổ lúc bấy giờ đâu cũng là chiến địa, “tử địa”. Trên trời các loại máy bay trinh sát, máy bay phản lực B52 gầm rú, trút bom đêm ngày. Từ ngoài biển Cửa Việt đạn của các loại pháo hạm “câu” vào liên tục. Đó là còn chưa kể đến các loại pháo mặt đất bắn phá không ngừng. Đạn càng bắn rát, bộ đội ta càng kiên cường bám trụ từng mét đất, căn nhà. Mệnh lệnh duy nhất của chúng tôi khi đó là chiến đấu và chiến đấu. Tôi cũng không rõ đã trải qua bao ngày đêm như thế ở Thành cổ, bởi ngày nào cũng đánh nhau, trước mắt, trong tai chỉ toàn có bom đạn, tiếng súng, tiếng bom nổ. Khái niệm về thời gian, ngày đêm hầu như đã không còn tồn tại. Tranh thủ ngưng tiếng bom, tiếng súng, bộ đội ăn tạm miếng lương khô, uống nước sông Thạch Hãn và chợp mắt. Chiến trường khốc liệt còn dội về trong thẳm sâu ký ức ông những kỷ niệm đau thương vô tận. Đó là lần chứng kiến một hố bom trở thành nấm mồ vùi xác 3 đồng đội. Chứng kiến cảnh đồng đội đêm ngày sát cánh kề vai ngã xuống ngay trước mặt mà không kịp làm cả công tác tử sĩ, trái tim ông quặn thắt. “Tôi nhớ khi đó đại đội trưởng của chúng tôi, Trung úy Bùi Đình Cẩm đã gạt nước mắt hạ mệnh lệnh khó khăn là lấp hố bom làm mồ chôn đồng đội. Bởi nếu chần chừ sẽ có nhiều người hy sinh hơn nữa. Trải qua những mất mát đau thương vô bờ bến, chúng tôi càng nung nấu thêm quyết tâm chiến đấu và chiến thắng. Không một ai tỏ ra chùn bước, mất ý chí” - Ông Tùng lau vội giọt nước mắt xúc động.   

Bám trụ, chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa năm 1972 được khoảng trên 60 ngày thì trong một lần luồn hào đi truyền mệnh lệnh, ông Tùng bị địch phát hiện và ném bom. Mảnh đạn bắn thẳng vào đùi trái và cổ, ông Tùng ngất đi ngay giữa chiến địa. Được đồng đội phát hiện, chuyển qua sông, sau đó ông được dân công địa phương cõng chuyển về tuyến sau. Ông cũng đã trải qua một số đợt điều trị tại các bệnh viện ở miền Bắc. “Thời gian này ở quê nhà, tôi còn bị đồn… đã chết. Có lẽ vì chiến trường ác liệt quá mà lúc bấy giờ việc thư từ, thông tin rất khó khăn. Năm 1973 sau đợt điều dưỡng dài ngày để phục hồi sức khỏe, tôi chống nạng tập tễnh về nhà. Bố và các anh chị em nhìn thấy tôi thì bật khóc nức nở. Cho đến ngày đoàn viên với gia đình, tôi mới thực sự tin mình đã từ “cửa tử” trở về”. Cũng trong năm này, ông Tùng còn được cử đi học Trường Trung cấp Tài chính ở Hải Dương. Sau chiến thắng 30-4-1975, ông tiếp tục nhận nhiệm vụ vào Sài Gòn với tư cách đoàn dân chính, tiếp quản các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở vật chất do chế độ cũ để lại. Cuối năm 1975 ông xin ra Bắc rồi về công tác tại Phòng Tài chính huyện Nghĩa Hưng, Cục Đầu tư Phát triển tỉnh cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2010. 

Đã 49 năm kể từ mùa hè đỏ lửa năm 1972 nhưng trong ký ức của những chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị như ông Tùng, chiến tranh dường như mới chỉ kết thúc. Để nhắc nhớ những ngày hoa lửa, Đại đội 1 của ông hàng năm vẫn lấy ngày 21-7, ngày Đại đội đánh trận nhà thờ Tri Bưu và bị hy sinh nhiều nhất làm ngày gặp mặt. Suốt 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, hàng nghìn người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống, máu xương của các anh đã hóa thân trong từng tấc đất, ngủ sâu trong lòng đất Quảng Trị, hòa vào mênh mang sóng nước của dòng Thạch Hãn. Đại đội 1 có 29 người sống sót thì nay cũng chỉ còn lại 27 người. Ngày gặp gỡ, họ ôm nhau khóc cười rồi cùng nhau đọc lại những câu thơ: “Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ. Đáy sông còn đó bạn tôi nằm. Có tuổi hai mươi thành sóng nước. Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”… như một nén tâm nhang gửi tới những người đã khuất, nhắc nhớ các thế hệ sau trách nhiệm với Tổ quốc./.

Nguyễn Hoa Xuân



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com