Vai trò của đồng chí Trường Chinh trên cương vị Tổng Bí thư Đảng cộng sản Đông Dương (kỳ 2)

06:08, 12/08/2021

ThS. Hoàng Thanh Hải

(tiếp theo)

Để đường lối, chính sách mới của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống, đồng chí đặc biệt quan tâm đến vấn đề xây dựng Đảng vững mạnh. Ngay sau Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương, với bút danh Thiết Tâm, Tổng Bí thư viết bài "Củng cố Đảng" đăng trên báo Giải phóng, số 2, tháng 6-1941, nói về vấn đề cán bộ và vấn đề sinh hoạt chi bộ.

Bên cạnh việc chỉ đạo củng cố về tổ chức của Đảng và Mặt trận, trên cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí đã cho thành lập, chỉ đạo và viết bài cho các báo chí của Đảng nhằm truyền đạt, thông báo những biến đổi mau chóng của tình hình và những nhận định về thời cuộc, đường lối, chủ trương của Đảng đến cán bộ, nhân dân; vận động và tổ chức quần chúng, uốn nắn phong trào cách mạng,... Chính chủ trương đúng đắn và sự chỉ đạo sát sao của đồng chí Trường Chinh đã khởi nguồn cho sự ra đời của Tạp chí Cộng sản - cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng (10-1941); báo Cứu quốc - cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh (1-1942); báo Cờ Giải phóng - cơ quan tuyên truyền, cổ động của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (10-1942) và một loạt báo địa phương đã ra đời. Các báo chí trên đã trở thành vũ khí sắc bén, góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Khang, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt tại Chiến khu Việt Bắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Khang, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt tại Chiến khu Việt Bắc.

Những bài xã luận với lập luận sắc sảo, văn phong sáng sủa, súc tích, ngắn gọn, giàu tính chiến đấu của đồng chí Trường Chinh đăng trên báo Cờ Giải Phóng, Tin tức, Sự thật, Nhân dân... đã kịp thời định hướng và có sức động viên mạnh mẽ cuộc đấu tranh của Đảng và nhân dân ta. Bên cạnh những bài xã luận, đồng chí còn viết khá nhiều thơ mang bút danh Sóng Hồng. Thơ Sóng Hồng đánh dấu từng bước trưởng thành của cách mạng và của thơ ca cách mạng Việt Nam, vừa thể hiện cảm xúc của tác giả vừa có sức chiến đấu cao và lòng nhân ái sâu sắc. Tiêu biểu là bài thơ Là thi sĩ sáng tác năm 1942, có thể coi đây là tuyên ngôn của người cầm bút cách mạng đã làm lay động hàng triệu con tim:

Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ

Mỗi vân thơ: bom đạn phá cường quyền.

Là linh hồn của cách mạng, nhưng vì nhiệm vụ quốc tế, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc hai lần phải vắng mặt ở trong nước. Trong thời gian này đồng chí Hoàng Văn Thụ bị địch bắt và xử bắn; đồng chí Hoàng Quốc Việt được cử đi công tác nước ngoài. Trách nhiệm to lớn của Đảng và cách mạng gần như đặt lên vai một mình Tổng Bí thư Trường Chinh.

Đồng chí Trường Chinh đã trực tiếp chỉ đạo tổ chức triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương, phát triển mạnh mẽ các đoàn thể cứu quốc rộng rãi trong Mặt trận Việt Minh; củng cố các an toàn khu bảo đảm cho cơ quan lãnh đạo của Đảng hoạt động liên tục và an toàn, tổ chức các lực lượng vũ trang chuẩn bị mọi điều kiện cho tổng khởi nghĩa.

Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn cuối, nước Pháp được giải phóng, thực dân Pháp ở Đông Dương ngóc đầu dậy, hoạt động ráo riết, chờ quân Đồng minh vào sẽ lật đổ Nhật để khôi phục quyền thống trị. Phát xít Nhật đứng trước tình thế thất bại ở Thái Bình Dương nên đã nhanh chóng chuẩn bị đảo chính lật đổ Pháp.

Trước sự biến đổi nhanh chóng của tình hình, đồng chí Tổng Bí thư đã chủ trì Hội nghị mở rộng của Ban Thường vụ Trung ương Đảng (9-3-1945). Với tầm nhìn chiến lược và tư duy khoa học nhạy bén của nhà lãnh đạo tài năng, đồng chí Trường Chinh cùng Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã nhận định, phân tích chính xác tình hình, dự báo đúng diễn biến của thời cuộc và đã ra bản Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta; Chỉ thị phá kho thóc của Nhật để chia cho dân đói, triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, thống nhất các lực lượng vũ trang, kiện toàn các chiến khu đã có, lập thêm các chiến khu mới, cử ra ủy ban quân sự, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khi thời cơ tới kịp thời phát động nhân dân tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, cùng với những bài xã luận của đồng chí Trường Chinh trên báo Cờ Giải phóng có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng; đã kịp thời định hướng, động viên mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân ta; là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và Việt Minh trong cao trào kháng Nhật, cứu nước.

Khi tình thế cách mạng đã chín muồi, thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng gấp rút tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân ở Tân Trào, để quyết định phát động tổng khởi nghĩa và thành lập ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam tức Chính phủ lâm thời, do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và ủy ban khởi nghĩa toàn quốc do đồng chí Trường Chinh trực tiếp phụ trách. Khoảng 11 giờ đêm ngày 13-8-1945, ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra lệnh tổng khởi nghĩa. Bằng sự chuẩn bị chu đáo đó, Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 đã giành được thắng lợi trong cả nước.

Sau thắng lợi của tổng khởi nghĩa, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh và Đảng ta khẩn trương triển khai hàng loạt công việc quan trọng cho sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

(còn nữa)


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com