Vai trò của đồng chí Trường Chinh trên cương vị Tổng Bí thư Đảng cộng sản Đông Dương (kỳ 3)

06:08, 26/08/2021

ThS. Hoàng Thanh Hải

(Tiếp theo)

Người có đóng góp to lớn đối với công tác văn hóa - văn nghệ của Đảng trong cách mạng giải phóng dân tộc và giải phóng con người ở nước ta

Bên cạnh tư cách của một người cộng sản, một nhà chính trị, đồng chí Trường Chinh còn là một trong những nhà lý luận chiến lược của cách mạng Việt Nam. Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Trường Chinh đã kế thừa những giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại, không ngừng trau dồi, hoàn thiện, nâng cao vốn văn hóa của mình để luyện thành một nhân cách văn hóa lớn, có nhiều đóng góp quan trọng vào việc hình thành đường lối lãnh đạo và lý luận của Đảng về văn hóa.

Từ trong vận động tiến hành Cách mạng Tháng Tám, đồng chí đã sớm đặt cơ sở lý luận cho việc xây dựng một nền văn hóa mới Việt Nam theo phương châm "dân tộc, khoa học, đại chúng". Sau Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng tháng 2-1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng lại tiến hành một cuộc họp thứ hai tại Võng La để thông qua Đề cương về văn hóa Việt Nam do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp dự thảo. Đây là lần đầu tiên, kể từ ngày thành lập, Đảng ta đã họp bàn và có chủ trương đúng đắn về văn hóa, văn nghệ Việt Nam mà ảnh hưởng của nó còn có tác động sâu rộng đến mãi sau này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trường Chinh, năm 1961.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trường Chinh, năm 1961.

Đề cương về văn hóa Việt Nam thể hiện rõ ràng, sâu sắc quan điểm của Đảng ta về văn hóa: xác định mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa); phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội. Để hoàn thành được cách mạng văn hóa phải có Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo và cách mạng văn hóa có thể hoàn thành khi cách mạng chính trị thành công.

Tháng 12-1946, Đại hội văn hóa lần thứ nhất được triệu tập tại Thủ đô, nhưng Đại hội vừa mới khai mạc thì phải bỏ dở vì giặc Pháp gây chiến tranh. Trong điều kiện những năm đầu của cuộc kháng chiến gian khổ, tháng 6-1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập Đại hội văn hóa toàn quốc lần thứ hai với mục đích "định rõ phương châm hoạt động văn hóa, đoàn kết các nhà văn hóa nước ta thành một mặt trận, động viên các lực lượng văn hóa nước ta để dốc vào cuộc chiến đấu của dân tộc nhằm đuổi giặc, cứu nước và xây dựng một nền văn hóa Việt Nam mới". Đại hội được tổ chức tại xã Đào Giã (tỉnh Phú Thọ), đồng chí Trường Chinh được phân công chủ trì Đại hội và đọc bản báo cáo quan trọng: Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, phát triển và cụ thể hóa Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943.

Các tác phẩm Đề cương về văn hóa Việt Nam, Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam lúc này, Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam... cùng với hàng loạt tác phẩm và các bài viết khác của đồng chí tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh những quan điếm đúng đắn, sắc bén và sáng tạo của Đảng ta trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào văn hóa và nghệ thuật Việt Nam. Đây được coi là những tác phẩm đặt cơ sở lý luận cho đường lối xây dựng nền văn hóa - văn nghệ cách mạng của Việt Nam. Là ngọn cờ tập hợp các nhà văn hóa, văn nghệ, trí thức và chỉ cho họ con đường đấu tranh để giải phóng dân tộc, giải phóng văn hóa và tự giải phóng. Đến hôm nay, những tác phẩm của đồng chí vẫn còn nguyên giá trị, chứng tỏ vốn tri thức uyên thâm, sức sáng tạo kỳ diệu, tầm nhìn chiến lược và những phẩm chất toàn diện của nhà văn hóa lớn - Trường Chinh.

Người có công to lớn trong việc vạch ra đường lối kháng chiến và cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) thắng lợi vẻ vang

Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh trực tiếp lãnh đạo tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng "vừa kháng chiến vừa kiến quốc", góp phần đưa đất nước ta vượt qua cam go của tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", giữ vững thành quả cách mạng, xây dựng thành công nhà nước dân chủ mới, tạo cơ sở pháp lý để động viên, tổ chức toàn dân chuẩn bị và bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập non trẻ.

Từ đầu Xuân Đinh Hợi (năm 1947), đồng chí Trường Chinh đã viết một loạt bài với tiêu đề "Kháng chiến nhất định thắng lợi" đăng nhiều kỳ trên báo Sự thật từ ngày 4-3-1947 đến ngày 1-8-1947, giải thích rõ chủ trương trường kỳ kháng chiến của dân tộc ta, thấy rõ tại sao dân tộc Việt Nam sẽ thắng và thắng bằng cách nào. Ngày 19-9-1947, Nhà xuất bản Sự thật tập hợp những bài báo này và in thành cuốn sách Kháng chiến nhất định thắng lợi. Cùng với Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Trung ương Đảng và tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của Tổng Bí thư Trường Chinh là nền tảng lý luận về chiến lược kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh đóng vai trò quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Vì thế "lực lượng của ta ngày càng thêm mạnh, như suối mới chảy, như lửa mới nhóm, chỉ có tiến, không có thoái".

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com