Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà ngoại giao xuất sắc

06:05, 14/05/2021

Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch, tên thật là Phạm Văn Cương (sinh ngày 15-5-1921) trong một gia đình nông dân nghèo kiêm nghề bán thuốc nam, tại xã Lương Kiệt (nay là xã Liên Minh), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ngay từ nhỏ, được gia đình cho ăn học, đồng chí đã cố gắng học giỏi và đi dạy thêm cho nhiều con nhà giàu để lấy tiền đóng học và phụ giúp bố mẹ. Trong thời gian theo học ở Trường Thành Chung Nam Định, tiếp xúc với các phong trào đấu tranh sôi động của sinh viên càng thôi thúc đồng chí tìm hiểu và quyết tâm đi theo con đường cách mạng cứu nước, cứu dân.

Thời kỳ đấu tranh dân chủ 1936-1939, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã tham gia tổ chức Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương ở Nam Định, phụ trách một nhóm thanh niên tích cực tham gia các hoạt động dân chủ và các cuộc đấu tranh công khai. Đồng chí thường xuyên đem tài liệu về quê, tổ chức các hoạt động hội họp cho các bạn bè tiến bộ tại làng. Vì thế cửa hàng bán thuốc nam của gia đình đồng chí ở phố và cả ngôi nhà cũ ở quê đều trở thành nơi hội họp của nhóm thanh niên phản đế tại địa phương. Khi phong trào Dân chủ bị đàn áp, tổ chức Đoàn Thanh niên Dân chủ của đồng chí đổi thành Đoàn Thanh niên Phản đế, duy trì các hoạt động bí mật để phù hợp với tình hình mới.

Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch (thứ hai từ trái sang) tại Hội nghị Paris. Ảnh: Tư liệu
Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch (thứ hai từ trái sang) tại Hội nghị Paris. Ảnh: Tư liệu

Đầu năm 1940, nhóm Thanh niên Phản đế và đồng chí Nguyễn Cơ Thạch bị địch bắt. Trước những ngón đòn roi tàn độc của kẻ thù, đồng chí vẫn giữ vững tinh thần, kiên quyết không khai báo. Đồng chí đã cùng anh em tù yêu nước giúp đỡ nhau đoàn kết đấu tranh để đối phó với kẻ địch. Sau khoảng 3, 4 tháng không khai thác được gì, chúng chuyển các đồng chí sang Đề lao Nam Định, kết hợp các điều kiện sống kham khổ với các cực hình tàn bạo cũng vẫn không khuất phục được tinh thần, ý chí của các chiến sĩ cách mạng. Tháng 3-1941, chúng đưa các đồng chí ra xét xử; riêng đồng chí Nguyễn Cơ Thạch bị kết án 5 năm tù khổ sai. Trước sự đấu tranh mạnh mẽ của anh em tù yêu nước, chúng buộc phải đưa các đồng chí lên Hà Nội xử lại, nhưng cũng không thay đổi gì. Từ 1941 đến 1945, đồng chí tiếp tục bị đưa đi giam giữ ở các nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội, 1941), Sơn La (1941-1943) và Hòa Bình (1943-1945). Trải qua các nhà tù, ở đâu đồng chí cũng kiên cường chịu đựng mọi khó khăn gian khó, mọi đòn roi tra tấn của kẻ thù, hăng hái tham gia các phong trào đấu tranh bảo vệ tổ chức, bảo vệ Đảng và luôn đi đầu trên các lĩnh vực công tác, học tập, là nhân tố tích cực, được tổ chức ghi nhận, anh em quý mến. Bằng sự phấn đấu, rèn luyện không ngừng, không mệt mỏi, sau nhiều thử thách, tháng 3-1943, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã được tổ chức kết nạp Đảng ngay khi còn ở trong nhà tù Sơn La. Đầu năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, một số anh em trong đó có đồng chí Nguyễn Cơ Thạch thoát khỏi nhà tù của chúng ở Hòa Bình, trở về địa phương hoạt động.

Trong thời gian ở địa phương chờ bắt liên lạc với tổ chức, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch cùng một số đảng viên (cùng trong tù trở về) thành lập một nhóm bí mật, đẩy mạnh các hoạt động cứu đói, dạy chữ quốc ngữ, vận động thanh niên góp tiền gạo, giúp đỡ người nghèo... Dưới các hình thức phù hợp, các đồng chí đã khích lệ tinh thần yêu nước, vận động nhiều thanh niên tích cực tham gia tổ chức và còn khéo léo thu hút được một số thanh niên trong tổ chức Bảo an của địch giác ngộ, hoạt động theo chương trình của Mặt trận Việt Minh.

Dù chưa bắt được liện lạc với tổ chức Đảng của tỉnh, nhưng trên cơ sở những chủ trương chỉ đạo chung của Đảng, đồng chí đã cùng các đảng viên trong xã đẩy mạnh các công việc chuẩn bị tổ chức lực lượng, sẵn sàng chờ thời cơ khởi nghĩa. Để tập dượt, đồng chí đã đưa lực lượng đi phá kho đay tại làng Lương Kiệt, chia cho dân chúng. Việc làm này được nhân dân phấn khởi ủng hộ và tham gia rất đông. Bọn hào lý dù biết nhưng cũng không dám phản ứng gì.

Tháng 8-1945, được tin Hà Nội khởi nghĩa giành chính quyền, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã cùng các đảng viên trong xã tập hợp lực lượng, thành lập Ủy ban khởi nghĩa, huy động hàng nghìn quần chúng tiến hành tuần hành thị uy tại đình làng (Chợ Hầu), tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền mới trong xã vào ngày 20-8-1945. Sau đó, lực lượng khởi nghĩa do đồng chí phụ trách tiếp tục kéo lên giành chính quyền ở huyện Vụ Bản; ngày hôm sau (21-8), kéo về phối hợp giành chính quyền ở phủ Nghĩa Hưng.

Tháng 9-1945, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch được trên điều về làm Bí thư cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và được chỉ định là Bí thư chi bộ ở Bắc Bộ phủ. Đây là một chi bộ đặc biệt vì trong đó có các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… cùng sinh hoạt. Đồng thời đồng chí cũng được phân công vận động nhiều trí thức hiểu và tham gia, ủng hộ cách mạng.

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, thời gian đầu, đồng chí phụ trách vận động và đưa các gia đình nhân sĩ, trí thức theo kháng chiến, cùng khối lượng cơ sở vật chất, sách vở khá lớn lên Việt Bắc. Đồng chí cũng là người chỉ đạo việc bố trí địa điểm, xây dựng nơi ăn ở, sinh hoạt cho các cơ quan của Trung ương tại An toàn khu ở Việt Bắc. Trong cuộc kháng chiến, đồng chí đã từng đảm nhận nhiều vị trí như: Phụ trách phòng Bí thư của Bộ trưởng Quốc phòng, Chánh Văn phòng Quân ủy Trung ương, Bí thư Liên chi ủy Tổng Tham mưu - Quốc phòng - Thương binh. Từ cuối năm 1949, đồng chí là Bí thư Lưỡng Hà (Hà Nội - Hà Đông). Tháng 5-1951, đồng chí là Ủy viên Ủy ban Kháng chiến - Hành chính liên khu III. Cuối năm 1953, đồng chí chuyển sang hoạt động ở lĩnh vực ngoại giao. Năm 1954, đồng chí là Chánh Văn phòng Bộ Ngoại giao. Tháng 8-1954, đồng chí được giao về tiếp quản Thủ đô trên lĩnh vực đối ngoại.

Hơn 40 năm gắn bó với ngành ngoại giao, bằng khả năng và sự cố gắng học hỏi, sáng tạo của mình, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao cho nhiều trọng trách ngoại giao như: Tổng lãnh sự quán đầu tiên tại Ấn Độ; Thứ trưởng và Ủy viên Đảng Đoàn Bộ Ngoại giao; Quyền Trưởng đoàn Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Giơ-ne-vơ về Lào; Trưởng đoàn chuyên viên trong đàm phán với Hoa Kỳ tại Hội nghị Pari về Việt Nam; Trưởng đoàn Việt Nam tham dự nhiều hội nghị quốc tế; Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI; Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa V, Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI; là đại biểu Quốc hội khóa VII và VIII.

Trên cương vị, trọng trách của mình, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch luôn có những đóng góp to lớn vào việc nghiên cứu, đề xuất và vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước vào thực tiễn, làm phong phú thêm kinh nghiệm đấu tranh ngoại giao của Việt Nam, mở rộng phát triển quan hệ hữu nghị với các nước. Đặc biệt đồng chí có nhiều đóng góp quan trọng và xuất sắc khi đảm nhiệm trọng trách là Trưởng đoàn chuyên viên đàm phán các nội dung cụ thể của Hiệp định Pari về hòa bình của Việt Nam và khi là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao góp phần giải quyết việc phá thế bao vây cấm vận để mở rộng ngoại giao với các nước, đồng thời kết hợp phát triển kinh tế với ngoại giao. Đồng chí luôn chăm lo công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ và xây dựng ngành Ngoại giao ngày càng lớn mạnh, được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương và các phần thưởng cao quý.

Từ một thanh niên có lòng yêu nước, tích cực tham gia các phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên, đồng chí Nguyễn Cơ Thạch đã giác ngộ và trở thành người chiến sĩ cách mạng kiên cường. Trải qua nhiều vị trí công tác, ở đâu, cương vị nào đồng chí Nguyễn Cơ Thạch cũng phát huy cao tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở thành một nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta. Đảng bộ và nhân dân Nam Định học tập ở đồng chí tinh thần cách mạng chủ động tiến công, không quản ngại gian khó vất vả, một lòng vì nước, vì dân; một lối sống giản dị, đạo đức trong sáng, luôn phát huy cao tinh thần trách nhiệm và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cuộc đời hoạt động và những cống hiến của đồng chí Nguyễn Cơ Thạch xứng đáng được mọi người học tập, noi theo./.

Nguyễn Kim Chiến
(Hội Khoa học Lịch sử tỉnh)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com