Những hiện vật đi cùng năm tháng

09:04, 30/04/2020

Trong gần 20 nghìn tài liệu, hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh, có khoảng 900 tài liệu, hiện vật thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của quân và dân Nam Định (1954-1975). Đây là những minh chứng về lịch sử đấu tranh cách mạng anh dũng, hào hùng của quân và dân ta, góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho các thế hệ học sinh.

Tờ báo Nam Hà số ra 1102, thứ 5 ngày 22-6-1972 với dòng tít lớn “Nam Hà bắn rơi 100 máy bay Mỹ” và đăng hình ảnh chiếc máy bay Mỹ thứ 100 bị quân và dân tỉnh ta bắn rơi.
Tờ báo Nam Hà số ra 1102, thứ 5 ngày 22-6-1972 với dòng tít lớn “Nam Hà bắn rơi 100 máy bay Mỹ” và đăng hình ảnh chiếc máy bay Mỹ thứ 100 bị quân và dân tỉnh ta bắn rơi.

Các hiện vật thời kỳ kháng chiến chống Mỹ được Bảo tàng tỉnh sắp xếp khoa học theo nhóm được lưu trữ trong kho hiện vật khối, kho phim ảnh, kho tư liệu giấy, nghiên cứu, lựa chọn phục vụ công tác trưng bày. Ở gian trưng bày các tài liệu, hiện vật kháng chiến chống Mỹ, bức ảnh “Sự trừng phạt đích đáng” của cố Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Văn được treo trang trọng và chú thích đầy đủ về sự kiện. Sáng sớm ngày 25-5-1966, khi máy bay Mỹ đánh phá cửa biển Hải Thịnh (Hải Hậu), dân quân Hải Thịnh phối hợp với bộ đội Phòng không bắn rơi một máy bay địch. Hình ảnh nữ dân quân du kích Hà Thị Nhiên hiên ngang kéo xác máy bay Mỹ trên bờ biển đã được nghệ sĩ Quang Văn lưu lại. Bức ảnh vừa mang tính thời sự vừa có giá trị nghệ thuật cao được nhiều tờ báo quốc tế đăng tải vừa tố cáo lên án sự leo thang quân sự đánh phá miền Bắc của đế quốc Mỹ cũng cho thấy kết cục của cuộc chiến phi nghĩa ấy ở Việt Nam. Cũng về chủ đề máy bay Mỹ bị bắn rơi, đặt trang trọng trong tủ kính là tờ báo Nam Hà số 1102, thứ 5 ngày 22-6-1972 với dòng tít lớn “Nam Hà bắn rơi 100 máy bay Mỹ” và đăng hình ảnh chiếc máy bay Mỹ thứ 100 bị quân và dân tỉnh ta bắn rơi. Hình ảnh ghi lại chiến công ngày 11-6-1972, Đại đội 2, Tiểu đoàn 6 pháo cao xạ bảo vệ thành phố đặt tại khu vực Bến Than (nay là khu vực Trường THCS Hàn Thuyên, đường Trần Bích San, phường Trần Quang Khải, thành phố Nam Định) bắn hạ chiếc máy bay thứ 100 thuộc dòng máy bay chiến đấu A6 mang ký hiệu 522 bị rơi xuống hồ Thượng Lỗi (nay là hồ Truyền Thống, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định). Sau khi máy bay trúng đạn, 1 trong 2 phi công đã nhảy dù và bị lực lượng tự vệ Nhà máy Dệt bắt sống. Viên phi công bị bắt sống là Trung úy William Angus, sinh ngày 15-12-1945, thuộc lực lượng Không quân Hoa Kỳ. Trong lần về thăm Bảo tàng tỉnh và trở lại địa điểm chiếc máy bay bị bắn rơi, cựu binh Mỹ William Angus xúc động ghi lại dòng lưu bút: “… Không thể tin được, tại khu trưng bày có hình ảnh xác chiếc máy bay của chúng tôi mang ký hiệu 522 được kéo lên từ hồ cùng với một bài báo đăng ngày 22-6-1973 mà chúng tôi là phi hành đoàn của chiếc máy bay thứ 100 bị bắn rơi ở Nam Hà”. Sau chuyến tham quan Bảo tàng Nam Định lần đầu tiên năm 2013, William Angus cùng vợ còn vài lần dẫn những người bạn nước ngoài về đây. Vào mỗi dịp này, ông đều khẳng định hành trình trở về Việt Nam là điều mà nhiều cựu binh Mỹ như ông luôn nung nấu kể từ khi chiến tranh kết thúc và những chuyến thăm không phải để ôn lại những ký ức đau thương mà là hàn gắn lại những vết thương chiến tranh để hướng tới tương lai tốt đẹp.

Thăm bảo tàng, nhiều người không khỏi xúc động khi nghe câu chuyện kể về 2 mảnh chăn chiên mang số đăng ký BTNĐ 4895/ĐD: 709 và BTNĐ 5957/ĐD: 857 được lưu giữ trưng bày. Đây vốn là một chiếc chăn của ông Trần Trung Ẩm, nguyên bộ đội Sư đoàn 312, thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, hiện cư trú tại xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc). Năm 1972, đơn vị ông Ẩm tham gia trận đánh lớn tại Thành cổ Quảng Trị. Khi đi qua một căn hầm, ông thấy một chiến sĩ bị thương, đang lên cơn sốt rét. Ông đã dừng lại, vội cắt chiếc chăn của mình thành hai mảnh, lấy một mảnh đắp cho người chiến sĩ. Mảnh chăn ông giữ lại cho mình được ông cất giữ mãi sau hòa bình thống nhất. Năm 2007, ông Trần Trung Ẩm đã tặng mảnh chăn cho ông Vũ Đình Lưu (thành phố Nam Định) là người sưu tầm lập bảo tàng kỷ vật chiến tranh. Và như có duyên phận, năm 2009 khi đi sưu tầm kỷ vật tại huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, ông Lưu đã tìm được nửa mảnh chăn còn lại từ chính người chiến sĩ bị thương năm xưa.

Cán bộ Bảo tàng tỉnh giới thiệu các hiện vật thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Cán bộ Bảo tàng tỉnh giới thiệu các hiện vật thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ở Bảo tàng tỉnh còn có hàng chục lá thư thời chiến được lưu giữ; trong đó nhiều bức thư có nội dung giống như những dòng lưu bút của người chiến sĩ trước lúc hy sinh. Đó là thư của các liệt sĩ: Phạm Văn Lãng, Phạm Xuân Vui, Văn Kiên, Trần Đức Hán... Liệt sĩ Phạm Xuân Vui ở thôn Liêm Thôn, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) tham gia thanh niên xung phong xây dựng đường Hồ Chí Minh ở Nghệ An từ năm 1965. Từ chiến trường đầy khói lửa, ông đã gửi 2 lá thư về cho người chú ruột ở quê nhà là ông Phạm Xuân Các. Những lời tâm tình, chia sẻ của người lính nơi tiền tuyến với cảm xúc nhớ thương gia đình nhưng ngập tràn niềm tin vào thắng lợi của cách mạng. Lá thư là kỷ vật thiêng liêng, chân thực về một thời máu lửa được ông Các giữ gìn cẩn thận và hiến tặng Bảo tàng tỉnh năm 2011. Trong bức thư viết ngày 14-11-1965, chiến sĩ Phạm Xuân Vui gửi về cho chú ruột Phạm Xuân Các có đoạn: “... Ba cháu đã mất nhưng còn bà, còn mẹ, còn Đảng ta đã nuôi dưỡng nên cháu đã lớn được như ngày nay. Muốn đền đáp được công lao đó, cháu đã tự nghĩ hiện nay nước nhà đang bị bọn Mỹ xâm lược, trong lúc này Đảng kêu gọi những thanh niên như chú cháu ta gia nhập quân ngũ để đánh đuổi bọn Mỹ, thống nhất Bắc Nam…”.

Nhóm hiện vật phản ánh cảnh người dân tham gia phục vụ chiến đấu góp phần làm nên thắng lợi vang dội của quân và dân Nam Định trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Đó là bộ quang gánh của mẹ Mít dùng để gánh nước và hoa quả ra trận địa phục vụ bộ đội trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ 1965-1969; hình ảnh bàn chông quay tự tạo để bố phòng bờ biển; chiếc gầu dây dùng để tát nước, xây dựng trận địa phòng không bảo vệ thành phố Nam Định đầu năm 1965; những chiếc bát sử dụng để đựng nước uống hay đựng cơm, cháo phục vụ bộ đội những năm 1967-1968; chiếc liềm của dân quân xã Hải Thịnh (Hải Hậu) dùng để cắt cỏ, ngụy trang địch trong trận địa chiến đấu bắn máy bay Mỹ... Hàng năm, các cơ sở giáo dục, nhà trường đã phối hợp với Bảo tàng tỉnh tổ chức các hoạt động tham quan, tìm hiểu lịch sử quê hương, đặc biệt vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30-4. Những hiện vật được trưng bày đã giúp học sinh có những tiết học lịch sử sinh động, thiết thực giúp các em cảm nhận lịch sử một cách cụ thể, từ đó vun đắp lòng tự hào giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương cho thế hệ trẻ, bồi dưỡng lòng tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp nối truyền thống cha anh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

Bài và ảnh: Viết Dư

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com