Chuyện nhỏ về người anh lớn (kỳ 2)

08:10, 24/10/2019

Tô Hoài

(tiếp theo)

Trong bộ sách Danh nhân Việt Nam qua các thời đại, Nhà xuất bản Thanh niên có đề nghị tôi viết một tác phẩm về đồng chí Hoàng Văn Thụ. Đồng chí Hoàng Văn Thụ người dân tộc Tày ở Lạng Sơn. Trong kháng chiến chống Pháp, tôi đã ở Việt Bắc gần chục năm, bây giờ vẫn đi lại như vùng quê, tôi có am hiểu ít nhiều về một số dân tộc anh em. Nhà xuất bản nhờ tôi viết về đồng chí Hoàng Văn Thụ bởi những lý do ấy.

Tôi dự định viết hai tiểu thuyết ký sự về Hoàng Văn Thụ. Hoàng Văn Thụ thời thơ ấu với tuổi thanh niên và Hoàng Văn Thụ, nhà cách mạng lỗi lạc khi về Hà Nội.

Tôi đã đi Lạng Sơn về quê anh Thụ và các vùng biên giới Lạng Sơn. Trong sáu tháng liền, tôi đã về Phạc Lạn, đến Trường học Đông Kinh ở thị xã, đi các làng hai bên biên giới Việt Nam và Trung Quốc từ Nam Quan sang Long Châu, những nơi trước đây anh Hoàng Văn Thụ đã hoạt động. Tôi đã gặp các bạn ngày trước của anh Thụ, có ngươi ở quê, có người trước đã làm ở xưởng tư giới Long Châu với anh Thụ, tôi về thăm gia đình khi đó còn bà Dụ, chị anh Thụ. Sau Tỉnh ủy cho tôi đến ở nhà an dưỡng của tỉnh ở Khuổi Sao trên Thất Khê, ở đấy tôi đã viết bản thảo lần thứ nhất cuốn Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ.

Đồng chí Trường Chinh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước ta thăm Liên Xô, ngày 4-11-1982.
Đồng chí Trường Chinh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Nhà nước ta thăm Liên Xô, ngày 4-11-1982.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ khi về Hà Nội cùng với đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh và đồng chí Hoàng Quốc Việt, ba đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng, người phụ trách công vận, người phụ trách binh vận và người phụ trách công tác chung, về trí thức vận, ba đồng chí đã thay nhau chỉ đạo phong trào và lực lượng ở Hà Nội.

Tôi định khi nào viết về đồng chí Hoàng Văn Thụ ở Hà Nội mà đồng chí Trường Chinh đã phác cho tôi những nét lớn và kể một số kỷ niệm của đồng chí. Tiếc rằng tôi chẳng bao giờ viết được. Phạm vi giao thiệp, hoạt động và công tác của đồng chí Hoàng Văn Thụ rất rộng, đụng đến vấn đề gì lại mở ra bao nhiêu việc khác, mà tôi thì không cố gắng tập trung.

Trước khi đi Lạng Sơn, tôi thường lên gặp đồng chí Trường Chinh. Anh cũng thấy nên viết hai cuốn về Hoàng Văn Thụ như dự định của tôi.

Tôi có thói quen lấy tài liệu không theo lối hỏi và trả lời. Tôi cố gắng hỏi như hai người trò chuyện, quan tâm cả tiếng nói và nét mặt. Anh biết ý, anh cứ nói, nói hết rồi tôi mới lại hỏi anh.

Anh kể những chuyện ở An toàn khu. Căn cứ An toàn khu của Trung ương đặt cơ sở hai bên sông Hồng, tỉnh Phúc Yên bên kia, phủ Hoài Đức bên này, địa lý hành chính thời ấy huyện Từ Liêm trong phủ Hoài Đức, tiếng là thuộc tỉnh Hà Đông và các tỉnh Phúc Yên, Vĩnh Yên, nhưng ở kề ngay ngoại thành, tin tức và liên lạc ra vào trung tâm Hà Nội thật nhanh chóng, thuận lợi.

Anh nói mỗi khi có dịp ở cùng, anh Hoàng Văn Thụ lại giúp anh học bạch thoại. Hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhưng anh cố học. Chăm học dường như cũng đem lại sự cân bằng, bình tĩnh, nhưng chính là cái gì đã định thì anh cố làm cho được. Bản Đề cương Văn hóa Việt Nam của Đảng được khởi thảo và công bố năm 1943, khi ấy anh đương đọc nhiều tài liệu về tân văn hóa mà anh Hoàng Văn Thụ đem từ biên giới về.

Anh kể:

Có nhiều cái chỉ là hình thức thôi, nhưng viết lên và phân tích được mới ra con người. Chúng tôi bí mật ở cơ sở, thường không ở cùng một nơi, nhưng gần nhau, mỗi khi đi đâu ra ngoài là phải ăn mặc thích hợp cốt cho không ai chú ý. Phải hết sức cẩn thận, nhất là từ năm 1940 trở đi, thực dân Pháp đã thành tay sai của phát xít Nhật, cách mạng bị hai tròng kìm kẹp, mật thám như rươi, trong khi chúng tôi vẫn ở sát nách địch thế này. Hoàng Văn Thụ và tôi khi ra đường ăn mặc rất khác nhau, trái ngược nhau không thể tưởng tượng được. Hoàng Văn Thụ người Tày, từ nhỏ ở làng giữa rừng, đi xa nhất là ra tỉnh lỵ Lạng Sơn, chưa bao giờ đến Hà Nội. Ấy thế mà mỗi khi đi ra phố, anh ấy mặc áo sơ mi trắng, quần tây phẳng nếp, đầu đội mũ cát, chân đi giày ba ta, có khi đi xe đạp, đàng hoàng nếu không như sinh viên thì cũng như thầy ký. Còn tôi ở Nam Định, rồi nhiều năm lên học ở Hà Nội thế mà chuyên đóng vai ông lý, ông phó trong làng ra. Không phải để cho lạ, bởi vì khác mắt một cái chắc chắn bị đội xếp hỏi thẻ thân hay là mật thám tóm ngay. Nhưng mà cải trang cụ "lý đình dù" mới hợp với vẻ người tôi: khăn xếp, áo the, ô đen, quần ống sớ hồ lơ, giầy Gia Định hay đôi giầy vải nâu. Che mắt địch, ấy thế mà đâu cũng đến được.

Biết bao nhiêu chuyện lạ lùng và hấp dẫn đối với tôi. Tôi đề nghị khi tôi ở Lạng Sơn về, mong anh kể cho nghe thật nhiều chuyện như thế. Những cái thông thường mà thật kỳ ảo, trong khi các anh đương hoạt động long trời lở đất giữa công cuộc đánh Pháp đuổi Nhật đương tiến tới giai đoạn quyết định.

Anh nói:

Có điều quan trọng anh phải quan tâm là mọi chuyện tôi kể anh nên tìm đối chiếu những văn kiện, những tài liệu của thời kỳ ấy, nói về thời kỳ ấy, như thế câu chuyện mới có nội dung. Để tôi nhớ rồi giới thiệu cho anh, khi nào anh đi Lạng Sơn về.

(còn nữa)

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com