Lần đầu được gặp anh Năm (kỳ 3)

06:03, 27/03/2019

Mai Vy

(tiếp theo)

Qua Liễu Khê đến xã Liễu Ngạn, đầu xã có cái đình làng anh khen đình to đẹp. Qua cổng làng đường gạch rộng thẳng tắp, anh hỏi: Sao làng này đường đẹp thế mà làng cậu đường xoàng thế! Tôi nói đây là làng quan, quê hương Nguyễn Gia Ngô, Nguyễn Gia Thiều bao đời công hầu khanh tướng, giữa làng còn có Nhà thờ họ Nguyễn Gia to lắm, cổ lắm. Anh nói thế là mình đã đến quê của tác giả Cung oán ngâm khúc, cậu có biết gì thêm về Nguyễn Gia Thiều kể cho mình nghe. Tôi nói bà nội tôi quê ở làng này, bố tôi rất yêu quê ngoại, rất mê thơ văn Ôn Như Hầu, thuộc lòng Cung oán ngâm khúc, thuộc gia phả họ Nguyễn Gia, ông thường kể cho chúng tôi nghe Nguyễn Gia Thiều là quan võ được phong tước hầu, chức quan to nhất của ông là Tổng binh Hưng Hoá, là võ quan nhưng ông lại thích thơ, am hiểu nhạc, hoạ, kiến trúc, lại nghiên cứu cả thiên văn, địa lý, đồng thời là tín đồ của Đạo Phật, Đạo Lão. Mẹ ông là quận chúa, con gái Trịnh Cương, vì thế ông sinh ra và lớn lên rồi học hành ngay trong phủ Chúa, hiểu rõ mọi sinh hoạt trong cung cấm; với lòng thương người, ông xót xa thông cảm với hàng trăm, hàng ngàn cung nữ trong cung Vua phủ Chúa bị lạnh nhạt, bị bỏ rơi, sống cuộc đời buồn tủi, hiu quạnh đến chết, nên ông đã viết khúc ngâm cung oán tuyệt vời.

Anh ngẫm nghĩ rồi nói nhẹ nhàng: những tâm hồn lớn thường quan tâm đến số phận con người, ưu ái xót thương những người cùng khổ bị thiệt thòi, bị áp bức trong xã hội cũ như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm, Ôn Như Hầu... Tác phẩm của các vị đều mang tính tố cáo, tính nhân văn sâu sắc, cần được nghiên cứu.

Câu chuyện đến đây thì cũng vừa tới nhà anh Nguyễn Gia Cần, hậu duệ dòng đích của Nguyễn Gia Thiều. Nhà anh Cần khá rộng rãi lại có ba gian nhà khách ở mé vườn rất tiện để anh Năm làm việc và nghỉ ngơi. Lúc đầu cơ quan in báo bí mật của Đảng cũng ở đây, ít lâu sau dường như có điều gì bất tiện anh Quỳ đưa anh Năm ra nhà tôi bảo tôi bố trí chỗ ở cho anh để tiện làm việc với anh Thụ, anh Việt và các đồng chí khác. Lần này anh Quỳ nói với tôi, anh Năm là đồng chí Trường Chinh, cây bút chủ lực của những tờ báo Đảng mấy năm hoạt động công khai và đồng tác giả cuốn sách Vấn đề dân cày.

Tôi sắp xếp chỗ ở cho anh Năm tại nhà anh họ tôi cách nhà tôi độ 100m, lấy danh nghĩa là bạn của anh tôi đang tự học để thi tú tài nên về đây ở ít lâu học cho tĩnh. Buổi tối tôi thường lên thăm anh, nếu thấy anh rảnh rỗi là vào nghe anh nói chuyện. Anh nói nhiều chuyện nhưng bấy giờ tôi còn ít tuổi, ít hiểu biết nên tiếp thu hạn chế. Tôi thích nhất anh nói về thời sự, lúc bấy giờ Nhật chưa vào Đông Dương nhưng anh đã khẳng định Nhật sẽ vào, Nhật muốn làm bá chủ châu Á tranh giành khu vực ảnh hưởng với Đức, Italia, đối phó với Đồng Minh thì Nhật phải vào. Nhật vào đây chúng sẽ hất cẳng Pháp. Nếu Pháp cam tâm đầu hàng Nhật, làm tay sai cho Nhật thì dân ta một cổ hai tròng, sẽ càng cực khổ hơn nữa. Quả nhiên tháng tám năm ấy Nhật vào Đông Dương, Pháp đầu hàng Nhật. Nhật dùng Pháp làm tay sai tiếp tục cai trị dân ta, thu thuế, thu thóc, bắt dân trồng đay, lo công tác hậu cần, tích cực đàn áp phong trào cách mạng để bọn Nhật chuyên lo mặt quân sự. Lúc này anh lại nói: "Hai con chó ăn chung một chậu thế nào chúng cũng cắn nhau chí tử một mất một còn, ta phải nhân cơ hội này đưa cách mạng tiến lên", hình ảnh anh dùng thật hay, thật dân dã, về sau lịch sử đã diễn ra đúng như anh dự đoán.

Phương tiện thông tin của anh lúc ấy chỉ có tờ báo Đông Phát mà vài ngày tôi lại ra chợ Ghềnh mua về cho anh. Anh Quỳ tìm cho anh một số sách lý luận và những tài liệu khác để anh nghiên cứu. Ban ngày anh làm việc, ban đêm anh bảo tôi đưa đi thăm vài ba nhà quần chúng tốt vừa xả hơi vừa tiếp xúc tìm hiểu dân tình, tuyên truyền cách mạng. Có lần một tay sừng sỏ trong làng tính tình ngang ngạnh, tự kiêu, sang nhà anh tôi, cả nhà đi làm đồng, hắn đẩy cửa xông vào buồng anh Năm. Anh bình tĩnh mời hắn ngồi, tự giới thiệu là về đây để học cho tĩnh, rồi anh hỏi thăm gia cảnh, sinh hoạt của hắn, không hiểu anh nói với hắn những gì mà từ đấy hắn đổi khác, trở thành người biết điều, ủng hộ cách mạng. Hắn nói với anh tôi là từ lâu hắn mới gặp một người đáng nói chuyện, ông này không phải người thường, sau này ắt làm nên. Thời gian từ tháng tám trở đi các anh rất bận rộn, Khởi nghĩa Bắc Sơn nổ ra, cán bộ đi về tấp nập, sau này tôi mới biết trong đó có các anh Huy Còm, Phùng Chí Kiên về xin ý kiến lãnh đạo. Rồi đến khi chuẩn bị Khởi nghĩa Nam Kỳ, tôi nhớ một hôm anh Quỳ đưa hai đồng chí về chỗ tôi nghỉ đêm, rồi sáng sau đi họp ở một địa điểm khác. Lúc ở tù với nhau, anh Quỳ mới nói là anh đã đón anh Phan Đăng Lưu ở làng Cót rồi đưa về chỗ tôi.

Khoảng tháng mười, anh Thụ, anh Việt thường về gặp anh Năm trao đổi một buổi rồi lại đi, anh Năm thì cặm cụi viết lách, đầu tháng mười một anh Năm đi vắng mấy ngày rồi lại về cặm cụi viết lách. Lúc này cơ quan báo Đảng chuyển ra chỗ tôi, chuẩn bị địa điểm in mới. Chúng tôi tưởng là anh chuẩn bị cho số báo sắp tới. Thấy anh bận việc tôi không dám làm phiền, thỉnh thoảng lên thăm anh một chút rồi về.

(còn nữa)

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com