Trường Chinh - Một cộng sự đắc lực của Bác Hồ, một nhân cách lớn, một tâm hồn trong sáng (kỳ 7)

06:02, 11/02/2019

Hoàng Ước

(tiếp theo)

Ở đây, tôi chỉ xin lược ghi lại ý kiến của anh hồi đó, có nghĩa là những ý mà đến nay, tôi cho là quan trọng nhất, những ý của một nhà lãnh đạo chiến lược tầm cỡ. Trong cuốn sách có nhan đề Trường Chinh và cách mạng Việt Nam do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia in năm 1997, đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: "Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với cương vị là Chủ tịch ủy ban Thường vụ Quốc hội, rồi sau đó là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, anh Trường Chinh đã có công lao to lớn là góp vào việc soạn thảo và đưa ra những quyết sách chiến lược nhằm đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đi tới thắng lợi hoàn toàn. Nói riêng về mặt quân sự, anh có những ý kiến đóng góp rất xuất sắc". Cũng trong cuốn sách này, đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng viết: "Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là thành viên trong Bộ Thống soái tối cao, đồng chí (tức Trường Chinh) đã góp phần không nhỏ vào những quyết sách chiến lược lớn đưa đến những bước ngoặt của chiến tranh và thắng lợi cuối cùng" và tôi còn nhớ như in lời khẳng định và dự kiến sáng suốt của đồng chí về chiều hướng phát triển tất yếu của cuộc chiến tranh cách mạng: "Phải có những đòn tiêu diệt chiến lược lớn như Điện Biên Phủ, và cũng chỉ cần vài ba đòn như vậy kẻ địch sẽ sụp đổ ngay. Phải nắm chắc quyền chủ động, đánh vào những chỗ buộc địch phải đổ, khi đó chúng sẽ rơi vào cạm bẫy của ta". Tôi mong kể câu chuyện anh phân tích dặn dò tôi có thể là một phần minh chứng cho các nhận định tổng quát và sâu sắc về đóng góp của anh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà hai đồng chí đại tướng đã nêu.

Đại ý, anh nói: "Trong thực tế, đôi khi người ta vì mù quáng theo đuổi những mục đích ngông cuồng mà quên đi những quyết định sáng suốt ban đầu. Điều này rất đúng khi liên hệ việc đế quốc Mỹ bắt đầu đưa quân tham chiến ở Việt Nam chứ không chịu dừng lại ở mức chỉ đưa cố vấn quân sự. Sau thất bại trong cuộc chiến tranh ở Triều Tiên, trong giới cầm quyền của Mỹ đã có khuyến cáo rằng không bao giờ được phép đưa quân vào tham gia tác chiến ở những đất nước xa xôi châu Á. Đến nay hàng vạn quân Mỹ đã có mặt ở chiến trường miền Nam. Chắc hẳn, chúng vào đây không phải chỉ nhằm mục đích răn đe, càng không phải là để đi du lịch... Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu xem có thể tiếp tục phương châm, chính sách, phương pháp đấu tranh của chiến tranh đặc biệt hay không?... Chiến tranh cục bộ nhất định sẽ xảy ra. Nó đến ngoài sự mong muốn của chúng ta. Cuộc chiến đấu của toàn thể dân tộc sẽ gian khổ, phức tạp hơn, và ở miền Nam sẽ diễn ra ác liệt hơn. Về điểm này, không được phép tiết lộ ra ngoài lúc này... Trong chiến tranh, nhất là chiến tranh nhân dân lâu dài, điều cần đánh giá thật đúng là sự so sánh lực lượng ở các cấp độ khác nhau, nhưng quan trọng nhất là ở cấp chỉ đạo chiến lược. Sự so sánh lực lượng ở mỗi thời điểm của chiến tranh đòi hỏi sự vận dụng các yếu tố khác nhau. Cả hai loại yếu tố thường xuyên và đột xuất đều phải chú ý; nhưng cần coi trọng nhất là loại các yếu tố thường xuyên. So sánh lực lượng không phải chỉ là thống kê số lượng và chất lượng của số quân, số súng đạn và phương tiện kỹ thuật của hai bên rồi rút ra kết luận đơn giản. Như vậy là lôgich hình thức. Sự so sánh đó cũng cần thiết nhưng chưa đủ. Những yếu tố cơ bản khác cần tính đến trong so sánh lực lượng còn là sức mạnh của hậu phương, hậu thuẫn chính trị của dư luận tiến bộ trên thế giới, năng lực lãnh đạo và chỉ đạo chiến tranh, tinh thần của dân chúng và quân đội, … Chỉ có điều mấu chốt nhất là chiến tranh cục bộ có diễn ra thì người chiến thắng sẽ là nhân dân Việt Nam, đất nước sẽ hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam thống nhất một nhà. Đó là nguyện vọng thiêng liêng của nhân dân ta ở cả hai miền; Đảng ta là người lãnh đạo và đại diện cho nguyện vọng thiêng liêng đó. Với quyết tâm và niềm tin sắt đá vào bản thân lực lượng của dân tộc mình là chính, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bên ngoài (lúc đó là phe xã hội chủ nghĩa mà quan trọng nhất là Liên Xô và Trung Quốc cùng sự đồng tình của nhân dân thế giới), chúng ta nhất định chiến thắng...". Chỉ trong khoảnh khắc đó, tôi bỗng cảm thấy như mình lớn lên. Giọng anh có lúc hùng hồn, sang sảng... Đôi lúc tôi thấy run bắn người lên, căm thù giặc Mỹ và cảm thấy phăm phăm khí thế ra trận như trong thời kỳ chống Pháp.

Anh vào buồng riêng một lúc rồi ra tiếp tục nói chuyện, cảm thấy anh vui, thoải mái, tôi ngồi nán lại. Anh vui vẻ nói: "Tôi báo tin mừng là cậu Kỳ và cô Huấn có con trai đầu lòng rồi. Vào Nam, có ai hỏi thăm tôi thì nhắn giúp rằng tôi đã lên chức ông nội rồi...". Anh đưa tôi lên gác thăm chị Kỳ và cháu, rồi từ trên gác ba, tiễn tôi về. Khác với thường lệ, anh xuống tận sân, nắm chặt tay tôi chúc tôi lên đường, hẹn ngày gặp lại và gửi lời thăm gia đình tôi.

Ở trong Nam, ý kiến của anh được tôi tâm sự với anh Vũ Đức, anh Thép Mới, anh Trần Đình Vân là những người bạn thân. Anh Trần Nam Trung và anh Hai Văn là hai đồng chí Thường vụ Trung ương Cục đã chăm chú nghe tôi báo cáo lại ý kiến của anh. Lúc đó đã có chỉ thị của Bộ Chính trị về việc đối phó trong chiến tranh cục bộ rồi. Do điều kiện sức khỏe, tôi không được chia sẻ với đồng đội, chiến hữu, đồng bào miền Nam niềm vui chiến thắng của ngày 30-4-1975. Nhưng những người thân quen ở đấy trong thời kỳ này vẫn dành cho tôi nhiều tình cảm tốt đẹp.

(còn nữa)

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com