Trường Chinh - Một cộng sự đắc lực của Bác Hồ, một nhân cách lớn, một tâm hồn trong sáng (kỳ 4)

06:01, 29/01/2019

Hoàng Ước

(tiếp theo)

Chỉ đạo công tác sửa sai

Ở phần trên, tôi đã điểm qua sai lầm của cải cách ruộng đất kết hợp với chỉnh đốn tổ chức dẫn tới việc anh phải tự giác đứng ra kiểm điểm nhận trách nhiệm về mình, tự nguyện xin từ chức Tổng Bí thư và được Trung ương chấp nhận. Theo quyết định của Trung ương, anh vẫn ở trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư và được phân công đặc trách công việc sửa sai, một công việc bộn bề, phức tạp. Tôi là một trong số người gần gũi nhất chứng kiến những đức tính quý báu cùng bản lĩnh, khả năng lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác trọng tâm của Đảng trong thời kỳ này. Tất nhiên, anh còn phải gánh vác nhiều công việc quan trọng khác. Tháng nào, cũng có vài ba đợt, mỗi đợt 1-2 ngày, anh hẹn tôi sang báo cáo và làm việc bắt đầu từ 22 giờ 30 hoặc 23 giờ. Và thông thường, buổi làm việc như vậy kéo dài ít nhất là 4 tiếng. Cũng có buổi, đồng hồ đã điểm 5 giờ sáng, anh em cảnh vệ đã dậy tập thể dục và tôi đã ngủ gà, ngủ gật, không còn đủ sức chữa những bản đánh máy khác theo bản chữa mẫu của anh. Anh giục tôi đi ngủ để rồi 8 giờ sáng sang lấy sửa tiếp và gửi ngay để kịp phục vụ Bộ Chính trị họp chiều hôm sau. Sau này, anh Đạt, thư ký đánh máy là người hay được "mời" đến để "lao động ca ba" như vậy.

Đồng chí Trường Chinh dự Hội nghị thống nhất Việt Minh - Liên Việt, tháng 3-1951.
Đồng chí Trường Chinh dự Hội nghị thống nhất Việt Minh - Liên Việt, tháng 3-1951.

Cũng nhân đây, đối với tôi có một mẩu chuyện tôi cho là lý thú. Những lúc hay phải làm khuya như vậy, chị Minh - người bạn đời của anh là người trực tiếp can thiệp, sau khi bác sĩ và bảo vệ tiếp cận tỏ ra bất lực. Anh rất khéo dàn xếp với chị. Chẳng biết anh chị nhỏ nhẹ với nhau điều gì, có khi anh đưa chị lên gác một lúc, rồi anh vui vẻ nói với chúng tôi: đấu tranh thắng lợi rồi, chúng ta cố tăng năng suất làm hai tiếng nữa cho xong. Rồi anh lại cần cù làm việc, mùa hè thì quạt trần mở hết tốc độ, trên mình mặc may ô, quần đùi. Anh nhắc chúng tôi cũng mặc thế cho mát, nhưng chúng tôi chỉ tự cho phép mình mặc may ô, quần dài thôi. Tuy làm việc vất vả và mệt nhọc như vậy, nhưng công tác rất vui. Và bữa ăn đêm của anh thường được san sẻ chia ra cùng hưởng. Khi thì miếng đu đủ hay mấy miếng cam, khi thì cốc cà phê sữa với vài cái bánh bích quy. Thế rồi có một bữa, tôi được anh Hoàng Quốc Việt gọi sang. Nhà anh Việt liền ngõ nhà anh Trường Chinh. Anh Việt hỏi tôi về chuyện anh Trường Chinh hay làm việc quá khuya, có cách nào giảm bớt được không?, … Tôi thưa với anh Việt: Anh quá hiểu anh Năm (lúc này, anh Trường Chinh lấy bí danh là Năm); đã nhận việc gì được phân công thì làm cật lực với tinh thần trách nhiệm đầy đủ nhất để đạt được kết quả cao nhất. Muốn anh đỡ vất vả, có lẽ chỉ có một cách là giao việc đó cho người khác... Anh Việt nghe tôi báo cáo, ngồi trầm ngâm một lúc. Trong lòng tôi bỗng trào lên một niềm xúc động về tình bạn chiến đấu, tình đồng chí thiêng liêng giữa hai anh. Đến nay, tôi vẫn cứ nghĩ rằng lúc đó trình độ hiểu biết và học vấn chưa cao, nhưng về cái đạo làm người hồi đó, có nhiều điều ngày nay, chúng ta nên nhớ lại, học tập và làm theo...

Xin trở lại với công việc sửa sai hồi đó. Đến cuối năm 1958, tình hình trong Đảng và xã hội đã ổn định nhiều. Được làm chủ mảnh ruộng mới được chia, nông dân nghèo đã đầu tư công sức của mình cho nên năng suất tăng lên rõ rệt. Nạn đói ở nhiều nơi được đẩy lùi. Nông dân tự nguyện đứng ra giúp nhau bằng cách đổi công. Tình làng nghĩa xóm gắn bó với nhau khi tối lửa tắt đèn bị lu mờ đi trong cải cách ruộng đất đã được phục hồi và nhen nhúm lại. Vay mượn, giúp nhau giống má không cần có lời lãi gì. Đoàn kết nông thôn được củng cố lại. Người thành phố vui vẻ về thăm lại quê hương mình khá nhộn nhịp. Những phong tục tập quán tốt đẹp được phục hồi, tuy vẫn còn thái độ giữ kẽ, e dè. Việc Đảng thành tâm sửa chữa sai lầm đã làm cho lòng dân thông cảm và càng tin tưởng vào Đảng và Hồ Chủ tịch. Và cũng đến lúc đó, cán bộ và quần chúng đã có nhận thức đúng đắn hơn trong việc đánh giá về thắng lợi cơ bản và sai lầm nghiêm trọng của cải cách ruộng đất kết hợp với chỉnh đốn tổ chức.

Tôi nhớ lại một đêm khuya mùa Đông năm 1958, bên ánh lửa bập bùng của lò sưởi phòng khách, sau buổi làm việc, anh tâm sự đại ý như sau: Đến nay, chúng ta đã có thể yên tâm rằng việc sửa sai sẽ được hoàn thành; thắng lợi của cải cách ruộng đất được bảo vệ và sẽ phát huy kết quả và ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Nhân dân ta đã thấy Đảng ta hành động là vì quyền lợi và hạnh phúc của nhân dân. Những số liệu thu được trong sửa sai như hạ thành phần cho những người bị quy sai, đền bù một phần tài sản cho họ,… đã chứng tỏ rằng chúng ta sửa chữa sai lầm một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, sự thiệt hại của quần chúng cũng chưa thể được bù đắp đầy đủ. Có những sai lầm không thể nào sửa được. Thật rất đáng ân hận, nhưng đồng bào đã có sự thông cảm. May mà hồi đó, mình còn tỉnh táo và dũng cảm, biết tự phê bình, dám nhận trách nhiệm. Ngạn ngữ Pháp có câu "Le moi est haissable" (cái tôi là đáng khinh ghét). Anh còn nói nhiều hơn nữa, nhưng tôi xin phép chỉ ghi lại những điều chủ yếu nhất. Đấy, tấm lòng của anh trong sáng là vậy. Đấy, phong cách của một nhà lãnh đạo chiến lược là như vậy. Sau đó, bản thân tôi vẫn canh cánh một nỗi ân hận là tại sao những người trực tiếp chỉ đạo thực hiện lại thiếu tinh thần trách nhiệm đến mức gây ra hậu quả nghiêm trọng đến như vậy.

 (còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com