Trường Chinh - Một cộng sự đắc lực của Bác Hồ, một nhân cách lớn, một tâm hồn trong sáng (kỳ 1)

05:01, 17/01/2019

Hoàng Ước

Là một người có thời gian được trực tiếp giúp việc đồng chí Trường Chinh, và sau đó, tiếp tục được đồng chí dìu dắt, dạy bảo cho đến lúc đồng chí đi xa, tôi xúc động và rất mừng khi được biết Thường vụ Bộ Chính trị (khóa VIII) có quyết định xuất bản sách và làm phim nói về cuộc đời và sự nghiệp của các đồng chí Trường Chinh và Lê Duẩn, nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày sinh của hai người học trò xuất sắc và cộng sự đắc lực nhất của Bác Hồ vĩ đại.

Khi được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia mời viết hồi ký về đồng chí, trong lòng tôi, niềm vui xen lẫn với nỗi lo lắng. Mừng vui, vì đây là một dịp tốt để ôn lại và bày tỏ lòng biết ơn đối với người anh lớn đã dìu dắt tôi một cách tận tình. Nhưng thực tình thì lo lắng nhiều hơn. Viết gì, viết như thế nào đối với một lãnh tụ của Đảng, một nhà cách mạng kiệt xuất, một nhà tư tưởng, nhà văn hóa lớn của Việt Nam trong thế kỷ XX?...

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Khang, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt tại Chiến khu Việt Bắc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Khang, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt tại Chiến khu Việt Bắc.

Bản thân tôi đã nhiều lần được nghe anh Trường Chinh kể về những tấm gương tận tụy, hy sinh, những sáng kiến của đồng bào, của những đồng chí từng gần gũi anh. Từ tấm lòng và sự nhanh trí của nhà sư trụ trì ở một ngôi chùa nào đó đã khéo tìm cách báo động khi tên lý trưởng đưa trương tuần đến lùng bắt đồng chí, đến bố con ông lái đò đã giúp đồng chí thoát hiểm trong tình thế nguy cấp để lần về An toàn khu. Có lúc anh kể về sự tận tụy, liêm khiết của anh cả (đồng chí Nguyễn Lương Bằng) trong việc gây quỹ Đảng, sự linh hoạt, tháo vát của Đội công tác ở An toàn khu như các anh Hoàng Tùng, Nguyễn Trọng Tỉnh, Lê Quang Đạo, chị Nguyễn Thị Thanh, … Anh nhắc tới họ với một thái độ vô cùng trìu mến xen lẫn với sự xúc động, khiến người nghe thầm cảm phục và biết ơn. Không rõ anh có dụng ý giáo dục, bồi dưỡng tình cảm cách mạng cho lớp hậu sinh hay không, nhưng bản thân tôi, những lần nghe chuyện anh kể một cách tự nhiên như vậy, thấy thấm thía vô cùng.  Đặc biệt thấm thía khi nhận thấy cái nghĩa, cái tình, nỗi nhớ của anh đối với đồng đội, đồng chí, đồng bào là cơ sở cách mạng đã từng cưu mang, nằm gai nếm mật, sát cánh chiến đấu với mình.

Với anh Trường Chinh, thì những người được gần gũi anh đều cảm phục và quý mến cái đức tính đầu tiên dễ cảm nhận thấy là: quên mình vì cách mạng, vì đồng bào, vì đồng chí. Không bao giờ anh tự nói đến cái tôi của mình. Anh quan tâm một cách chu đáo đến người khác. Khi tiếp chuyện hoặc làm việc với cán bộ, đồng bào, anh chăm chú lắng nghe ý kiến của họ. Với ai đó đề nghị anh giúp đỡ một việc nào đó mà anh xét thấy cần phải làm, anh giúp đỡ đến nơi đến chốn, có khi chỉ đạt được yêu cầu đến mức độ nào thôi, anh cũng thông báo lại cho họ biết. Và cũng vì đối nhân xử thế như vậy, cho nên anh cũng đòi hỏi những người cộng sự với mình, trong khi làm việc phải hết sức tận tụy, cẩn trọng, đến mức có lúc cảm thấy anh nghiêm khắc, khắt khe. Đó cũng là điều dễ hiểu. Ai đã từng sống với anh hoặc tiếp xúc lâu với anh đều cảm nhận thấy anh là người bình dị, dễ tính nhưng rất kỹ tính.

Tôi mượn câu kết bài viết của nhà báo lão thành Hoàng Tùng được đăng trên báo Đảng ngày 10-7-2001 nhân 15 năm ngày Tổng Bí thư Lê Duẩn từ trần để kết thúc đoạn mở đầu bài viết của mình: "Hơn 46 năm kể từ năm 1940 đến năm 1986, Trường Chinh, Lê Duẩn là hai nhân vật quan trọng và là cộng sự đắc lực bên cạnh Bác Hồ, kế tục sự nghiệp của Người, ở thời kỳ bão táp cách mạng ác liệt nhất mà cũng oanh liệt nhất, trong đó có gần 30 năm Lê Duẩn trên cương vị Tổng Bí thư. Mặc dù vậy, Bác Hồ, Trường Chinh, Lê Duẩn thường khẳng định rằng công lao vĩ đại nhất là của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân".

Âu đó cũng là tinh thần chủ đạo bài hồi ký của tôi viết về đồng chí Trường Chinh, người anh cả và người thầy kính mến của thế hệ chúng tôi (đầu đề bài viết của anh Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Trung ương Đảng). Nhân đây, tôi cũng xin phép ghi lại vài đoạn cuối bài thơ tôi viết tưởng nhớ anh, nhân dịp ngày giỗ lần thứ 10 của đồng chí cố Tổng Bí thư Trường Chinh:

Cuộc Trường Chinh ngàn dặm
Biển Đông nổi Sóng Hồng
Trước khó khăn vô tận
Đã phát động canh tân.

*

Người xưa từ lịch sử
Đã cùng Anh hẹn hò
Chu Văn An - Nguyễn Trãi
Cao Bá Quát - Nguyễn Du.

*

Người Anh cả, người Thầy
Người anh hùng thầm lặng
Lịch sử dang tay nhận
Mà Người đã đi xa.

Tháng 9-1998

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com