Trường Chinh với vấn đề đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế (kỳ 12)

03:10, 12/10/2018

Trần Nhâm

(tiếp theo)

    Ông cho rằng giữa giá cả và tiền lương có mối quan hệ rất chặt chẽ. Giải quyết cái này sẽ có ảnh hưởng đến cái kia, và ngược lại giải quyết cái kia sẽ có tác động đến cái nọ. Đối với người ăn lương, vấn đề không phải là ở bản thân việc định giá mà chủ yếu là ở chỗ tiền lương thực tế, ở khả năng thanh toán của người đó đối với những nhu cầu sinh hoạt. Trong điều kiện chưa thể bãi bỏ chế độ cung cấp, còn phải duy trì một thời gian, nhưng phải thay đổi giá cung cấp hiện nay để hạn chế những mặt tiêu cực phát sinh từ các khâu do việc định giá thấp. Làm như vậy, theo ông, cũng là vừa duy trì chế độ cung cấp, vừa khắc phục phần nào tính bao cấp trong tiền lương.

    Với thực trạng tiền lương như vậy, ông nhận thấy mức sống tối thiểu của công nhân hiện nay không đủ cho họ lao động sản xuất bình thường, chưa nói đến lao động với cường độ cao. Nhiều nơi, đặc biệt là vùng mỏ Quảng Ninh đã năm tháng nay chưa trả lương cho công nhân. Ông khẳng định: giải quyết tiền lương lúc này, chính là giải quyết sản xuất, đồng thời cứu lấy giai cấp công nhân. Khi nghe ông nói cứu lấy giai cấp công nhân, cả hội trường của Hội nghị Trung ương đều đứng dậy vỗ tay nhiệt liệt. Ông nói tiếp: trong khi chúng ta còn đang do dự chưa quyết tâm giải quyết vấn đề tiền lương, thì các ngành, các địa phương, và cơ sở không chờ quyết định của Trung ương, từ lâu đã tự động "xé rào" để lo cho đời sống công nhân viên chức của họ. Cụm từ "tự động xé rào" đã khiến cho cả hội trường cười ầm, tiếng xầm xì không ngớt rằng "không ngờ Cụ lại nắm chắc tình hình đến thế".

    Và ông tiếp tục phân tích: với chính sách giá và lương hiện hành, chúng ta không thể quản lý tốt thị trường, không thể nắm được hàng và tiền vào tay Nhà nước. Theo số liệu thì có đến 50% hàng đối lưu với nông dân bị nhân viên thương nghiệp ăn chặn. Chênh lệch giá được triệt để khai thác bằng mọi cách. Và dù bằng cách nào thì rốt cuộc cũng là rút từ trong túi của Nhà nước mà thôi. Các cơ sở xí nghiệp giữ hàng lại để phân phối với giá "nội bộ", thưởng hiện vật, để đối lưu lấy nông sản cải thiện cho công nhân, viên chức. Một thực tế phũ phàng là hầu hết các cơ quan đều buộc phải tìm cách mua hàng với giá thấp để cải thiện, giảm bớt khó khăn cho cán bộ, công nhân, viên chức.

    Ông cho biết, tình trạng cửa quyền trong ngành thương nghiệp khá phổ biến. Họ nắm trong tay hàng hóa để bán lẻ cho người tiêu dùng, nhưng nhân viên trong ngành đã tuồn một khối lượng hàng không nhỏ theo lối bán buôn cho tư thương, cho bọn đầu cơ trục lợi. Điều đáng nói là ở nhiều nơi, chính những người lãnh đạo lại là người chỉ huy việc làm đó. Trên cơ sở phân tích sâu sắc, đầy sức thuyết phục về thực trạng tiền lương hiện nay, ông nhận xét: nguyên việc chúng ta chỉ trả lương đủ sống 10 ngày mà tất cả mọi người đều vẫn xoay xở để sống được cả thì có thể hình dung tình trạng rối loạn trong xã hội đến mức nào. Nhiều người phải tự điều chỉnh cuộc sống, tự điều chỉnh thu nhập bằng cách bán tem phiếu cho con phe, đem hàng được cung cấp, được mua giá nội bộ, được thưởng hiện vật... bán ra thị trường.

    Tất cả những điều đó diễn ra hàng ngày, hàng giờ, cộng với tệ tham ô, ăn cắp vật tư, hàng hóa của Nhà nước thì thử hỏi một khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn đến chừng nào được tuồn ra thị trường. Ông khẳng định rằng toàn bộ vật tư là do ta nhập khẩu hoặc làm ra, tiền là do ta phát hành. Tất cả những cái đó vốn là của ta, theo lẽ thường phải do ta chi phối. Vậy mà ta lại để tuột ra khỏi tay mình, để cho tư thương giành quyền kiểm soát, nếu không phải là toàn bộ thì cũng là phần lớn(!). Điều kỳ lạ hơn nữa là chúng đã giành quyền kiểm soát hàng và tiền ngay trước mắt chúng ta suốt một thời gian dài, trong lúc ta có cả một lực lượng hùng hậu.

    Qua những báo cáo, thư từ, kiến nghị từ các nơi gửi về, bằng những chuyến đi khảo sát các địa phương, những cuộc trao đổi lý thú ở nhóm nghiên cứu, đã cung cấp cho ông những thông tin bổ ích, trang bị cho ông vốn thực tế sống động và phong phú. Với tư duy lý luận sắc bén, bài phát biểu của ông tại Hội nghị Trung ương sáu đã làm rung động lòng người. Vốn là người hùng biện một thời, nay cộng thêm vốn hiểu biết nhiều mặt, với bầu nhiệt huyết có thừa, lòng tự tin sắt đá và một phương pháp luận vững vàng, ông đã phân tích tình hình một cách sâu sắc, nhiều mặt và đầy sức thuyết phục. Những số liệu mà ông đưa ra, những vấn đề mà ông lập luận thật sự làm cho người ta thán phục. Từ rất lâu, mới thấy ông phát biểu ở Hội nghị Trung ương với một nội dung phong phú, với những luận cứ khó bác bỏ và đầy hấp dẫn như vậy. Không phải ngẫu nhiên mà bài phát biểu của ông lại bị ngắt quãng bởi những tràng vỗ tay nhiệt liệt đến thế.

    Tại Hội nghị Trung ương sáu, tuy ông chưa đưa ra những biện pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề tiền lương, nhưng rõ ràng, đó là một đòn điểm trúng huyệt vào cơ chế bao cấp về tiền lương, đó là một hồi chuông cảnh báo thúc giục Trung ương và Bộ Chính trị phải tích cực, khẩn trương giải quyết cấp bách vấn đề tiền lương.

(còn nữa)

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com