Trường Chinh với vấn đề đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế (kỳ 5)

06:09, 13/09/2018

Trần Nhâm

(tiếp theo)

    Đó là lời tuyên bố đanh thép, đầy quyết tâm trước diễn đàn Đại hội X Đảng bộ thành phố Hà Nội của đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

    Trong quá trình đổi mới tư duy kinh tế, vấn đề quan trọng hàng đầu mà Trường Chinh đặc biệt quan tâm là vấn đề phân cấp quản lý, mở rộng quyền chủ động của cơ sở, của các đơn vị kinh tế trong sản xuất, kinh doanh. Ông cho đó không phải là chủ trương nhất thời, chỉ áp dụng trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, mà là một vấn đề lớn thuộc chiến lược quản lý, có tác dụng lâu dài nhằm khai thác đến mức tối đa tiềm năng của đất nước.

    Biện chứng của vấn đề là muốn xóa bỏ cơ chế quản lý cũ chuyển hẳn sang cơ chế quản lý mới, thì tất yếu phải mở rộng và bảo đảm quyền chủ động của cơ sở trong sản xuất, kinh doanh; ngược lại, mở rộng và bảo đảm quyền chủ động của cơ sở trong sản xuất, kinh doanh chính là điều kiện tất yếu để bãi bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu, hành chính bao cấp.

    Với cơ chế quản lý ấy, trong nhiều năm, các đơn vị cơ sở không những thiếu trách nhiệm mà còn không có quyền hạn để bảo đảm lợi ích chính đáng của người lao động, của cơ sở sản xuất, tách rời lợi ích của cơ sở với toàn xã hội. Cơ sở không có quyền làm chủ kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình mà kế hoạch được áp đặt từ trên dội xuống. Nhiều quyền hạn của một đơn vị kinh tế cơ sở như quyền tự chủ về tài chính, về giá cả, về tiêu thụ sản phẩm, về tạo vốn và sử dụng vốn, sử dụng các quỹ tiền lương, tiền thưởng, quỹ phát triển sản xuất, quyền mở rộng liên kết kinh tế nhằm khai thác các nguồn nguyên liệu, vật tư, quyền tuyển dụng sắp xếp, buộc thôi việc khi cần thiết đối với người lao động..., đều bị hạn chế, làm cho các đơn vị cơ sở phải bó tay, không hoạt động và phát triển được.

    Chẳng hạn như chúng ta duy trì quá lâu một cơ chế định giá và quản lý giá tập trung, cứng nhắc, không thích hợp với tình hình kinh tế chưa ổn định, đặt các đơn vị kinh tế, đặc biệt là kinh tế quốc doanh vào tình thế luôn luôn bị động, có thiết bị hiện đại, công suất lớn mà đành bó tay ngồi nhìn các cơ sở nhỏ của tập thể, tư nhân tự do hoạt động, do không bị ràng buộc vào cơ chế định giá. Thậm chí có những trường hợp xí nghiệp quốc doanh phải làm thuê cho các đơn vị kinh tế tập thể và tư nhân. Cơ chế quản lý tập trung, quan liêu này đã triệt tiêu nhiều động lực của phát triển kinh tế, xã hội.

    Đúng như Trường Chinh đã nói: Thượng tầng kiến trúc đồ sộ của nước ta đang đè nặng lên hạ tầng cơ sở còn nhỏ yếu. Ông cho rằng, chúng ta đã phân chia quá nhiều ngành, quá nhiều bộ; mỗi bộ đều có quyền đưa ra các chính sách và quyết định của mình, trong đó có nhiều chính sách không ăn khớp, thậm chí trái ngược nhau. Chính điều đó đã giảm một phần đáng kể hiệu lực điều hành và chỉ huy tập trung của chính phủ trung ương. Tất cả những chính sách, quy định, chế độ đó đều tập trung dồn xuống cơ sở, khiến cho các cơ sở hết sức lúng túng trong việc thực hiện. Điều đó đã dẫn đến tình hình các cơ sở làm theo ý mình, gây nên tình trạng lộn xộn, vượt ra ngoài sự kiểm soát của Trung ương, dẫn đến tình trạng "trên quan liêu, nên dưới phải xé rào", là điều khó tránh.

    Cũng trong bài phát biểu này, Trường Chinh đã chỉ rõ: Để khắc phục tình hình lộn xộn nói trên, tạo điều kiện chuyển sang cơ chế mới, cần phải chấm dứt sự can thiệp quá sâu của các cơ quan cấp trên vào công việc cụ thể hàng ngày của cơ sở. Ông cho rằng, Nghị quyết của Bộ Chính trị lần này phải thể hiện cho được hai vấn đề quan trọng sau đây: một là, phân biệt rõ chức năng quản lý hành chính - kinh tế của các cơ quan Nhà nước với chức năng quản lý sản xuất, kinh doanh của các đơn vị kinh tế. Các thể chế, các quy định phải bảo đảm cho cơ sở thật sự có quyền chủ động, hoàn toàn chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất kinh doanh của mình, bảo đảm làm ăn có lãi. Muốn làm được điều đó, cơ sở phải thật sự có quyền tự chủ về kế hoạch, về tài chính, về tiêu thụ sản phẩm, về sử dụng lao động, sử dụng vốn, sử dụng các quỹ phát triển sản xuất, quỹ tiền lương, tiền thưởng, quyền mở rộng liên kết kinh tế. Đồng thời mặt khác, phải bảo đảm cho các cơ quan Nhà nước các cấp vừa tập trung vào những vấn đề lớn có tính chất quyết định đối với nền kinh tế của cả nước hoặc ở từng địa phương, vừa giữ vững quyền kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của cơ sở theo nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý kinh tế.

    Hai vấn đề trên đây là thực chất của việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương tám. Và theo ông thì trong quá trình hình thành cơ chế mới, trên mở ra chừng nào thì dưới có quyền chủ động chừng ấy. Muốn cho dưới có quyền chủ động đến đâu thì các thể chế, chính sách, quy định, phương pháp điều hành, kiểm soát, chỉ huy của cấp trên phải thể hiện tinh thần tháo gỡ vướng mắc đến đó. Cấp dưới không thể chuyển nhiều nếu cấp trên chuyển ít. Việc chuyển từ cơ chế cũ duy trì quá lâu sang cơ chế mới, về tư tưởng chiến lược phải dứt khoát cái gì đã rõ và đúng thì phải kiên quyết làm, nhưng nói chung về sách lược thì nhất thiết phải làm từng bước thận trọng, không vội vàng, hấp tấp, qua làm thử, sơ kết, tổng kết, mở rộng dần ra. Trong khi làm, cần bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ ngay trong từng bước.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com