Trường Chinh - Nhà văn hoá lớn (kỳ 5)

06:08, 16/08/2018

Vũ Khiêu

(tiếp theo)

    Đồng chí Trường Chinh quan tâm đến nghề nghiệp của văn nghệ sĩ từ cách thức cấu trúc một tác phẩm cho đến sự chính xác của một câu văn. Những bài viết của đồng chí như: "Mười tám điều tự răn trong khi viết văn", "Hãy gây một phong trào làm trong sáng lời và văn của chúng ta"... là những bài học thiết thực cho phương hướng nghề nghiệp của mọi nghệ sĩ.

    Đồng chí rất chú ý đến các phương tiện diễn đạt trong sáng tác: "Có đồng chí chọn được đề tài rất hay, nhưng biểu hiện nghệ thuật kém quá, lời không đạt ý, văn phạm chưa thông, chữ dùng không đúng, muốn nói lên những hình tượng nghệ thuật, nhưng không đủ tiếng hoặc nói một cách vụng về... cho nên, muốn viết văn hãy đừng sợ tốn công rèn luyện, học tập. Có thể nói: Dày công luyện tập đêm ngày mới nên".

    Đồng chí Trường Chinh còn gợi ý những phương hướng và biện pháp phong phú trong quá trình người nghệ sĩ nắm bắt đối tượng, hư cấu hình tượng, giải quyết chiều hướng vận động của nhân vật trong hoàn cảnh xã hội cụ thể. Đồng chí cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải học tập những thành tựu truyền thống của văn học dân tộc và những tinh hoa văn nghệ của thế giới để từ đó nâng cao trình độ thẩm mỹ của mình trong sáng tạo nghệ thuật.

Đồng chí Trường Chinh tiếp đoàn Đại biểu Quốc hội Romania sang thăm chính thức Việt Nam, ngày 27/2/1978.
Đồng chí Trường Chinh tiếp đoàn Đại biểu Quốc hội Romania sang thăm chính thức Việt Nam, ngày 27/2/1978.

    Tính toàn diện của một nhân cách văn hóa

    Đồng chí Trường Chinh không chỉ là một nhà lý luận văn hóa và lãnh đạo văn hóa, đồng chí còn tự bản thân mình thể hiện những phẩm chất toàn diện của một nhân cách văn hóa lớn.

    Trước hết là một trí thức lớn của dân tộc, đồng chí đã có những kiến thức uyên bác trên mọi lĩnh vực. Noi gương Lênin và Hồ Chí Minh, đồng chí đã suốt đời không ngừng học tập, không ngừng bổ sung cho mình những kiến thức mới, những thành tựu mới của trí tuệ nhân loại. Hai lần làm Tổng Bí thư, hai lần đồng chí tập hợp quanh mình những chuyên gia giỏi, hàng ngày đem lại cho đồng chí những thông tin nhanh nhất và mới nhất để đồng chí phân tích, suy nghĩ và sáng tạo.

    Với phong cách làm việc dân chủ, đồng chí luôn tranh thủ ý kiến của các đồng chí lãnh đạo khác và các chuyên gia trên mọi lĩnh vực. Dấu hiệu đầu tiên về nhân cách văn hóa của đồng chí chính là trí tuệ của đồng chí.

    Là người hoạt động trên mọi lĩnh vực của văn hóa, đồng chí biểu thị những nét đặc sắc của riêng mình trong dự thảo văn kiện, viết văn, làm báo, làm thơ. Văn tức là người. Con người của Trường Chinh bộc lộ rõ rệt trong mọi bài viết của mình: sâu sắc, nhạy bén, khi sôi nổi hào hùng, khi thâm trầm uyên bác, mọi ý kiến đều luôn luôn rõ ràng, trong sáng và dứt khoát.

    Về mặt nghệ thuật, đồng chí nhạy cảm trước mọi hiện tượng thẩm mỹ lành mạnh và tiến bộ. Mặc dầu đồng chí khiêm tốn nói về thơ của mình rằng: năng khiếu và công phu trau dồi nghệ thuật chưa đủ, nhưng thơ của đồng chí vẫn là một sự đóng góp đáng kể đối với kho tàng văn học Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn ý tưởng cao cả của nhà chính trị với những xúc động tinh tế của nhà văn hóa.

    Về mặt đạo đức, đồng chí luôn học tập và noi gương Bác Hồ. Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, khiêm tốn, giản dị, lời dạy của Bác Hồ trở thành những nét sinh động trong cuộc sống hàng ngày của đồng chí Trường Chinh.

    Thực hiện lời dạy của Bác Hồ trong việc xây dựng đời sống mới, đồng chí luôn phê phán những hủ tục mà xã hội cũ để lại, cũng như mọi biểu hiện của mê tín dị đoan, tư tưởng hưởng lạc trong cán bộ. Một tháng trước khi qua đời trong trả lời phỏng vấn của báo viết về đồng chí, đồng chí đã đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục thanh niên những ứng xử văn minh thể hiện những thành tựu tốt đẹp của dân tộc và nhân loại, đồng chí yêu cầu đừng để cho thanh niên ta khi tiếp xúc với nước ngoài xử sự như một dân tộc thiếu văn hóa.

    Nhân loại đang bước vào thiên niên kỷ mới. Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của mình đã đề ra những đường lối minh bạch và cụ thể nhằm đẩy mạnh sự phát triển về mọi mặt của đất nước nhằm khắc phục những nguy cơ tụt hậu, nhanh chóng đuổi kịp các nước tiên tiến. Đại hội Đảng lại một lần nữa đặc biệt quan tâm tới các vấn đề văn hóa trong giai đoạn mới của cách mạng nhằm phát huy hơn nữa vai trò của khoa học, giáo dục, nghệ thuật. Trong dịp này toàn bộ hệ thống tư tưởng của Trường Chinh về văn hóa là một di sản quý báu, tiếp tục đem thêm sức mạnh cho chúng ta trong suy nghĩ và sáng tạo.

    Trong kinh tế, xã hội, chính trị và trên mọi lĩnh vực khác, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Trường Chinh, tư tưởng và đạo đức của đồng chí, tiếp tục là những tấm gương sáng, những bài học quý báu cho toàn thể cán bộ và nhân dân ta./.

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com