Trường Chinh trên mặt trận báo chí, văn hoá - văn nghệ (kỳ 2)

07:07, 19/07/2018

Hà Xuân Trường

(tiếp theo)

    Càng làm việc với ông, tôi càng thấm thía trách nhiệm của người làm báo, làm văn học đối với tiếng nói, chữ viết của dân tộc. Trên báo Sự Thật, Trường Chinh phát động "phong trào làm trong sáng lời và văn của chúng ta". Bằng những thí dụ cụ thể, dí dỏm, tác giả phê phán các bệnh sính nói chữ và cái tật dùng sai chữ. "Cuộc kháng chiến này làm cho ta ghét cay ghét đắng những thói lai căng mất gốc theo đuôi người. Chúng ta phải cách mạng lối nói và viết của chúng ta hơn nữa. Phải kiên quyết bảo vệ tiếng mẹ đẻ, giữ cho lời văn, tiếng nói của ta trong sáng, noi theo gương Hồ Chủ tịch". Lời kêu gọi ấy vẫn mang tính thời sự và khẩn cấp cho hôm nay – thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

    Đặt ra mười tám điều tự răn, ông rất nghiêm với mình, chú ý từ dấu phẩy dấu chấm. Ông không chỉ quan tâm đến khâu viết bài, sửa bài mà còn đặc biệt quan tâm đến khâu sửa bản thảo nhà in. Ông cho tất cả đều thuộc trách nhiệm và sự tôn trọng của người làm báo Đảng đối với quần chúng bạn đọc.

    Đối với Trường Chinh, người làm báo không nên nghĩ rằng bài viết của mình không ai có thể chữa được. Viết báo cũng như làm văn học phải có bản lĩnh, cá tính, bản sắc, nhưng không nên vì những đặc điểm ấy mà tạo nên lòng tự ái quá mức, tự cho nghề nghiệp của mình là riêng biệt, không ai được đụng đến. Khi viết bài nên nghe ý kiến người khác, bài viết xong, nên tạo điều kiện cho người khác góp ý. Khi tôi làm thư ký tòa soạn báo Sự Thật, không có một bài nào ông viết mà không có lời dặn: "Anh xem có gì cần sửa, hoặc anh sửa thẳng vào bài, hoặc anh ghi ra giấy hay bên lề". Thông thường tôi ghi dấu hiệu bên lề cùng ý kiến đề nghị sửa. Có đề nghị ông chấp nhận cả, có cái ông chấp nhận một phần, có cái ông không chấp nhận và giải thích thêm cho tôi hiểu rõ hơn ý của ông. Tất cả đều biểu lộ một sự tôn trọng hết sức đối với người đọc, đối với đồng nghiệp, dù người đó là học trò của mình. Ông nói: phải noi gương Bác Hồ.

    Sửa bản bông ở nhà in là khâu cuối cùng của Ban biên tập rất được ông quan tâm. Ông bảo chúng tôi: Làm báo phải coi việc đính chính như một điều cấm kỵ, nhất là làm báo thời chiến. Trong chiến tranh báo đến tay bạn đọc có khi phải đổi bằng máu của anh em giao thông làm nhiệm vụ phát hành. Có bạn đọc xem được số này không còn sống để chờ số sau. Vậy thì người làm báo lấy quyền gì để nay đính chính mai đính chính. Ngày nay trong hòa bình, khoa học kỹ thuật in ấn hiện đại mà báo, sách in sai lại rất nhiều. Có lần đồng chí Trường Chinh đưa cho tôi xem một quyển sách không đầy một trăm trang mà có vài chục lỗi phải đính chính. Ông nói hiện nay gần như không có một quyển sách nào do ta in mà không có đính chính, báo chí cũng vậy, in sai là chuyện xảy ra thường xuyên. Đây không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà là vấn đề trách nhiệm, vấn đề văn hóa, vấn đề lễ phép đối với bạn đọc và tác giả. Với tư cách Chủ tịch Quốc hội, ông nói: lẽ ra vấn đề này phải đưa vào luật, hạn chế tỷ lệ sai sót về in ấn đến mức thấp nhất. Tại sao trong kháng chiến khó khăn là thế, máy in lạc hậu, nhà in lại xa tòa soạn hàng chục cây số mà báo Sự Thật hầu như không có in sai, in sót? Vấn đề trước hết là trách nhiệm đồng bộ và cơ chế chỉ đạo chặt chẽ. Để tránh sai sót trong in ấn, ông còn dặn chúng tôi phải cố gắng viết chữ cho rõ. Chữ viết của đồng chí Trường Chinh rất rõ. Chữ "u" ra chữ "u", chữ "n" ra chữ "n", đến chữ ký của ông cũng viết ngang bằng sổ thẳng.

    Tuy rất nghiêm về mặt nguyên tắc làm báo Đảng, đồng chí Trường Chinh rất tin cậy ở đám làm báo trẻ tuổi, và tìm mọi cách bồi dưỡng thường xuyên kiến thức và thực tiễn cho chúng tôi. Hồi làm báo Sự Thật ngoài Quang Đạm thuộc tuổi trung niên, chúng tôi đều thuộc lứa tuổi thanh niên, tuổi Đảng còn ít mà được giao những trọng trách của tờ báo. Theo đề xuất của đồng chí Trường Chinh mỗi tuần dành riêng một buổi tối thứ bảy, ai có vấn đề gì hay mà mình tâm đắc thì trình bày ở cơ quan. Buổi trình bày đầu tiên là của anh Quang Đạm về vấn đề tư pháp, một vấn đề đang gây tranh cãi giữa những ý kiến khác nhau trong giới tư pháp. Để tạo không khí dân chủ thảo luận về những vấn đề mà xã hội đang quan tâm, đồng chí Trường Chinh chủ trương mở cuộc tranh luận về quan hệ giữa tư pháp và nhà nước trên báo Sự Thật. Đồng chí Trường Chinh rất coi trọng tranh luận trên báo Đảng, coi đó là một sự thể hiện trình độ văn hóa trong một xã hội dân chủ. Tranh luận một mặt huy động trí tuệ của người tham gia tranh luận, mặt khác khích lệ tinh thần học hỏi của tập thể Ban biên tập, nâng cao tính chiến đấu của tờ báo.

    Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, báo Sự Thật chuyển thành báo Nhân Dân ra khổ lớn. Mặc dù có nhu cầu cán bộ biên tập lúc đó, đồng chí Trường Chinh vẫn chờ tôi xuống cơ sở tỉnh Phú Thọ một năm làm công tác thuế nông nghiệp và tham gia phong trào giảm tô. Nhờ đó tôi viết được tập truyện ký "Thửa ruộng vỡ hoang" đăng nhiều kỳ trên báo Nhân Dân. Ông thường nói với chúng tôi: phải nhớ lời dạy của Lênin: "Học, học nữa, học mãi", không chỉ học trong sách vở mà phải học trong thực tiễn. Người làm báo Đảng phải có lập trường chính trị vững vàng, đồng thời phải có học vấn và luôn luôn gắn bó với thực tiễn. Ông là tấm gương "học tập suốt đời" cho chúng tôi. Chúng tôi đã được chứng kiến nhiều năm sức đọc của ông dưới ngọn đèn dầu Hoa Kỳ leo lét trong rừng Việt Bắc. Tri thức của ông rất rộng, hiểu sâu lịch sử dân tộc. Vì vậy, chúng ta không ngạc nhiên về tính uyên bác của những bài viết của ông.

    Trường Chinh là thủ trưởng, là người thầy đầu tiên dạy tôi làm báo, làm văn. Cho đến hôm nay, tuổi đời của tôi đã gần 80 mà hình ảnh ông vẫn không phai nhạt, lời khuyên của ông, những dặn dò của ông tôi vẫn nhớ, nhớ trong tâm khảm.

(Còn nữa)

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com