Những kỷ niệm không thể nào quên (kỳ 3)

06:05, 01/05/2018

Hà Thị Quế

(tiếp theo)

    Sau Cách mạng Tháng Tám, tôi thuyên chuyển công tác đi nhiều nơi, nên phải xa anh Trường Chinh. Trong kháng chiến chống Pháp được đọc cuốn Kháng chiến nhất định thắng lợi của anh, tôi vui sướng vô cùng, vì anh đã trang bị cho tôi cơ sở lý luận của cách mạng Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử.

    Năm 1946, sau Đại hội Phụ nữ toàn quốc, tôi đang công tác ở cơ quan Hội Phụ nữ Trung ương. Bấy giờ chiến sự lan rộng, cơ quan gặp không ít khó khăn, lãnh đạo Hội thấy tôi sắp sinh cháu thứ tư, quá nặng gánh gia đình, sợ tôi khó bảo đảm được nhiệm vụ, nên quyết định cho tôi về xã, để làm tốt chức năng nuôi con. Trong lòng tôi lúc ấy thật day dứt, nặng nề. Song phục tùng tổ chức, tôi lặng lẽ đưa các con về xã Hợp Thành, huyện Phú Bình. Các đồng chí trong xã quý tôi lắm, bố trí cho mẹ con tôi vào ở căn nhà tre mới dựng xong, có một mảnh vườn. Xã lại cấp cho tôi năm sào ruộng và hai con dê. Tôi về làm Bí thư Chi bộ xã. Tuy được bà con nhiệt tình giúp đỡ, song trong tâm trí tôi luôn khắc khoải vì thấy nhiệm vụ chủ yếu mình chưa làm tròn. Ngày lao động vất vả tôi khuây khỏa, song đêm đến, tôi băn khoăn không ngủ được, nghĩ đến các cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm lao vào nơi chiến đấu ác liệt, riêng mình tôi lại chỉ quẩn quanh với vườn ruộng và gia đình. Cho nên tôi cứ thao thức, day dứt không yên. Ngày tháng qua đi, khi bé Thành được tám tháng mà tôi vẫn không tìm ra lối thoát.

    Sau Chiến dịch Biên giới, một hôm Bác Hồ đến thăm Tổng cục Hậu cần, Bác đi qua nhà tôi. Thấy căn nhà xinh xắn, sạch sẽ, vườn rau xanh tốt, Bác dừng chân đứng ngắm và hỏi đây là nhà ai. Anh Đinh Đức Thiện thưa với Bác là nhà chị Hà Quế. Bác đi ngay vào. Đang quét nhà thấy Bác đến, tôi sửng sốt, xúc động buông rơi chổi, bưng mặt khóc hu hu. Bác lại gần ôn tồn bảo:

    Cô nín đi, đừng khóc nữa và cho Bác biết tại sao cô lại về ở đây? Lâu nay Bác cứ đinh ninh là cô vẫn công tác ở cơ quan Hội Phụ nữ.

    Tôi cố trấn tĩnh báo cáo sơ qua với Bác sự tình. Bác lại hỏi:

    Về ở đây không có trợ cấp, mẹ con cô sinh sống thế nào?

    Đã lấy lại được tinh thần, tôi bùi ngùi đáp:

    Thưa Bác, dân làng ở đây tốt lắm, cấp cho cháu nhà cửa, vườn tược, cả năm sào ruộng và hai con dê, mẹ con cháu sản xuất, bới đất, nhặt cỏ cũng tạm đủ sống qua ngày, không đến nỗi thiếu thốn.

    Bác có vẻ trầm ngâm suy nghĩ, rồi lắc đầu. Tôi vội đi gọi các cháu về quây quần quanh Bác cho Bác vui. Nói chuyện một lát Bác ra về. Trước khi đi Bác căn dặn:

    Cô đừng lo buồn thái quá. Phải vững tâm, và liệu thu xếp gia đình, để trở về vị trí công tác.

    Bác đi khuất, tôi tựa cửa bâng khuâng. Bác đã hé mở cho tôi hy vọng sẽ được đổi đời. Chính Bác cũng thấy tôi không thể an phận với gia đình. Song để trở về vị trí công tác cũ, tôi vẫn băn khoăn chưa tìm ra biện pháp.

    Mấy hôm sau, cô Ngọc Khanh ở Trung ương Hội xuống thăm và đưa thư của anh Trường Chinh. Thư anh viết vắn tắt chỉ có mấy dòng. Anh bảo tôi phải thu xếp gia đình lên cơ quan Hội Phụ nữ Trung ương nhận nhiệm vụ ngay.

    Tuy là thư riêng chỉ có mấy dòng, song với tôi là một chỉ thị, một mệnh lệnh của Đảng, tôi phải tuyệt đối phục tùng. Thế là Bác Hồ cùng anh Trường Chinh đã giải thoát cho tôi ra khỏi hoàn cảnh éo le. Tôi lại được trở về với công tác cách mạng, được khơi dậy hy vọng và ước mơ. Trong thâm tâm tôi nguyện sẽ cố gắng phấn đấu không ngừng để xứng đáng với sự quan tâm của Bác và anh Trường Chinh. Trong thời gian rất ngắn tôi thu xếp gửi ba cháu lớn về ba nơi. Cả đàn con đang sống yên vui đầm ấm dưới vòng tay mẹ, bỗng phải phân tán mỗi đứa một nơi, phải xa mẹ, xa nhau, nhìn đàn con buồn rầu, ngơ ngác, lòng tôi cũng rối bời. Song nghĩ đến nhiệm vụ, tôi cố gắng chịu đựng và quyết tâm vượt qua thử thách, khó khăn. Tôi bàn giao nhà cửa, vườn ruộng, rồi bế bé Thành lên cơ quan Hội Phụ nữ Trung ương, vì cháu chưa cai sữa được.

    Tôi nhớ mãi hồi sắp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, tôi đến thăm anh Trường Chinh. Anh vừa dự thảo xong báo cáo và Nghị quyết Đại hội VI, trông anh vui vẻ và phấn khởi lắm, anh bảo sau mấy ngày đêm tìm tòi, suy nghĩ mãi, anh mới chọn được từ đổi mới cho phương hướng cách mạng Việt Nam, trong khi Trung Quốc, Liên Xô lại sử dụng từ cải tổ, cải cách.

    Trong quá trình công tác, tôi thấy anh Trường Chinh là một đồng chí lãnh đạo thông tuệ, tinh tế, có bản lĩnh vững vàng, biết nhìn xa, trông rộng, sâu sát, mẫu mực, tôn trọng tình nghĩa, và rất mực thủy chung. Dù bận đến đâu, Tết đến không bao giờ anh quên những cơ sở cách mạng đã giúp đỡ anh trong những ngày đất nước còn bị giầy xéo dưới gót sắt của bè lũ đế quốc và phong kiến bạo tàn. Nếu bận không đi thăm được, anh gửi thiếp và quà Tết đến từng gia đình. Đối với tôi, anh không những là một lãnh đạo mẫu mực, một người anh đức độ, mà còn là một người thầy tận tình. Cho nên tôi luôn nhớ đến anh với một tấm lòng kính trọng và biết ơn vô hạn.

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com