Đồng chí Trường Chinh - Nhà yêu nước lớn, nhà lý luận, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta (kỳ 2)

06:05, 17/05/2018

 

Nguyễn Duy Quý

(tiếp theo)

    Trước những hoạt động tích cực của đồng chí Trường Chinh, đế quốc Pháp đã điên cuồng tổ chức truy lùng gắt gao đề tìm bắt đồng chí, nhưng chúng không thực hiện được. Năm 1943, chúng giao cho Tòa án binh kết án tử hình vắng mặt đồng chí Trường Chinh.

 

    Song, bất chấp hiểm nguy, đồng chí Trường Chinh dựa vào cơ sở trong nhân dân vẫn không rời khỏi vùng ngoại thành Hà Nội để chỉ đạo phong trào. Mùa xuân năm 1943, khi Liên Xô chuyển sang phản công và giành chiến thắng vang dội tại Xtalingrát, đồng chí Trường Chinh triệu tập Hội nghị Trung ương tại Võng La (nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội), đưa ra những quyết định quan trọng, đẩy phong trào cách mạng tiến lên.

    Sang năm 1944, với nhãn quan chính trị sắc bén, đồng chí Trường Chinh phán đoán Nhật, Pháp sớm muộn sẽ hất cẳng lẫn nhau. Đồng chí viết bài Cái nhọt bọc sẽ phải vỡ mủ, khẳng định cuộc xung đột Nhật - Pháp dứt khoát sẽ xảy ra.

    Vào năm 1945, trước diễn biến mau lẹ của tình hình trong nước và thế giới, ngày 9-3-1945, đồng chí chủ trì Hội nghị Thường vụ Trung ương mở rộng. Hội nghị ra Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta và đưa ra chủ trương Phát động cao trào chống Nhật, cứu nước mạnh mẽ, gấp rút tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền...

    Trên lĩnh vực quân sự, đồng chí Trường Chinh cũng có những đóng góp xuất sắc. Để chuẩn bị tổng khởi nghĩa, trên cương vị Tổng Bí thư Đảng, tháng 4-1945 đồng chí Trường Chinh cùng với Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ. Đây là Hội nghị quân sự quan trọng đầu tiên của Đảng nhằm giải quyết nhiệm vụ quân sự, nhiệm vụ quan trọng và cần kíp nhất lúc ấy. Hội nghị đánh dấu bước phát triển về quân sự của Đảng, về xây dựng lực lượng vũ trang, về đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa vũ trang và xây dựng căn cứ địa cách mạng...

    Ngày 13-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào nhận định cơ hội cho nhân dân ta giành chính quyền đã tới, những điều kiện cho cuộc khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi. Hội nghị chủ trương kịp thời lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Để thống nhất lãnh đạo tổng khởi nghĩa, Hội nghị quyết định thành lập uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc do đồng chí Trường Chinh trực tiếp phụ trách.

    Có thể nói, cho đến khi Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, trong những năm tháng hoạt động sôi nổi và phong phú, khi bị địch bắt bớ, tù đày cũng như khi hoạt động công khai, với nhiều cương vị khác nhau, đồng chí Trường Chinh đã đem hết nghị lực, trí tuệ và nhiệt tình cách mạng tham gia truyền bá cương lĩnh, đường lối của Đảng, đấu tranh chống mọi biểu hiện sai trái trong Đảng và trong các lực lượng yêu nước, góp phần to lớn vào cuộc vận động dân chủ do Đảng ta lãnh đạo, tích cực bồi dưỡng lý luận và tinh thần cách mạng cho đồng bào, đồng chí. Trong khoảng thời gian từ tháng 8-1942 đến tháng 7-1944, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đi Trung Quốc và bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam, nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng tập trung vào Thường vụ Trung ương Đảng mà trực tiếp và chủ yếu là Tổng Bí thư Trường Chinh. Trước tình hình hết sức sôi động với những diễn biến mau lẹ trong nước và thế giới, đồng chí Trường Chinh cùng Thường vụ Trung ương Đảng đã xử lý kịp thời, giải quyết những vấn đề nảy sinh trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, văn hóa, tư tưởng... đưa cách mạng tiến lên những bước vững chắc.

    Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, do gắn bó mật thiết với phong trào cách mạng của nhân dân, bằng tư duy biện chứng mácxít, qua việc phân tích sâu sắc tình hình trong nước và thế giới, so sánh lực lượng giữa cách mạng và phản cách mạng, đồng chí Trường Chinh đã cùng với Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh dự báo đúng thời cơ cách mạng ở nước ta, thực hiện tổng khởi nghĩa trong cả nước khi thời cơ đã chín muồi.

    Những bài viết thể hiện trí tuệ và tư duy sắc bén của đồng chí Trường Chinh như Cái nhọt bọc sẽ phải vỡ mủ, hoặc bản Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta do đồng chí soạn thảo có sức mạnh to lớn không những dự báo chính xác về cuộc xung đột nhất định sẽ xảy ra giữa Nhật và Pháp, mà còn kịp thời chỉ ra những nhiệm vụ cấp bách mà những người cách mạng, khi tình hình đã và đang biến đổi rất mau lẹ, phải kịp thời hành động để giành thắng lợi cho cách mạng. Những bài viết sắc sảo như vậy của đồng chí Trường Chinh làm nức lòng đồng bào, đồng chí và khiến kẻ thù phải run sợ.

    Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trên cương vị là Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Trường Chinh đã sát cánh cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng giải quyết những vấn đề vô cùng phức tạp, góp phần đưa đất nước ta vượt qua bao khó khăn, thử thách trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc".

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com