Đội thủy lợi 202 ngày ấy

08:04, 27/04/2018

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân Nam Định thi đua “chắc tay súng, vững tay cày” vừa sản xuất, vừa chiến đấu góp phần cùng miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội và là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đóng góp vào thành tích “thóc thừa cân, quân vượt mức” của Nam Định có “những người lính chân đất”, ngày đêm không quản ngại khó khăn, hiểm nguy trị thủy, chinh phục thiên nhiên, bảo vệ đời sống và sản xuất.

Kiên cố hóa kênh cấp I tại xã Giao Hải (Giao Thủy).
Kiên cố hóa kênh cấp I tại xã Giao Hải (Giao Thủy).

Sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, cùng với các tỉnh, thành phố, Nam Định tập trung khôi phục và phát triển kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp, biến ruộng 1 vụ thành ruộng 2-3 vụ, khắc phục tình trạng “chiêm khê, mùa thối”. Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, Đảng và Nhà nước đã chủ trương tập trung nhanh chóng khôi phục và phát triển các công trình thủy lợi, coi đó là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu. Đầu những năm 60, Nam Định bước vào xây dựng tổ chức bộ máy và đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật, chuẩn bị nguồn nhân lực cho thời kỳ phát triển mới. Từ tháng 9-1963 đến ngày 6-1-1965, toàn tỉnh đã thành lập được 1.066 đội thủy lợi trong các HTX nông nghiệp (Đội 202) để làm nghĩa vụ dân công trên các công trình thủy lợi của Nhà nước, thay thế cho những xã viên đi dân công nghĩa vụ. Nhớ lại những năm tháng ấy, bà Hoàng Thị Thủy, nguyên nữ đội trưởng Đội thủy lợi 202 HTX Đại Hải, xã Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) cho biết: Để đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp, thủy lợi là khâu mang tính chất quyết định. Do phải chi viện phần lớn thanh niên trai tráng ra chiến trường nên lao động chính trên đồng ruộng là người già và phụ nữ, đội thủy lợi 202 lực lượng chủ yếu là chị em. Đội 202 HTX Đại Hải có mặt ở mọi nơi, từ những công trình trong xã cho đến việc tham gia đắp đê biển Nghĩa Phúc, Nam Điền… và đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cùng với 3 đội 202 trong xã là HTX Đại Thắng, Đại Hưng, Đại Thành, Đội 202 Đại Hải đã đào đắp, xây dựng hàng chục cây số kênh mương, hàng chục cầu, cống lớn nhỏ, xây dựng hệ thống tưới tiêu và giao thông nội đồng hoàn chỉnh ở Nghĩa Thịnh, góp phần đắc lực vào việc nâng cao năng suất cây trồng. Hơn 30 người toàn là nữ thanh niên trong đội đã lập nhiều thành tích, được Chính phủ, Bộ Thủy lợi, UBND tỉnh khen thưởng, đội trưởng Hoàng Thị Thủy được bầu vào Quốc hội khóa V. Với tinh thần “Đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên”, có rất nhiều Đội 202 tiêu biểu lập thành tích xuất sắc trên các công trường như: Đội xã Nam Giang (Nam Trực); đội xã Yên Lộc, đội xã Yên Ninh (Ý Yên); đội Đồng Lực, xã Nghĩa Lạc, đội Hợp Thành, xã Nghĩa Thành (Nghĩa Hưng)… Nhiều cán bộ và đội viên được huyện, tỉnh, Bộ Thủy lợi khen thưởng; tiêu biểu như ông Phạm Quang Việp, đội trưởng Đội 202 xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng) được suy tôn là Chiến sĩ thi đua toàn quốc, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Ông là đại biểu điển hình của tỉnh đi dự Hội nghị tổng kết phong trào các đội 202 toàn quốc họp tại Thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Đội thủy lợi 202 xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng) được Nhà nước phong tặng đơn vị Anh hùng Lao động. Các Đội 202 đã góp phần xây dựng một số kênh tưới tiêu loại lớn, loại vừa như: sông Ba Bụi, sông Láng, sông Múc, sông Sắt, sông Bình Hải, sông Thành Đồng... Đồng thời xây dựng các trạm bơm điện tưới, tiêu nước vào loại lớn nhất miền Bắc là Cốc Thành, Cổ Đam, Hữu Bị, Vĩnh Trị và các hệ thống đại công trình thủy nông như hệ thống thủy nông Nam Ninh có cống Ngô Xá, Cổ Lễ; hệ thống thủy nông Hải Hậu có cống Tiền Đồng, An Hóa, Hạ Trại; hệ thống thủy nông Xuân Thủy có cống Ngô Đồng, Cồn Nhất, Cồn Nhì, Tây Cồn Tàu; hệ thống thủy nông Nghĩa Hưng: có cống Bình Hải I, Thanh Hương, Quần Vinh I, Quỹ Nhất… Từ năm 1965 đến năm 1972, đế quốc Mỹ leo thang ném bom, bắn phá rất ác liệt nhằm phá hại sản xuất, phá hủy đê điều và các công trình thủy lợi; thiên tai lụt, bão xảy ra liên tiếp. Hưởng ứng các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm nhiệm”, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, công tác thủy lợi luôn gắn với công tác quốc phòng và xây dựng đồng ruộng theo phương hướng mới. Các công trường xây dựng đều được ngụy trang để chống địch phá hoại. Nhiều công trình thủy lợi bất chấp bom đạn vẫn được xây dựng như trạm bơm Kinh Lũng, An Lá… Thanh niên nông thôn là lực lượng chủ lực cùng các Đội thủy lợi 202, tranh thủ thời gian sau thu hoạch ra quân làm thủy lợi: nạo vét mương tiêu nước; củng cố bờ vùng, bờ thửa phục vụ chống úng; san ghềnh, lấp trũng, lấp hố bom, đắp bờ đỗi, hình thành những thửa ruộng lớn 10-20 mẫu, thuận tiện cho máy kéo lớn làm đất, củng cố các tuyến đê xung yếu, cả đê sông và đê biển. Các HTX vùng đồng chiêm trũng thuộc huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc, ngoại thành Nam Định đều chủ động xây dựng những trạm bơm dã chiến phục vụ chống úng cứu lúa vụ mùa. Huyện Hải Hậu, huyện Xuân Thủy nạo vét trục kênh tiêu cấp I: Cồn Năm, Ngọc Liêu, sông Tân Phú Hiệp, sông đường 12, Tân Phương, Hùng Thắng… Hai huyện Nam Ninh, Nghĩa Hưng hoàn chỉnh hệ thống kênh cấp II nối liền với kênh cấp I sông Châu Thành, Trung Lao, Cát Chử, Âm Sa, Phú Lợi, Bình Hải; Khởi công xây dựng đập Cầu Ghềnh, Cầu Dài, Bình Lãng và một số trạm bơm Bái Trạch, Thứ Nhất, Nam Thắng… để tiêu úng cho vùng giữa huyện Nam Ninh và miền hạ của Nghĩa Hưng; hoàn thành đường điện phục vụ cho các trạm bơm và cống lấy nước. Quy hoạch thủy lợi và đào đắp xong hệ thống kênh Tây, kênh Đông đường Vàng phục vụ tưới tiêu cho vùng màu, cây công nghiệp. Các huyện vùng đồng chiêm trũng Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc phối hợp với Cty Thủy nông tỉnh nhanh chóng đào đắp hoàn chỉnh hệ thống kênh mương dẫn nước của các trạm bơm Cổ Đam, Cốc Thành, Hữu Bị, Vĩnh Trị để tưới nước cho lúa vụ đông xuân và tiêu nước cho vụ  mùa… Việc quy hoạch, kiến thiết và khai thác tốt các công trình thủy lợi đã góp phần quan trọng đưa sản xuất lúa của tỉnh thắng lợi cả về năng suất và sản lượng. Năm 1967, mục tiêu 5 tấn thóc/ha cả năm của Nam Định đã đạt được trên phạm vi rộng, chiếm gần một nửa diện tích trồng lúa của cả tỉnh. Nhờ vậy, đến tháng 7-1967, toàn tỉnh hoàn thành nghĩa vụ lương thực vụ chiêm xuân sớm nhất miền Bắc, được Thủ tướng Chính phủ gửi Điện khen. Đặc biệt 2 xã Giao An (Giao Thủy), Hải Quang (Hải Hậu) mỗi xã đóng góp cho Nhà nước 1.000 tấn thóc/năm, là 2 đơn vị đứng đầu cả nước. Năm 1968, giành thắng lợi lớn cả 2 vụ; toàn tỉnh có 2 xã Xuân Phương, Xuân Khu (Xuân Thủy) và 11 HTX đạt năng xuất trên 6 tấn/ha, 38 xã và 97 HTX đạt năng suất trên 5 tấn/ha; nộp nghĩa vụ lương thực vượt 9,4% kế hoạch.

Để khôi phục sản xuất sau 2 cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và phát triển nông nghiệp toàn diện, trong giai đoạn 1972-1975, ngành Thủy lợi đã huy động lực lượng cán bộ của Sở Thủy lợi, Phòng Thủy lợi các huyện tiến hành rà soát bổ sung quy hoạch tổng thể hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Tham mưu cho Ủy ban Hành chính tỉnh mở hội thi tài làm thủy lợi tại công trường Ngô Khê, xã Nam Điền (Nam Ninh) với sự tham gia của các gương mặt tiêu biểu như Đội 202 Đồng Lực, Hợp Thành (Nghĩa Hưng); Liên Phương (Vụ Bản); Giao Lâm (Xuân Thủy). Sau hội thi, phong trào làm thủy lợi được các địa phương trong tỉnh hưởng ứng. Kết quả, toàn tỉnh đã huy động gần 4 triệu ngày công, đào đắp gần 8 triệu m3 đất thủy lợi nội đồng phục vụ tưới tiêu; đào đắp khoanh được 16 vùng trũng để chống úng vụ mùa với diện tích 26.267ha; xây dựng đồng bộ hệ thống thủy lợi phục vụ tưới, tiêu cho 16.383ha ruộng 2 vụ lúa, 1.129ha ruộng vụ chiêm và 129ha ruộng vụ mùa. Sau hơn 20 năm của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian nan thử thách, công cuộc “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, nhất là thâm canh, tăng năng suất cây trồng. Năng suất lúa tăng nhanh, từ 33,57 tạ/ha/năm (năm 1955) lên 1,65 lần, đạt 55,27 tạ/ha/năm (năm 1974), năm 1975 tuy bị mất mùa do bão, úng nhưng năng suất lúa vẫn đạt 45,09 tạ/ha/năm. Nhờ đó, mặc dù diện tích trồng cây lương thực và trồng lúa giảm dần nhưng sản lượng lương thực và lương thực bình quân đầu người tăng, năm 1955 đạt 333 kg/người/năm, đến năm 1974 bình quân lương thực đầu người đạt cao nhất trong suốt thời kỳ hợp tác hóa nông nghiệp là 424 kg/người/năm. Chỉ tính riêng 4 năm (1960, 1965, 1970, 1975) Nam Định đã đóng góp 254.679 tấn lương thực và 19.048 tấn thực phẩm cho Nhà nước, đáp ứng yêu cầu của chiến trường miền Nam.

Đất nước thống nhất, trong khúc ca khải hoàn của quân và dân cả nước có khúc ca hùng tráng của “những người lính chân đất” Nam Định. Trong chiến tranh, họ không chỉ đổ mồ hôi, công sức mà còn hiến dâng xương máu, hoàn thành sứ mệnh của “hậu phương lớn” đối với “tiền tuyến lớn”; góp phần vô cùng quan trọng vào thắng lợi chung của cả dân tộc. Ngày nay trong công cuộc đổi mới, những chiến sĩ thủy lợi lại tiếp tục xây những công trình mới đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp, các ngành kinh tế và bảo vệ môi trường nước, chủ động ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xây dựng NTM./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com