Đồng chí Trường Chinh - Nhà chiến lược, nhà tổ chức, nhà văn hoá của cách mạng Việt Nam (kỳ 5)

06:03, 22/03/2018

Nguyễn Văn Trân

(tiếp theo)

    Khi ta bắt đầu xây dựng kế hoạch kinh tế, tôi giúp việc cho đồng chí Phạm Văn Đồng trong việc làm các kế hoạch: kế hoạch 3 năm khôi phục kinh tế sau chiến tranh (1955-1957); kế hoạch 3 năm khôi phục và phát triển (1958-1960); kế hoạch 5 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội (1961-1965). Vì vậy tôi có thói quen vê tròn các con số khi thấy những số lẻ không quan trọng, có khi chỉ làm rối thêm.

    Vì vậy, khi tôi làm nhiệm vụ Trưởng ban Kế hoạch ngân sách của Quốc hội, trong một kỳ họp tôi đọc báo cáo trước Quốc hội về ngân sách tôi bỏ các con số lẻ của ngân sách.

    Đồng chí Trường Chinh, Chủ tịch Quốc hội, đã phê bình và nhắc nhở tôi phải chính xác từng đồng, thậm chí từng xu của ngân sách. Sự quan trọng không phải do số tiền to hàng nghìn hay hàng triệu, mà chính là từng trăm, từng đồng được báo cáo công khai trước Quốc hội, trước toàn thể nhân dân.

    Bài học ấy làm tôi nhớ mãi về trách nhiệm của mình về tính cẩn trọng, nghiêm túc trước nhân dân.

    Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, toàn dân ta tưng bừng bước vào Kế hoạch 5 năm lần thứ hai đưa cả nước lên con đường xã hội chủ nghĩa (kế hoạch 1976 - 1980). Nhưng tình hình đã không thể thực hiện được như ý muốn. Tình hình ở các nước xã hội chủ nghĩa Trung Quốc, Liên Xô và các nước Đông Âu đã và đang biến động mạnh.

    Năm 1978, Đảng và Chính phủ lập cơ quan để nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển đất nước. Cuối năm 1979, Trung ương Đảng có Nghị quyết về sửa đổi chính sách kinh tế (Nghị quyết Trung ương lần thứ sáu (khóa IV), tháng 8-1979). Quá trình nghiên cứu có tham khảo các chuyên gia, các nhà khoa học của các nước anh em Bungari, Cộng hòa Dân chủ Đức, Liên Xô, nghiên cứu Chính sách kinh tế mới của Lênin.

    Năm 1980, cơ quan nghiên cứu đã làm xong Đề án chung toàn diện về sửa đổi chính sách kinh tế từ kế hoạch sản xuất, kế hoạch phân phối, tổ chức quản lý và đào tạo cán bộ. Nhưng lúc ấy chưa đủ điều kiện để thực hiện.

    Tốt hơn hết là hãy bắt đầu bằng công việc thực tế.

    Vấn đề khoán trong nông nghiệp:

    Tình hình sản xuất nông nghiệp lúc ấy bế tắc, sau thời kỳ ban đầu và trong chiến tranh, hợp tác xã có vai trò quan trọng và rất nhiều mặt tốt. Nhưng nay hòa bình thì tình hình lại rất khó khăn: Cán bộ hợp tác xã thoái hóa, kế hoạch sản xuất máy móc, vật tư sản xuất vừa thiếu vừa lãng phí không sử dụng tốt, xã viên thì lao động qua loa, thu nhập và đời sống giảm sút. Có nơi bỏ gặt, bỏ hợp tác xã đi buôn bán kiếm ăn. Mặc dù đã hai lần chỉnh đốn, mở rộng dân chủ ở hợp tác xã cũng không có kết quả.

    Các cơ quan nghiên cứu đã xuống một số hợp tác xã tìm hiểu tình hình làm đề án để Ban Bí thư Trung ương ra Chỉ thị 100 về khoán trong nông nghiệp. Có Chỉ thị 100, nông dân phấn khởi sản xuất, gần như tinh thần cách mạng được sống lại. Sau đó lại có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp. Từ đó nông nghiệp phát triển rất mạnh thoát khỏi cảnh bế tắc trước đây.

    Vấn đề giao quyền chủ động cho các xí nghiệp công nghiệp. Tình hình cuối năm 1978 cũng lao đao do thiếu nguyên liệu, hàng sản xuất ra lại ứ đọng vì chất lượng xấu, mẫu mã hàng chục năm không thay đổi, xí nghiệp chỉ biết làm theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước giao, nguyên liệu Nhà nước giao, định mức nguyên liệu, định mức điện nước tiêu hao, định mức giá thành, giá bán cho mậu dịch đều do Nhà nước quy định. Chế độ lương bổng cho cán bộ, công nhân và khen thưởng cũng do Nhà nước quy định.

    Hàng làm ra chỉ được giao cho mậu dịch, không được bán ra ngoài và xí nghiệp không chịu trách nhiệm gì với người tiêu dùng. Trong xí nghiệp ai làm giỏi được khen, ai lười biếng làm kém bị phê bình, kỷ luật. Nhưng lương bổng thì ai giỏi ai kém vẫn như nhau theo đúng ngạch bậc đã định.

    Vấn đề tháo gỡ trước mắt là: hãy làm cho xí nghiệp có quyền chủ động tạo việc làm đã. Các mặt khác sẽ dần dần giải quyết sau.

    Chính phủ ban hành Nghị quyết 25/CP. Nội dung Nghị quyết là giao cho xí nghiệp làm kế hoạch ba phần:

    Kế hoạch 1: Làm theo chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước. Nguyên liệu do Nhà nước cấp.

    Kế hoạch 2: Lấy vật liệu vụn do làm sản phẩm loại ra (résidu) để làm ra hàng hóa phù hợp.

    Kế hoạch 3: Xí nghiệp tự tìm mua nguyên liệu để làm hàng hóa đáp ứng nhu cầu ở thị trường.

    Sản phẩm của kế hoạch 1 là của Nhà nước, phải giao cho thương nghiệp. Kế hoạch 2 thì xí nghiệp có thể bán cho thương nghiệp hoặc bán cho thị trường. Kế hoạch 3 thì xí nghiệp có thể trao đổi với cơ sở đã bán nguyên liệu cho mình hoặc bán cho thương nghiệp hay thị trường.

    Toàn bộ lãi doanh thu của xí nghiệp thì kế hoạch 1 phải nộp cho Nhà nước theo chế độ. Kế hoạch 2 và 3 được trích khoảng 20% hoặc 30% chi cho cán bộ, công nhân.

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com