Những năm tháng làm việc bên anh Trường Chinh (kỳ 37)

06:02, 15/02/2018

Trần Quốc Hương

(tiếp theo)

    Bác Hồ từ Pháp về, có một số trí thức yêu nước được đào tạo ở Pháp, tình nguyện theo Bác về giúp nước. Cho đến lúc Bác đặt chân lên Hải Phòng, đồng bào, đồng chí ai nấy mới thực sự vui mừng. Làm việc với Thường vụ Trung ương, nghe báo cáo xong về tình hình trong nước thời gian qua, Bác nói:

    "Nhân dân Pháp tốt lắm, các đồng chí cộng sản Pháp, những người Pháp có thiện chí đều ủng hộ nước ta độc lập. Nhưng cánh hiếu chiến thực dân thì rất ngoan cố", không chịu từ bỏ quyền lợi của chúng ở Đông Dương.

    "Ta phải ký Tạm ước 14-9 (Modus Vivendi) để kéo dài thời gian chuẩn bị chống lại hành động gây chiến tranh xâm lược nước ta của chúng. Cuộc kháng chiến toàn quốc của ta là khó tránh khỏi. Công việc chuẩn bị kháng chiến cần phải rất khẩn trương, bí mật".

    Cụ Huỳnh gặp Bác nói: "Tôi đã già yếu, không thể cùng Chính phủ đi kháng chiến, tôi đề nghị cho tôi được về quê nghỉ ngơi, có việc gì vừa sức tôi cáng đáng".

    Bác Hồ trao đổi với Thường vụ Trung ương về đề nghị của cụ Huỳnh và giao cho anh Phạm Văn Đồng, lúc đó làm đại diện của Chính phủ ở Khu V, thực hiện.

    Một hôm, anh Trường Chinh triệu tập một cuộc họp Thường vụ Trung ương mở rộng. Các anh Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Trần Quốc Hoàn và tôi được tham dự. Anh Trường Chinh nói:

    "Theo ý Bác, Thường vụ Trung ương đã bàn cần phải chủ động, khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến toàn quốc, trong đó có nhiệm vụ chuẩn bị cơ sở vật chất. Để làm nhiệm vụ này, Thường vụ Trung ương quyết định lập một ban gọi là Ban Giao thông Liên lạc An toàn khu, gọi tắt là G.L.A, do anh Nguyễn Lương Bằng làm Trưởng ban, và gồm có các anh Trần Đăng Ninh, Trần Quốc Hoàn và Trần Quốc Hương.

    Cơ quan Trung ương sẽ đóng ở nơi an toàn trên khu Việt Bắc, Ban này cần tổ chức mạng lưới giao thông vô tuyến điện đi các Khu và giao thông đường bộ song hành liên hoàn đến các tỉnh (tới Khu V) cho thông suốt, bảo đảm an toàn. Tiến hành bảo đảm bí mật từng bước cho sơ tán di chuyển từ Hà Nội ra Thanh Oai, Quốc Oai, rồi Hưng Hóa, Phú Thọ, tới Tân Trào (Sơn Dương), những máy móc cần thiết phục vụ trước mắt cho việc sản xuất vũ khí, như làm đạn, súng, lựu đạn, mìn, địa lôi... máy móc sản xuất thuốc men, dụng cụ phục vụ y tế, cả máy móc đảm bảo cho việc in ấn tài liệu, sách, báo. Trong quá trình di chuyển phải giữ vững liên lạc với các Khu, để sự chỉ đạo của Trung ương được liên tục.

    Các Bộ đều đã được giao trách nhiệm sơ tán di chuyển những thứ thuộc Bộ mình, dưới sự hướng dẫn đôn đốc của Ban này. Ban này có con dấu riêng khắc ba chữ G.L.A. để điều hành nhiệm vụ".

    Tôi báo cáo trong kho Nhà Đoan là cơ sở do tôi phụ trách có nhiều máy móc, thuốc tây, thuốc phiện, bạc trắng đầm xòe, vải vóc, và 2.000 tấn muối...

    Anh Nguyễn Lương Bằng nói:

    "Ta cần di chuyển máy móc để chủ động sản xuất vũ khí. Vừa rồi, anh Vũ Anh từ Cao Bằng về báo cáo nhà máy sản xuất vũ khí ở trên đó, được lập từ thời chuẩn bị khởi nghĩa, hiện vẫn được duy trì và tiếp tục sản xuất. Bác đã nhắc anh Vũ Anh cố gắng sản xuất nhiều vũ khí để chuẩn bị kháng chiến.

    "Anh Hương có trách nhiệm điều hành việc sơ tán tất cả những thứ trong kho Nhà Đoan lên chiến khu, nhất là máy móc, nhưng đặc biệt lưu ý phải di chuyển hết số muối đó. Tôi cũng còn phải tổ chức đưa muối ở Văn Lý lên. Bác dặn tôi rằng: vàng bạc, những thứ khác có thể bỏ lại, nhưng muối thì dứt khoát phải mang đi bằng được, mang đi cho hết".

    Tôi không rõ anh Nguyễn Lương Bằng đã chuyển được bao nhiêu tấn muối từ Văn Lý lên chiến khu, riêng tôi, tôi đã tổ chức vận chuyển sơ tán được hết 2.000 tấn muối từ kho phố Hàng Vôi ra Ba Thá (sông Đáy), từ đó đưa lên Việt Bắc. Ngoài ra tôi cũng cho di chuyền hết số hàng quý, cùng một số máy móc đưa lên Tuyên Quang (sau đó lập được nhà máy lấy tên là Nhà máy Trần Hưng Đạo).

    Công việc lúc đó rất nhiều, tình hình rất căng thẳng, nhưng Ban G.L.A. đã khẩn trương hoàn thành những việc do Thường vụ Trung ương giao và bảo đảm được an toàn, bí mật. Nghĩ lại, lệnh của Bác phải di chuyển hết số muối ở Hà Nội và từ Văn Lý lên càng nhiều càng tốt, thật sáng suốt! Lương thực trong đó có gạo thì ở trên chiến khu, vùng rừng núi, rất thiếu, nhưng còn có thể lo được, chứ muối thì không thể kiếm đâu ra. Số muối đã đưa được lên Khu Việt Bắc, phục vụ cho quân đội ta chiến đấu nhiều năm và phục vụ được cả cho đồng bào miền núi.

(còn nữa)

[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com