Nét cổ Thành Nam

08:02, 15/02/2018

Xuân Mậu Tuất 2018, Thành phố Nam Định bước sang tuổi 756 (1262-2018). Dù trải qua bao thăng trầm của lịch sử, mảnh đất Thiên Trường xưa vẫn giữ được bề dày truyền thống, một mạch ngầm văn hóa chắt lọc, lắng đọng. Giữa đất trời đậm hương sắc xuân, giữa một thành phố đang đổi thay mạnh mẽ, những nét xưa vẫn ẩn hiện trên các công trình kiến trúc, nếp sống của người Thành Nam, là mạch nguồn để thành phố vươn mình trong tương lai.

Ông Nguyễn Kim Ba, đường Minh Khai (TP Nam Định) với nghệ thuật chơi chữ ngày Tết.
Ông Nguyễn Kim Ba, đường Minh Khai (TP Nam Định) với nghệ thuật chơi chữ ngày Tết.

Sau khi Thượng hoàng Trần Thái Tông về cung Tức Mặc đã xuống chiếu đổi hương Tức Mặc thành Phủ Thiên Trường, là đơn vị hành chính đặc biệt, trung tâm chính trị thứ hai của đất nước sau kinh thành Thăng Long. Từ các triều đại phong kiến đến thời kỳ Pháp thuộc, Thành phố Nam Định được xây dựng theo quy hoạch, đông đúc, trù phú. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho biết, Thành phố Nam Định xưa có 35 phố cổ theo mặt hàng sản xuất, buôn bán, 4 phố gọi theo bến sông Đào (Bến Thóc, Bến Củi, Bến Gỗ, Bến Ngự), 1 phố gọi tên Bờ Sông, 3 phố gọi theo cửa thành (Cửa Đông, Cửa Nam, Cửa Bắc) cùng với phố Cửa Trường, ngõ cổ Văn Nhân, tổng cộng là 45 phố cổ. Hầu hết các phố cổ nằm ở phía đông và phía nam Thành Nam. Nhiều tuyến phố hiện vẫn được giữ tên cổ của ngày xưa như Hàng Cấp, Hàng Tiện, Hàng Đồng, Hàng Thao, Bến Ngự, Bến Thóc… cùng với hàng chục ngôi đền thờ tổ nghề nằm trong các phố nghề như đền Voi Phục, đình Hàng Cấp, đền Trung Quân, đền Triều Châu… Đi giữa thành phố đang hối hả, vẫn nhận ra đâu đây những nét kiến trúc cổ trên phố Hàng Đồng, Hàng Sắt, Bến Ngự, Hai Bà Trưng (Hàng Màn, Hàng Rượu, Hàng Thêu, Hàng Thiếc, Hàng Đàn xưa)… được xây dựng cách đây hàng thế kỷ. Những tường gạch rêu phong vẫn ẩn hiện trên những mái hiên các ngôi nhà, thấp thoáng trong các tán cây cổ thụ. Đâu đây trong các tuyến phố Hoàng Văn Thụ, Hàng Sắt vẫn còn những con ngõ sâu hun hút, tường gạch rêu phong với bóng đèn điện leo lét chiếu sáng cả ngày lẫn đêm. Nét thời gian của Thành Nam còn thể hiện ở những bờ tường, ống khói của nhà máy Dệt - niềm tự hào một thời của bao thế hệ người dân - dù nhà máy đang được di dời sang nơi mới; là kiến trúc gô-tích được xây dựng từ thời Pháp thuộc của Trường THPT Nguyễn Khuyến, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ và một số cơ quan, đơn vị…; là những công trình giàu giá trị văn hóa, lịch sử vẫn còn lưu giữ như: Căn nhà của nhà thơ Trần Tế Xương ở phố Minh Khai, Nhà số 7 phố Bến Ngự từng là điểm hoạt động cách mạng của bao chí sĩ yêu nước, là Cột cờ Thành Nam với kiến trúc độc đáo và lịch sử đầy tự hào gắn với tên tuổi Bà chúa bản tỉnh (bà Chúa Cột cờ) Nguyễn Thị Chinh. Đó còn là những công trình của Nhà máy liên hợp Dệt Nam Định xưa, biểu tượng một thời của Thành phố Dệt anh hùng. Bến Đò Quan xưa nay được thay bằng cầu Đò Quan khang trang nối đôi bờ sông Đào mở ra triển vọng về một thành phố rộng lớn, phát triển. Phố cổ Thành Nam đẹp như bức tranh giàu màu sắc, từng được đưa vào thơ ca: “Thành Nam cảnh trí an bài/ Phố phường trên bộ, vạn chài dưới sông/ Nhất thành là phố Cửa Đông/ Nhất lịch Hàng Lọng, Hàng Đồng, Hàng Thao…”. Tháng ba, hoa gạo nở rực trời khu vực ngã tư Cửa Đông, hồ Vị Xuyên càng tô thắm thêm cảnh quan nơi đây. Dẫu biết rằng những công trình kiến trúc, đền, chùa hay ngôi nhà cho dù bền đến đâu cũng không thể trường tồn mãi với thời gian, nhưng hình ảnh về nó thì vẫn có thể được lưu giữ. Hồ Y - người họa sĩ tài hoa đã để lại cho hậu thế những bức tranh quý về phố cổ Thành Nam những năm 1970 trước khi bị đô thị hóa. Phố cổ trong tranh ông được thể hiện tỉ mỉ và có nhiều điểm ấn tượng: các đoạn phố không có vỉa hè, có phố có vỉa hè nhưng không lát gạch mà bằng đá xanh, những cột điện khung sắt màu đen, những ngôi nhà gạch đỏ, mái ngói phủ màu thời gian… Tất cả trở nên sống động qua từng nét vẽ của người họa sĩ để người xem được ngắm nhìn, hồi tưởng, hiểu thêm về thành phố thân yêu.

Cùng với kiến trúc xưa, Thành Nam vẫn còn lưu giữ những nghề cũ, lối sống cũ, giản dị, bình yên. Trên các con phố mang tên “hàng”, vẫn có những gia đình tiếp nối bao thế hệ buôn bán, sản xuất các sản phẩm truyền thống. Nhà ông Vũ Thanh Hải ở phố Hai Bà Trưng có 4 đời làm hàng tôn. Ông cho biết, xưa các cụ nhà ông sống và làm nghề trên phố hàng Thiếc (một phần phố Hai Bà Trưng ngày nay), sau này con cháu tiếp bước làm nghề. Nghề gò tôn không có nhiều việc như trước, thu nhập cũng thấp nhưng ông vẫn gắn bó bởi đó là truyền thống gia đình. Ở phố Hàng Sắt, cửa hàng Nguyên Hương bao năm nay vẫn duy trì làm và bán kẹo lạc Sìu Châu được sáng lập từ những năm 1880 nức tiếng xa gần. Là mảnh đất văn hiến, Thành Nam xưa còn nổi tiếng với nghề trồng hoa cây cảnh, mà nổi tiếng nhất là làng hoa Phù Long thuộc xã Nam Phong nằm bên kia sông Đào. Được thành lập từ thời nhà Trần, hiện làng có tới 95% số hộ trồng hoa, nhà nào ít trồng từ 3-5 sào, nhà nhiều trồng một mẫu trở lên. Hoa nơi đây được trồng khá đa dạng, nhưng nhiều nhất vẫn là cúc với nhiều loại: cúc vàng, cúc trắng, cúc mini (xanh, đỏ, tím, vàng), cúc đỏ (trắng tuyết, đỏ cờ, chi đỏ, tím thạch bích, chi xanh...). Làng hoa cung cấp hoa chủ yếu cho người dân Thành phố Nam Định. Cụ Phạm Ngọc Quý, năm nay đã gần 80 tuổi nhưng có tới hơn 20 năm bán hoa ở chợ Phụ Long cho biết: Ngày nào cũng có hàng trăm người dân làng mang hoa sang bán, nhưng đông nhất vẫn là dịp lễ, Tết. Người ta dậy từ sáng sớm cắt hoa, rồi vận chuyển bằng các phương tiện sang thành phố trên những chuyến đò ngang qua sông Đào hoặc đi qua cầu Tân Phong. Những bông hoa tươi trên đôi quang gánh, trên những chuyến xe đạp khoe sắc rực rỡ như thể nhuộm thắm màu các tuyến phố Thành Nam khi trở mình thức giấc. Bên cạnh nghề xưa, Thành Nam văn hiến vẫn mang trong mình những con người nặng lòng với nếp xưa, cái nếp cũ muốn níu kéo không phải bởi lạc hậu, bảo thủ, mà là một nét văn hóa, một nếp sinh hoạt đã đi vào tiềm thức. Bao năm nay, ông Nguyễn Kim Ba ở phố Minh Khai vẫn miệt mài với những con chữ giàu ý nghĩa để dâng tặng lên các bậc thần nhân, tiên tổ, tặng cho người yêu thích nghệ thuật thư pháp. Đến với những con chữ, ông được thả hồn với thú chơi tao nhã, nhưng rất trí tuệ, nhân văn của các thế hệ cha ông, là cầu nối đưa nghệ thuật truyền thống đến với mọi người, mọi nhà. Nặng lòng với nếp xưa còn là những công nhân Nhà máy liên hợp Dệt qua các thời kỳ. Dẫu xa bao năm với tiếng ồn máy móc, giờ tan ca, rồi khi Nhà máy liên hợp Dệt di dời nhường chỗ cho Khu đô thị Dệt may hiện đại thì nhiều người vẫn không quên với tiếng còi hủ của nhà máy vang lên nhiều lần trong ngày. Nếp xưa của người Thành Nam còn được thể hiện trong dịp Tết đến xuân về. Bỏ qua những ngày tháng vất vả làm việc kiếm sống, những ngày giáp Tết nhiều gia đình ở thành phố vẫn đi mua lá dong, mua lạt, củi về gói bánh chưng. Những chiếc bánh được gói trong khuôn vuông vức bởi bàn tay những người có tuổi, khéo tay sau đó được đem luộc cho rền. Có cảm giác nào vui hơn với những đứa trẻ thành thị khi ngồi bên cạnh nồi bánh chưng củi cháy nổ tí tách chờ đợi, được người lớn cho đón những chiếc bánh đầu tiên nóng hổi, thơm mùi lá, gạo nếp để dâng lên tổ tiên ngày Tết. Không chỉ ở quê, nhiều gia đình thành phố chiều 30 Tết còn hì hụi đun bằng được nồi nước lá mùi già thơm mua ở chợ Cửa Trường, chợ Mỹ Tho, đường Điện Biên… để tắm gội cho con cháu với quan niệm xóa bỏ những đen đủi từ năm cũ đến đón năm mới hứng khởi; là thú vui vãn cảnh, xin lửa đỏ ở chùa Vọng Cung, chùa Cả vào đêm Giao thừa, thắp hương tưởng nhớ các vị vua Trần và Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo vào những ngày đầu năm mới… Tất cả, tạo nên nét đẹp văn hóa của con người Thành Nam văn hiến.

Thành phố Nam Định đang chuyển mình phát triển mạnh mẽ, nhiều khu đô thị mới với những tòa nhà cao tầng mọc lên, những con đường khang trang, bề thế đúng với vị thế đô thị loại I. Bên cạnh sự hiện đại đó, những nét kiến trúc xưa, những nếp sống xưa còn được lưu giữ là sự cần thiết để xây dựng thành phố phát triển vững bền trong tương lai./. 

Bài và ảnh: Đức Thiện

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com