Những năm tháng làm việc bên anh Trường Chinh (kỳ 17)

05:12, 12/12/2017

[links()]

Trần Quốc Hương

(tiếp theo)

    Trước đây, trong những năm phong trào Mặt trận Bình dân, Lui Capuy có hoạt động công khai nhiều ở Hà Nội. Là thanh tra học chính, Lui Capuy có một thời gian bị Toàn quyền Đờcu bắt giam ở Đà Lạt vì bị tình nghi thuộc phái thân Đờ Gôn. Sau khi được trả lại tự do, Lui Capuy đã xin nghỉ việc và giữ quan hệ chặt chẽ với tướng Moócđăng. Nhà riêng của Lui Capuy ở 35 phố Quang Trung bây giờ, thường là nơi lui tới của những người Pháp thân Đờ Gôn như thiếu tá Sâybơlích (Seyberlich), bác sĩ quân y làm ở nhà thương Đồn Thủy (Lanessan); thiếu tá Ôriôn (Auriol), sĩ quan hậu cần thân cận với tướng Moócđăng.

    Tôi đi ra ATK để báo cáo với anh Trường Chinh những thông tin mới nhất về hoạt động của nhóm chiến sĩ chống phát xít. Đó là một ngày hè nóng bức. Cùng lúc, được gặp cả hai anh Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt, tôi thấy hai anh đều có nét mặt đau buồn. Từ cuối năm 1943, Thường vụ Trung ương luôn khắc khoải nỗi đau anh Hoàng Văn Thụ bị địch bắt. Đến nay, lại được tin anh Hoàng Văn Thụ bị địch xử bắn. Mấy anh em đều ngẩn ngơ đến bàng hoàng, bùi ngùi xúc động về sự mất mát quá lớn này. Trước giờ xử bắn, - anh Trường Chinh sau này kể lại - anh Hoàng Văn Thụ đã dõng dạc nói thẳng vào mặt kẻ thù: "Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi - những người mất nước - và các ông - những kẻ cướp nước - sự hy sinh của những người như tôi là lẽ dĩ nhiên. Chỉ biết rằng, cuối cùng chúng tôi sẽ thắng!". Riêng tôi, còn nhớ chuyện bác sĩ Trần Văn Lai, một nhân sĩ trí thức ở Hà Nội, vào lúc đó cũng bị địch bắt. Tên trùm mật thám Đông Dương khét tiếng độc ác Phlơtô (Fleutôt) đã cho dẫn vị bác sĩ này vào xem bọn chúng tra tấn anh Hoàng Văn Thụ. Tận mắt chứng kiến cảnh đánh đập hết sức man rợ đó, bác sĩ Trần Văn Lai sau này có nói với tôi: Chỉ có Đảng Cộng sản Đông Dương mới có những nhà hoạt động chính trị chân chính, dũng cảm, bất khuất tiêu biểu như ông Hoàng Vàn Thụ.

    Anh Hoàng Văn Thụ hy sinh giữa năm 1944, Thường vụ Trung ương chỉ còn hai người. Mặc dù vậy, sau khi hội ý với anh Hoàng Quốc Việt, anh Trường Chinh vẫn quyết tâm đích thân vào nội thành gặp Chiến sĩ.

    Đội công tác chúng tôi được giao bố trí, tìm địa điểm, bảo vệ cho cuộc gặp. Lúc đầu, tôi định tổ chức cuộc gặp ở cánh đồng Thủ Lệ, sau phải dời đến khu lăng mộ họ Phạm ở cánh đồng làng Vẽ, ngoại thành Hà Nội, ngay sát gần với ATK.

    Hôm ấy, anh Trường Chinh mặc bộ đồ xanh công nhân bình thường, Chiến sĩ thì xúng xính trong bộ quần áo kaki dân sự, mượn của người quen, trông như một anh cai lục lộ, theo tôi đến điểm hẹn. Chiến sĩ cáo bệnh để được về nằm nhà thương Đồn Thủy (Lanessan), chờ tôi đón đi.

    Chào hỏi xong, chủ và khách ngồi ngay trên gò cạnh ngôi mộ mới xây. Anh Trường Chinh lấy khẩu súng ngắn để trước mặt hai ngưòi. Với nụ cười đôn hậu, mà Chiến sĩ suốt đời không thể nào quên, anh Trường Chinh đã chinh phục được trái tim và khối óc người thanh niên trí thức Đức hai mươi bảy tuổi đang khao khát đi tìm lý tưởng. Cho đến lúc này, Chiến sĩ vẫn chưa biết anh Trường Chinh là Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Đông Dương.

    Chân tình, cởi mở, thẳng thắn nhìn vào thực tế, với tư duy biện chứng sắc bén, anh Trường Chinh sôi nổi tranh luận với chiến sĩ về các vấn đề nóng hổi thời sự quốc tế, tình hình Việt Nam và Đông Dương. Phân tích tình hình Nhật, Pháp, anh Trường Chinh vạch rõ, lúc này chúng đang hết sức căng thẳng với nhau nhưng vẫn phải tạm thời hòa hoãn với nhau, thái độ nhùng nhằng, chưa quyết. Cả hai đều đang đóng một tấn kịch giả dối, vô cùng nguy hiểm cho cả đôi bên.

    Nhưng Pháp cũng như Nhật đều đang sửa soạn tiến tới chỗ tao sống mày chết, quyết liệt cùng nhau. Và cả Nhật lẫn Pháp đều gờm cách mạng Việt Nam. Chúng rất sợ khi chúng cắn xé nhau chí tử, thanh toán lẫn nhau thì cách mạng Việt Nam thừa dịp nổi lên tiêu diệt chúng.

    Anh Trường Chinh lắng nghe Chiến sĩ trình bày về hoạt động của nhóm chiến sĩ lê dương chống phát xít. Anh động viên và cổ vũ chiến sĩ và các bạn anh tranh thủ thời gian củng cố và phát triển tổ chức, đẩy mạnh việc tuyên truyền vận động sĩ quan và binh lính người châu Âu trong Binh đoàn lê dương. Từ đó, mở rộng ra các sĩ quan và binh lính Pháp, kể cả thường dân Pháp yêu nước và thân Đờ Gôn thì càng tốt. Không có con đường nào khác. Chống chủ nghĩa phát xít ở Đông Dương lúc này là chống kẻ thù trực tiếp, trước mắt là phát xít Nhật. Phải đứng về phía nhân dân cách mạng Việt Nam đang đấu tranh giành độc lập dân tộc, hòa bình và dân chủ.

    Cuối cuộc gặp, anh Trường Chinh nhắn gửi qua Chiến sĩ một "thông điệp miệng" tới những người Pháp thân Đờ Gôn rằng Việt Minh sẵn sàng gặp họ càng sớm càng tốt để bàn việc liên minh chống phát xít Nhật.

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com