Những năm tháng làm việc bên anh Trường Chinh (kỳ 7)

06:11, 07/11/2017

[links()]

Trần Quốc Hương

(tiếp theo)

    Một tháng sau Hội nghị Trung ương lần thứ tám, đúng như dự đoán của Đảng ta, ngày 22-6-1941, phát xít Đức bất ngờ tiến công Liên Xô. Mặt trận dân chủ chống phát xít toàn thế giới hình thành. Anh Trường Chinh, ngay trên số đầu báo Cờ Giải Phóng (ngày 10-10-1942) đã viết: "Hồng quân Liên Xô đang một phần vì nhân dân Đông Dương mà đổ máu. Chúng ta có bổn phận tích cực ủng hộ cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân Liên Xô, mở một mặt trận đánh bại phát xít Nhật, Pháp ở Đông Dương và góp phần vào phong trào cách mạng của nhân dân thế giới".

    Không phải ngẫu nhiên mà tướng Mỹ Mác Áctơ, Tổng tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, đã khẳng định: "Đông Dương là chìa khóa của Đông Nam Á".

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp sau phiên họp Hội đồng Chính phủ tại đèo De, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (năm 1950). Ảnh Tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp sau phiên họp Hội đồng Chính phủ tại đèo De, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (năm 1950). Ảnh Tư liệu

    Sau khi xâm lược Trung Quốc, chiếm Đông Dương là bước thứ nhất trong kế hoạch Đại Đông Á của phát xít Nhật. Phối hợp với Hitle, phát xít Nhật, qua đại sứ Kato bên cạnh Chính phủ Pêtanh ở Visi, ra tối hậu thư, đòi đưa quân vào khắp cõi Đông Dương, không hạn chế về quân số. Hiệp ước Đáclăng - Kato giữa Pháp và Nhật, ký ngày 29-7-1941, đồng ý cho Nhật có quyền sử dụng tám sân bay ở Nam Đông Dương, những căn cứ hải quân ở Cam Ranh và Sài Gòn và có quyền đồn trú các đơn vị quân Nhật ở khắp các vị trí chiến lược chủ yếu. Mùa thu năm 1941, Nhật đã củng cố thế đứng vững chắc trên bán đảo Đông Dương, thực hiện được âm mưu thôn tính ngon lành, trọn vẹn Đông Dương mà không tốn một viên đạn, xóa bỏ nguyên tắc "phòng thủ chung Đông Dương" hứa với Pháp một năm trước đây, đặt toàn bộ Đông Dương vào hệ thống bố trí quân sự phát xít của mình. Chẳng những thế, Hiệp định về hợp tác kinh tế Pháp - Nhật ký ngày 6-5-1941 còn cho phép Nhật tha hồ vơ vét lúa gạo, cao su, kiểm soát toàn bộ nền kinh tế, chuyển toàn bộ sản xuất sang phục vụ những yêu cầu của Nhật và nắm quyền phát hành giấy bạc Đông Dương để chi tiêu vô tội vạ cho chiến tranh Đại Đông Á. Tất cả sự "hợp tác", câu kết giữa Pháp và Nhật đó đã dẫn đến nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu (1945) sau này, hai triệu đồng bào ta chết đói.

    Thế là rõ, chỉ sau một năm thôn tính Đông Dương, ngày 7-12- 1941, phát xít Nhật bất ngờ tiến công chớp nhoáng Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) ở đảo Haoai, giáng một đòn sấm sét xuống hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, và từ những căn cứ quân sự và sân bay ở Nam Đông Dương tiến đánh hạm đội Anh, tràn xuống chiếm đóng bán đảo Malaixia, chiếm Xingapo, từ đó tỏa ra Miến Điện (Mianma) rồi cả Nam Dương (Inđônêxia) thuộc Hà Lan.

    Đảng ta đã phải trải qua những giờ phút bị khủng bố, đàn áp khốc liệt nhất của quân thù. Nhưng từng bước vững chắc, củng cố và gây dựng cơ sở, phát triển phong trào Việt Minh. Ngay sau khi xảy ra trận Trân Châu Cảng, ngày 21-12-1941, Thường vụ Trung ương Đảng ta ra thông cáo Chiến tranh Thái Bình Dương và trách nhiệm cần kíp của Đảng khắng định "gây ra chiến tranh Thái Bình Dương tức là Nhật tự sát". Cuối năm 1942, trong một bài chính luận quan trọng trên báo Cờ Giải Phóng, anh Trường Chinh phân tích sắc bén âm mưu chiến lược của Nhật thôn tính cả châu Á; phối hợp với Đức, Italia chiếm cả châu Âu, châu Phi, hòng làm bá chủ thế giới, mạnh mẽ kêu gọi tập trung các lực lượng dân chủ trên thế giới nhằm đánh bại chủ nghĩa phát xít thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta - anh Trường Chinh khẳng định và kết luận - một cao trào cách mạng sẽ nổi dậy. Nhân dân ta phải sẵn sàng chiến đấu chống phát xít Nhật, Pháp, giành hòa bình, độc lập, dân chủ.

    Lòng dân là chỗ dựa vững chắc của cách mạng. Chính vì biết dựa vào lòng dân, hết sức coi trọng việc gây dựng cơ sở và phong trào cách mạng sâu gốc bền rễ trong nhân dân mà suốt thời kỳ bí mật, Thường vụ Trung ương Đảng đã tạo được thế đứng, bám trụ ở địa bàn sôi động trong và ngoài Hà Nội, trung tâm chính trị của cả nước, để chỉ đạo sắc bén và kịp thời các vấn đề chính trị - xã hội bức xúc và nóng hổi của cách mạng.

    Xây dựng An toàn khu (gọi tắt là ATK) là một sáng kiến quan trọng hàng đầu do anh Trường Chinh khởi xưống và trực tiếp chỉ đạo ngay từ đầu những năm 1940. Đó là điều tôi đã tận mắt chứng kiến, ngay khi về nhận công tác ở ATK của Thường vụ Trung ương.

    Anh Trường Chinh kể lại: "Sau hội nghị Muyních năm 1938, rồi đến khi chiến tranh thế giới gần nổ ra, đế quốc Pháp đánh mạnh vào Đảng ta, anh Hoàng Quốc Việt đã bị mật thám gọi tới đe dọa. Xứ ủy chúng tôi thấy rằng nếu chỉ quanh quẩn ở thành phố thì khó tránh khỏi lưới mật thám dày đặc của địch; cần phải tỏa về nông thôn gây dựng cơ sở để giữ vững và phát triển phong trào. Nhưng sau một thời gian ngắn, chúng tôi lại thấy rằng xa thành phố, nhất là Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị, thì không nắm bắt được tình hình nhanh chóng, không thể chỉ đạo phong trào chung được kịp thời. Do đó Xứ ủy bàn lại, làm thế nào cũng phải bám sát Hà Nội, vì thế ta cần phải xây dựng được cơ sở an toàn ở ngay ngoại thành Hà Nội, làm chỗ đứng cho Thường vụ Trung ương. Từ đó nảy sinh ra chủ trương xây dựng An toàn khu (ATK)".

(còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com