Nước Nga trong tôi

06:11, 03/11/2017

Phải nói ngay rằng gần 40 năm công tác và nghỉ hưu đã 10 năm nhưng chưa một lần tôi được đặt chân đến đất nước Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay. Nhưng hình ảnh của Liên Xô và nước Nga lúc nào cũng in đậm trong tôi.

Hồi còn nhỏ, mỗi khi nghe tin tức trên Đài Tiếng nói Việt Nam về thành tựu xây dựng và phát triển đất nước Liên Xô vĩ đại, về những đóng góp của Liên Xô cho sự nghiệp cách mạng của Việt Nam và các nước trên thế giới, tôi đều thấy tự hào và trân trọng. Cảm xúc đó, có lẽ nhờ công tác tuyên truyền của Đảng và Nhà nước ta về sự hy sinh to lớn của nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại để cứu mình và cứu nhân loại thoát khỏi nguy cơ chủ nghĩa phát xít tàn bạo đồng thời với những chi viện lớn lao vô tư, trong sáng cả về sức người và của cho các dân tộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, giải phóng đất nước, giành độc lập tự do, trong đó có nhân dân Việt Nam.

Sau này đi công tác và nhất là khi tôi được cử làm báo cáo viên đúng vào thời kỳ cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết định, tôi lại càng có dịp được nghe và tìm hiểu về Liên Xô nhiều hơn, càng củng cố nhận thức và tình cảm của mình về Liên Xô và các dân tộc Xô-viết sâu đậm hơn. Sự hy sinh cho độc lập thống nhất của Việt Nam vô cùng to lớn, trong đó có cả mồ hôi và xương máu của nhân dân Liên Xô.

Cuối những năm 60, đầu những năm 70 của thế kỷ trước, tôi là cán bộ Nhà máy dệt Nam Lý (B3) thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ; sau khi chiến tranh kết thúc tôi được điều về công tác tại Nhà máy Dệt kim Thắng Lợi (Nam Định). Thời kỳ này tôi đã chứng kiến mối quan hệ giúp đỡ rất hiệu quả và kịp thời của đất nước và nhân dân Liên Xô cho Việt Nam, trong đó có nhà máy chúng tôi. Tôi vẫn khẳng định rằng nếu không có điều đó, chắc chắn nhà máy chúng tôi sẽ không tồn tại. Chuyện là, Nhà máy Dệt kim Thắng Lợi do một nước bạn giúp đỡ máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu. Gần 10 năm từ khi thành lập, nhà máy phải chuyển đi, chuyển lại nhiều lần do chiến tranh; đến khi hòa bình đi vào sản xuất chưa được bao lâu thì chiến tranh biên giới xảy ra, nước bạn cắt hết viện trợ. Nhà máy đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động. Hơn ba trăm cán bộ, công nhân là thương binh, vợ, con liệt sĩ sẽ mất việc làm, cuộc sống sẽ ra sao?. Trước tình hình đó, ban lãnh đạo nhà máy đã chuyển hướng sang làm hàng xuất sang Liên Xô, đổi lại được nước bạn cung cấp nguyên vật liệu và hàng tiêu dùng thiết yếu, giúp nhà máy chúng tôi không những tiếp tục hoạt động mà còn phát triển nhanh hơn. Cán bộ, công nhân nhà máy ai cũng vui mừng phấn khởi, thi đua sản xuất đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất, giao hàng đầy đủ kịp thời nhất cho bạn.        

Cũng từ mối quan hệ đó, nhiều việc làm cụ thể thể hiện tình cảm giữa cán bộ, công nhân của nhà máy với đất nước Liên Xô được triển khai thực hiện. Nhà máy chúng tôi thành lập “Chi hội hữu nghị Việt - Xô” thuộc Hội hữu nghị Việt - Xô Thành phố Nam Định, tôi lúc bấy giờ là thư ký công đoàn nhà máy được cử làm chi hội trưởng. Công tác tuyên truyền về mối quan hệ, tình hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Liên Xô được triển khai thường xuyên nhân dịp các sự kiện kỷ niệm của hai nước. Chúng tôi đã tiếp đón nhiều đoàn khách của Liên Xô và nước Nga đến thăm, trong đó có đoàn các cháu bị ảnh hưởng sự cố nhà máy điện hạt nhân Tréc-nô-bưn, đã để lại trong lòng cán bộ, công nhân nhà máy chúng tôi nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga chúng tôi mời đại biểu Hội hữu nghị Việt - Xô Thành phố Nam Định đến nói chuyện. Tôi còn nhớ một buổi tối ông Vũ Bá Khai, là chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Xô Thành phố Nam Định đến kể lại chuyến ông đi thăm Liên Xô với tất cả tình cảm và hình ảnh thân mật của nhân dân nước bạn dành cho đoàn Việt Nam, trong đó có ông rất sôi nổi hào hứng, đến nỗi đã rất khuya mà không ai muốn dừng lại.

Đến những năm đất nước Liên Xô tiến hành cải tổ, có nhiều biến động xã hội phức tạp, chúng tôi cũng luôn quan tâm theo dõi, cảm thông xen lẫn lo lắng. Năm 1990, vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Hữu nghị Việt - Xô tổ chức cuộc họp Thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) với sự có mặt của đoàn đại biểu Hội hữu nghị Xô - Việt sang thăm Việt Nam, tôi cùng với ông Vũ Ngọc Phan, thường trực Hội hữu nghị Việt - Xô Thành phố Nam Định được tham gia hội nghị. Trong các câu chuyện thấm đậm tình cảm giữa các đại biểu của hai bên trong đó cũng có tâm tư về đất nước Liên Xô đang nhiều biến động.

Công cuộc cải tổ của Liên Xô đã không đem lại kết quả như mong muốn, hình ảnh Liên Xô vĩ đại không còn, nước Nga kế thừa đã chìm vào khủng hoảng một thời gian dài làm cho những cán bộ, công nhân của nhà máy chúng tôi những năm tháng ấy rất buồn và nuối tiếc, luôn luôn hy vọng nước Nga và dân tộc Nga vĩ đại sẽ vượt qua khó khăn, trở lại vị thế một cường quốc, góp phần giữ gìn hòa bình và ổn định trên thế giới.

Ngày nay công cuộc đổi mới đất nước của chúng ta đã dành nhiều thành tựu quan trọng, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ta có nhiều tiến bộ. Nhưng những người ở lớp tuổi chúng tôi đã sống và chứng kiến những tình cảm mà đất nước và nhân dân Liên Xô, trong đó có nước Nga đã ủng hộ và giúp đỡ sự nghiệp cách mạng và đời sống của nhân dân Việt Nam thì không thể nào quên được. Khi tôi là cán bộ Nhà máy Dệt Nam Lý (B3), do chiến tranh phải sơ tán về vùng nông thôn nghèo khó, nhờ có Liên Xô giúp đỡ không chỉ có sợi và vật tư để sản xuất mà ngay cả những bao bì phụ kiện cũng giúp vào việc cải thiện đời sống của cán bộ, công nhân, những chiếc vỏ hòm sợi bằng gỗ thông được tận dụng để xây dựng và sửa chữa nhà ở, đóng giường nằm, dụng cụ gia đình… Sau này tôi chuyển về công tác tại Nhà máy Dệt kim Thắng Lợi cũng nhờ làm hàng xuất sang Liên Xô mà không những có việc làm cho cán bộ, công nhân, còn có ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa, trao đổi với bạn để có nhiều phương tiện sinh hoạt khác như xe ô tô Vôn-ga, tủ lạnh, đồng hồ… là những thứ ngày ấy rất có giá trị. Nhà máy Dệt kim Thắng Lợi của chúng tôi bây giờ không còn sản xuất theo cơ chế kinh tế kế hoạch hóa mà chuyển sang kinh tế thị trường với những phương thức và quan hệ sản xuất mới, nhưng chúng tôi vẫn ghi nhớ rằng nếu ngày ấy không có sự giúp đỡ của Liên Xô thì đâu còn tồn tại để chuyển sang giai đoạn mới.

Tôi và nhiều người vẫn thường ôn lại với nhau về những kỷ niệm đẹp trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây cũng như nước Nga ngày nay. Hai nước sau cải tổ và đổi mới, mối quan hệ đã bước sang trang mới nhưng vẫn thể hiện sự thông hiểu lẫn nhau, ủng hộ và tin tưởng nhau. Nước Nga ngày nay tuy không còn sự giúp đỡ Việt Nam theo cách như trước đây, nhưng chỉ nhìn vào phương pháp ứng xử của bạn đối với các vấn đề quá khứ và quan hệ hiện tại giữa hai nước cũng nói lên sự trân trọng tình cảm truyền thống của hai nước và hai dân tộc Việt - Nga.

Nước Nga sau những năm tháng khó khăn đã tìm ra con đường phát triển của mình và ngày càng thu được thành quả đáng phấn khởi, được thế giới ngưỡng mộ. Trong trái tim tôi vẫn thầm mong nhân dân Nga vĩ đại sẽ được sống trong hòa bình, hạnh phúc, xứng đáng với những hy sinh vô giá mà các thế hệ dân tộc Nga đã cống hiến. Nước Nga vững mạnh cũng là niềm tin và chỗ dựa tin cậy cho nhiều dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tôi luôn yêu quý nước Nga và các dân tộc thuộc Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay./.

Lê Văn Lư
Số 138, đường Mỹ Xá,
phường Trường Thi, Thành phố Nam Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com