Đồng chí Trường Chinh - Nhà yêu nước lớn, nhà lý luận, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta (Kỳ 6)

06:10, 12/10/2017

[links()]

Nguyễn Duy Quý

(tiếp theo)

    Là nhà lý luận, nhà văn hóa và đặc biệt với tư cách là một đồng chí lãnh đạo công tác lý luận và công tác tư tưởng của Đảng, đồng chí Trường Chinh thường xuyên quan tâm đến nhiệm vụ phát triển các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Đồng chí đọc nhiều, suy ngẫm nhiều, do đó có rất nhiều ý kiến sâu sắc về các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Đồng chí cho rằng, cần phải coi trọng nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu các quy luật phát triển, đồng thời coi trọng việc đúc kết các hoạt động thực tiễn để vừa phục vụ kịp thời, vừa làm giàu thêm cho nền tảng khoa học xã hội và nhân văn ở nước ta. Đồng chí viết: "Nhiệm vụ của khoa học xã hội nói chung, về các ngành sử học, địa lý, văn học nói riêng, rất nặng nề. Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, nắm những đặc điểm và quy luật phát triển của xã hội Việt Nam, dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam trong quá trình tiến lên làm chủ đất nước mình, cần chú trọng nghiên cứu các hình thái kinh tế - xã hội trong lịch sử Việt Nam, nhằm làm sáng tỏ những đặc điểm quy luật và di sản lịch sử dân tộc, để chúng ta cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng tốt chủ nghĩa xã hội ở nước ta...".

    Là một nhà thơ cách mạng, tập thơ Sóng Hồng của đồng chí đã từng làm rung động lòng người và được quần chúng yêu thích. Đối với đồng chí Trường Chinh, làm thơ cũng là để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. "Thơ tức là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp. Thơ không chỉ nói lên tình cảm riêng của nhà thơ, mà khi thông qua tình cảm đó nói lên niềm hy vọng của cả một dân tộc, những ước mơ của nhân dân, vẽ nên những nhịp đập của trái tim quần chúng và xu thế chung của lịch sử loài người".

    Là một nhà cách mạng, một nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước, một nhà lý luận, nhà văn hóa, nhà báo, nhà thơ... đồng chí Trường Chinh đã cống hiến trọn đời mình cho Đảng, cho dân tộc.

    Giữa năm 1986, khi đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn từ trần (ngày 10-7-1986), mặc dù tuổi cao, song với uy tín lớn, trong phiên họp đặc biệt ngày 14-7-1986 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Trường Chinh một lần nữa được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Với trọng trách này, trước tình hình đất nước ta đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, đòi hỏi Đảng phải có những quyết sách kịp thời, đồng chí Trường Chinh đã có sự phân tích sâu sắc tình hình thực tế lúc bấy giờ và đề xuất những nhận định rất quan trọng, đặt cơ sở lý luận khởi đầu cho công cuộc đổi mới của nước ta. Với nhận định: "Sức mạnh của một nước, của cách mạng chính là ở nhân dân", đồng chí yêu cầu "Phải tin tưởng ở nhân dân, nói rõ sự thật". Từ những quan điểm này, đồng chí cho rằng: "Trong những năm qua, do chúng ta mắc sai lầm chủ quan, nóng vội, không tôn trọng,thậm chí làm trái quy luật khách quan", "Một mặt, chúng ta đã chủ quan, nóng vội, đốt cháy giai đoạn, ham làm nhiều, làm nhanh, làm lớn quá sức mình; mặt khác, khi đã mắc sai lầm thì lại bảo thủ, trì trệ, muốn kéo dài hiện trạng, không dũng cảm, quyết tâm sửa chữa"... Từ các nhận định, đánh giá trên, đồng chí Trường Chinh kết luận: "Đối với nước ta, đổi mới càng là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn". Kết luận này đã được đề xuất với Đảng để từ đó Đảng ta có quyết định quan trọng: Thực hiện công cuộc Đổi mới toàn diện nhằm đưa đất nước ta vượt qua khó khăn, trì trệ để phát triển. Vì vậy, có thể nói, một trong những cống hiến to lớn nhất của đồng chí Trường Chinh là góp phần to lớn trong việc khởi xướng công cuộc Đổi mới đất nước, một sự nghiệp vĩ đại đánh dấu bước ngoặt trong tư duy của Đảng ta.

    Những thành tựu to lớn có ý nghĩa quan trọng của sự nghiệp đổi mới trong mười sáu năm qua đã khẳng định sự đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta trong sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

    Có thể nói, trong những thành tựu lớn lao mà Đảng và nhân dân ta giành được trong công cuộc Đổi mới đất nước thời gian qua, có sự đóng góp quan trọng của đồng chí Trường Chinh. Lịch sử mãi mãi ghi nhớ công lao của đồng chí đã góp phần quan trọng tổng kết những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Việt Nam, từ đó đề ra đường lối Đổi mới phù hợp với quy luật khách quan, với thực tế đất nước và ý nguyện của toàn dân.

    Với 81 tuổi đời, trong đó có hơn 60 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Trường Chinh thể hiện là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước, nhà lý luận, nhà chính trị, nhà văn hóa, đã có công lao to lớn cùng với Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa cách mạng Việt Nam tới những thắng lợi vẻ vang: giành độc lập, tự do, thống nhất cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân và vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa.

    Phẩm chất cao đẹp và những đóng góp lớn lao của đồng chí Trường Chinh - nhà yêu nước lớn, nhà lý luận, nhà lãnh đạo xuất sắc-sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com