Đồng chí Trường Chinh - Nhà yêu nước lớn, nhà lý luận, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta (Kỳ 5)

06:10, 10/10/2017

[links()]

Nguyễn Duy Quý

(tiếp theo)

    Đồng chí Trường Chinh cho rằng, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân chỉ có thể giành được thắng lợi triệt để khi phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa.

    Đồng chí Trường Chinh cũng là một nhà văn hóa lớn, một nhà báo, nhà thơ có tâm hồn giàu cảm xúc. Các tác phẩm nổi tiếng của đồng chí như: Đề cương Văn hóa Việt Nam, Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa Việt Nam lúc này, Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam... đã góp phần đặt cơ sở lý luận cho đường lối văn hóa - văn nghệ phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân của Đảng ta. Những tác phẩm và bài viết của đồng chí tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh các quan điểm cách mạng, sáng tạo của Đảng ta trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào văn hóa - nghệ thuật Việt Nam. Trong Đề cương Văn hóa Việt Nam viết năm 1943, đồng chí đã nhấn mạnh việc phải gắn chặt nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ văn hóa và cho rằng trong cách mạng nước ta, văn hóa chỉ thực sự có ý nghĩa khi gắn với nhiệm vụ chính trị cao cả của nhân dân và phục vụ cho nhiệm vụ ấy. Ba nguyên tắc mà đồng chí nêu lên cho cuộc vận động văn hóa thời kỳ ấy là Dân tộc hóa, Khoa học hóa, Đại chúng hóa được đông đảo các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ, các trí thức cách mạng tham gia với tinh thần tự giác và sáng tạo... Đề cương Văn hóa Việt Nam được Hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị thông qua và kịp thời phục vụ nhiệm vụ cách mạng đặt ra lúc ấy. "Trước nguy cơ văn hóa nước nhà bị trói buộc, mê hoặc, trấn áp, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì vận mệnh của văn hóa nước nhà, Đảng thấy rõ cần phải thức tỉnh và động viên người trí thức, văn hóa; phát động một cuộc đấu tranh rộng rãi trên mặt trận văn hóa để chống lại những âm mưu văn hóa ngu dân và nô dịch của phát xít, thực dân, đánh bại những khuynh hướng văn hóa sai lầm, tai hại, để giành lại độc lập dân tộc và tiến lên xây dựng một nền văn hóa mới Việt Nam. Đề cương Văn hóa là một vũ khí tư tưởng sắc bén của các chiến sĩ Việt Nam trên mặt trận văn hóa".

    Trong bản báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam đọc tại Đại hội Văn hóa toàn quốc lần thứ II (7-1948), đồng chí nêu rõ tính chất và nhiệm vụ của cách mạng, phê phán và đấu tranh chống các quan điểm văn hóa phản động, xác định thái độ đúng đắn của những người làm công tác văn hóa, "cách mạng hóa tư tưởng, quần chúng hóa sinh hoạt", một lòng một dạ phục vụ nhân dân, tích cực tham gia kháng chiến, kiến quốc. Đồng chí nêu rõ: Dưới khẩu hiệu "Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến", nền văn hóa của ta đã góp phần tích cực động viên nhân dân tham gia kháng chiến, ca ngợi những gương anh hùng, những con người mới trong chiến đấu và sản xuất, trong đấu tranh chống các hình thức nô dịch của kẻ thù dưới chiêu bài văn hóa...

    Trong Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, đồng chí Trường Chinh đã đề cập và lý giải nhiều vấn đề quan trọng, như mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, kinh tế, những đặc điểm chủ yếu của quá trình phát triển văn hóa Việt Nam xưa và nay... Đồng chí cho rằng "lập trường văn hóa cách mạng nhất trên thế giới và trong nước ta hiện nay là:

    Về xã hội, lấy giai cấp công nhân làm gốc.

    Về chính trị, lấy độc lập dân tộc, dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội làm gốc.

    Về tư tưởng, lấy học thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử làm gốc.

    Về sáng tác văn nghệ, lấy chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa làm gốc".

    Ngay từ trong tác phẩm viết từ năm 1948 này, đồng chí Trường Chinh đã bàn đến một trong những vấn đề mang tính nguyên tắc và cho đến ngày nay còn mang tính thời sự là mối quan hệ giữa văn nghệ và tuyên truyền. Đây là vấn đề rất nhạy cảm bao hàm mối quan hệ giữa văn nghệ với chính trị, giữa khái niệm tự do và tất yếu trong sáng tác, giữa nội dung và hình thức nghệ thuật, giữa phổ cập và nâng cao... Đồng chí cho rằng: Không thể nói "văn hóa hoàn toàn trung lập", ''tự do tuyệt đối", "đứng trên chính trị”. Đồng chí còn khẳng định: ''Bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào cũng có ít nhiều tính chất tuyên truyền''. Cho nên khi xã hội còn có áp bức, bóc lột, bất công, thì "những văn nghệ sĩ tự do nhất chính là những văn nghệ sĩ đem nghệ thuật của mình phục vụ cho một lý tưởng cách mạng để đánh đổ chế độ người bóc lột người..., để mau dựng lên một xã hội bảo đảm tự do thật sự cho văn học và nghệ thuật”.

    Về quan hệ giữa nghệ thuật và tuyên truyền, đồng chí Trường Chinh cho rằng: "Nghệ thuật và tuyên truyền không hoàn toàn khác nhau, nhưng cũng không hoàn toàn giống nhau", mà "Tuyên truyền cao tới mức nào đó thì tuyên truyền trở thành nghệ thuật. Nghệ thuật thiết thực tới một mức nào đó thì nghệ thuật có tính chất rõ rệt là tuyên truyền".

(còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com