Trường Chinh - Người anh cả trong làng báo (Kỳ 3)

05:09, 21/09/2017

[links()]

Hà Đăng

(Tiếp theo)

    Đồng bào và đồng chí thời đó. Lại những biến đổi mới của Sơn La sau bao năm giải phóng. Những nông trường, lâm trường và trạm trại. Những hợp tác xã nông nghiệp và cơ sở sản xuất công nghiệp. Cả nạn phá rừng và nguy cơ cạn kiệt tài nguyên. Người tù năm xưa của đế quốc sẽ nói gì đây với đồng bào Sơn La với cương vị là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước? Tôi cố ghi chép lại những gì mà đồng chí nói, theo dõi từng cử chỉ, nét mặt và hình dung nội tâm. Đêm Sơn La, tôi ở bên cạnh phòng đồng chí. Trước khi đi ngủ, đồng chí đã sang phòng chúng tôi chuyện trò về những kỷ niệm, dặn dò mấy công việc cho ngày mai. Tất cả những gì đã ghi chép được tôi đều phản ánh trong bài phóng sự đăng trên báo Nhân Dân vào dịp tết năm đó, một bài phóng sự mà đồng chí cho là viết có tình. Duy có hai chuyện mà tôi không nhắc tới, hai chuyện tuy rất nhỏ nhưng lại nói lên cái đức lớn của đồng chí.

    Chuyện thứ nhất xảy ra ở Mộc Châu. Biết đồng chí Chủ tịch nước về thăm tỉnh nhà, các đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Nó, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Cầm Ngoan và một số cán bộ chủ chốt khác đã đến tận địa đầu tỉnh đón. Đường xấu, xe chạy chậm. Mãi đến chiều tà, đồng chí Trường Chinh mới đến được Nông trường Mộc Châu. Đây là điểm dừng chân đầu tiên. Sáng hôm sau, đồng chí có chương trình thăm nông trường nuôi bò và trồng chè, xưởng chế biến sữa... Tối hôm ấy, trong bữa cơm thân thiết đãi, Chủ tịch Cầm Ngoan rót rượu chúc mừng. Ông khoe rằng đây là loại rượu thơm ngon do đồng bào địa phương nấu lấy mà ta vẫn gọi là rượu "quốc lủi". Mọi người ngơ ngác khi thấy đồng chí Trường Chinh vẫn đứng dậy nhưng tần ngần không chạm tay vào cốc. Tôi đứng gần, dậm nhẹ chân đồng chí Cầm Ngoan và rỉ tai: "Anh Năm là người ký Pháp lệnh cấm nấu rượu lậu!". Chủ tịch tỉnh phản ứng nhanh, liền gọi nhà bếp lấy ra mấy chai Lúa mới. Lúc bấy giờ đồng chí Trường Chinh mới nâng cốc. Bữa cơm tối hôm ấy thật thân tình. Giá chuyện mời rượu này xảy ra ở miền xuôi, ắt cán bộ phụ trách sẽ bị phê bình nghiêm khắc. Nhưng ở đây, vừa thấu hiểu vừa rất quý trọng các cán bộ người dân tộc, đồng chí Trường Chinh vẫn coi như đã không có chuyện gì xảy ra. Dẫu sao, mọi người dự bữa cơm hôm ấy đều có cùng nhận xét: Chủ tịch nước rất mẫu mực tôn trọng pháp luật, dù trong chi tiết nhỏ nhất!

    Chuyện thứ hai có liên quan đến việc sửa bài. Trong phóng sự tường thuật của mình về chuyến đi, để nói lên cái lớn lao của một lãnh tụ, tôi chú ý lối miêu tả bằng sự việc và cảm xúc nội tâm chứ không dùng những lời tán dương. Vậy mà khi sửa bài, đồng chí Trường Chinh còn gạt bỏ đi một số chi tiết hoặc từ ngữ mà theo đồng chí, có thể làm cho người đọc hiểu lầm là có sự đề cao cá nhân mình. Tôi viết: "Con đường đưa đồng chí Trường Chinh đến Sơn La lần này chính là con đường mà 51 năm trước đây - năm 1932 - các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn và hơn 200 tù chính trị khác đã đi khi bị đế quốc Pháp đày lên Sơn La". Trong bản sửa, đồng chí Trường Chinh đã cẩn thận dùng bút mực đỏ ngoặc chữ Lê Duẩn lên trước chữ Trường Chinh. Hồi đó, đồng chí Lê Duẩn đang là Tổng Bí thư. Trong các văn bản chính thức, thứ tự các nhà lãnh đạo đều xếp Tổng Bí thư lên trên. Dẫu trong bài phóng sự tường thuật này, Trường Chinh là nhân vật chủ yếu nhưng đồng chí vẫn không cho phép nhà báo đảo lộn thứ tự ấy. Một cách xử sự rất đàng hoàng lại đầy tính nguyên tắc!

    Làm gì, nói gì, viết gì, đồng chí Trường Chinh đều rất chú ý đến tính chân thực, sự chuẩn xác, tính giáo dục và thuyết phục. Đồng chí không bao giờ dùng quyền uy để buộc người ta chấp nhận một sự thật lịch sử nào đó. Có lẽ đây là lý do chủ yếu nhất để đồng chí từ chối viết hồi ký. Còn nhớ năm 1960, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập Đảng, để góp phần giáo dục truyền thống và lịch sử Đảng ta, báo Nhân Dân có sáng kiến mời một số nhà cách mạng lão thành viết hồi ký. Đã lần lượt xuất hiện trên báo Đảng nhiều bài hồi ký rất hay, rất xúc động được đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhiệt liệt hoan nghênh. Các bài "Hồi ức của đồng chí Sao Đỏ" của Nguyễn Lương Bằng và "Nhân dân ta rất anh hùng" của Hoàng Quốc Việt đã phản ánh một cách tuyệt vời cuộc đấu tranh anh hùng của các chiến sĩ cách mạng và đồng bào ta trong thời kỳ đầu thành lập Đảng cũng như thời kỳ Đảng hoạt động giành chính quyền. Ban biên tập báo Nhân Dân tha thiết mời đồng chí Trường Chinh viết hồi ký bởi đồng chí vừa là tác nhân, vừa là chứng nhân của nhiều sự kiện lịch sử suốt 30 năm qua. Thể theo yêu cầu của báo Đảng, đồng chí đã đến cơ quan báo ở số 71 Hàng Trống, nói chuyện suốt cả buổi về thời kỳ hoạt động đó. Nhưng đồng chí không đồng ý ghi lại thành bài viết và đăng lên báo. Lý do: Hồi ký là phản ánh những ghi nhớ của cá nhân. Mình nhớ về mình thì dễ, nhớ về người khác thì không dễ. Trong những cái nhớ ấy, có thể nhiều cái đúng nhưng cũng có cái sai. Đánh giá một sự kiện, một nhân vật là khó lắm. Tôi làm Tổng Bí thư của Đảng trong nhiều năm. Nếu viết hồi ký thì những điều tôi nói, đồng bào và cán bộ sẽ cho là của Tổng Bí thư, tức là của Đảng, tất cả đều đúng. Vì vậy, tôi không muốn người ta hiểu lịch sử Đảng qua cá nhân mình ...

    Những lý lẽ ấy của đồng chí Trường Chinh đã phần nào thuyết phục các đồng chí lãnh đạo báo Nhân Dân. Dẫu sao, chúng tôi vẫn thấy nếu các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng đều không chịu nói về mình, tức là nói về một phần lịch sử của Đảng, của cách mạng, thì đó sẽ là một thiệt thòi lớn cho lớp sau. Với đồng chí Trường Chinh, sự kiên trì của báo Đảng gần như được đáp ứng hơn một phần tư thế kỷ sau kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập Đảng ấy. Cuối năm 1986, tại Đại hội lần thứ VI của Đảng, đồng chí Trường Chinh, cùng với các đồng chí Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương. Đầu năm 1987, trên cương vị mới, đồng chí Trường Chinh, thể theo nguyện vọng chung, đồng ý sẽ làm một hồi ức. Một nhóm cán bộ có phẩm chất chính trị và tay nghề cao đã được cử giúp đồng chí. Nhưng rồi một tổn thất lớn đã đến với Đảng ta. Sau buổi làm việc lần thứ hai với nhóm cán bộ nói trên, đồng chí Trường Chinh đã bị một rủi ro bất ngờ và từ giã chúng ta.

    Chúng ta sẽ không bao giờ được đọc tập hồi ức của đồng chí./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com