Tư tưởng quân sự của đồng chí Trường Chinh trong kháng chiến chống Pháp (Kỳ 1)

06:08, 29/08/2017

[links()]

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo

    Với cương vị Tổng Bí thư, dưới sự lãnh đạo và quán triệt thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh là trung tâm trong Bộ Chính trị, cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống Pháp. Quan điểm của đồng chí về đường lối kháng chiến là chiến tranh nhân dân chính nghĩa, toàn dân, toàn diện, về tính chất của cuộc chiến tranh, đồng chí nói: "Cuộc kháng chiến của ta là một cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân, chiến tranh tự vệ của dân tộc, là chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh tiến bộ".

    Về phương châm chiến lược đồng chí đề xuất: "Đánh lâu dài, đó là bí quyết của sự thắng lợi".

    Vì sao đánh lâu dài? Đồng chí giải thích: "Vừa đánh vừa giữ gìn thực lực, bồi dưỡng lực lượng, huấn luyện quân và dân... chuyển yếu thành mạnh; đồng thời gắng làm sao địch tiêu hao, mỏi mệt, chán nản, đến nỗi thế địch mạnh chuyển thành yếu...".

    Đồng chí còn đi sâu hơn nữa trong chỉ đạo chiến tranh, đi vào chỉ đạo nghệ thuật quân sự. Về phương châm chiến lược, đồng chí đề ra đánh lâu dài. Nhưng về phương châm tác chiến thì đồng chí lại đề ra là giải quyết mau trong từng trận, trên cơ sở của tư tưởng tích cực tiến công. Đó là một cách nhìn nhận biện chứng; thấy hai mặt đối lập của sự vật, thấy mâu thuẫn của sự vật; nhưng biết cách giải quyết mâu thuẫn thì sự vật mới vận động phát triển và tiến lên được. Đồng chí nói: "Ta bị đánh. Địch mạnh hơn ta. Nếu ta chỉ thủ thế, bị đánh đâu đỡ đó thì càng đánh càng suy nhược, càng đánh càng thua. Cho nên trong các chiến dịch và chiến đấu, phải tìm chỗ yếu của địch mà đánh, phải tích cực tiến công để tiêu diệt địch. Đã tiến công, phải đánh mau giải quyết mau (Chiến lược đánh lâu, nhưng chiến dịch và chiến thuật giải quyết mau)".

    Cuộc kháng chiến đã vận động, phát triển đúng như thế, và ta đã giành được thắng lợi.

    Về phép đánh - phương pháp tác chiến, đồng chí đề ra cách đánh phổ biến là du kích chiến và vận động chiến. So sánh về tương quan lực lượng giữa ta và địch, đồng chí đề ra cách đánh đó là phù hợp, nhưng căn cứ vào các giai đoạn chiến tranh, vào so sánh tương quan lực lượng, so sánh về tài thao lược và yêu cầu chiến lược của giai đoạn mới, đồng chí cũng đề ra là đến giai đoạn cuối của chiến tranh, trận địa chiến sẽ xuất hiện. Đó là quan điểm biện chứng trong chỉ đạo chiến tranh. Đó là một điều quan trọng trong phương pháp luận chỉ đạo chiến tranh. Đồng chí nói: Nói chung du kích chiến phải là lối đánh phổ biến nhất của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến lâu dài này. Dần dần chiến tranh phát triển, bộ đội ta đánh thạo hơn, ta có nhiều vũ khí tinh xảo hơn, thì vận động chiến được áp dụng nhiều hơn và đến bước tổng phản công, trận địa chiến sẽ chiếm ưu thế.

    Đồng thời, đồng chí cũng phê phán một số nơi vận dụng trận địa chiến ở giai đoạn đầu của chiến tranh là không đúng. Vấn đề này chứng tỏ đồng chí có tiến hành đấu tranh giữa cái đúng và cái sai để khẳng định cái đúng, bảo vệ cái đúng, đưa nghệ thuật chỉ đạo tác chiến đi vào đúng quỹ đạo, đúng quy luật.

    Đồng chí còn đưa ra một cách sáng tạo về hình thái chiến tranh để chỉ đạo cách đánh cho sát hợp. Do nhận thức được hình thái vận động của sự vật, nên chỉ đạo sự vật đi đúng đường hướng, cách thức của nó. Do đó ta mới có thể ít đánh nhiều, nhỏ đánh lớn theo cách đánh du kích vận động chiến để giành thắng lợi.

    Đồng chí chỉ rõ hình thái của cuộc chiến tranh chống Pháp như sau:

    Chiến tranh cài răng lược,
    Chiến tranh lộn ẩu,
    Chiến tranh không mặt trận,
    Chiến tranh bao vây,
    Chiến tranh tiêu thổ.

    Quân ta đánh theo hình thái chiến tranh này thì địch dù cơ động mạnh cũng phải phân tán, bị chia cắt và ta mới có thể thắng được địch.

    Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, vì ta có chiến tranh nhân dân phát triển cao, ta vận dụng cách đánh phù hợp với hình thái chiến tranh này, nên cũng đã giành được thắng lợi.

    Có chiến tranh nhân dân mới tạo ra được hình thái chiến tranh này. Việc đề ra hình thái cài răng lược là một sáng tạo của đồng chí Trường Chinh trong chỉ đạo chiến tranh.

 (còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com