Tập trung lãnh đạo đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong những năm đầu thế kỷ XXI (2001-2005) - Kỳ 15

05:06, 20/06/2017

[links()]

(Tiếp theo)

    Quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, lấy phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng đảng là nhiệm vụ then chốt và để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và công tác xây dựng đảng, ngày 28-1-2002, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình số 08-CTr/TU về một số vấn đề trọng tâm trong công tác xây dựng đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân nhiệm kỳ 2001-2005. Chương trình đề ra và xác định phương hướng chung là: Tăng cường và đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh. Nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Thực hiện quy hoạch và tiêu chuẩn hoá đội ngũ cán bộ. Tăng cường công tác kiểm tra; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh. Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, đẩy mạnh phong trào cách mạng của nhân dân, phấn đấu thực hiện thắng lợi những mục tiêu kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự an toàn xã hội do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Chương trình cũng đặt ra những chỉ tiêu chủ yếu trong giai đoạn 2001-2005 để Đảng bộ phấn đấu.

Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XVI, tháng 2-2001.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XVI, tháng 2-2001.

    Căn cứ vào phương hướng, nội dung, chỉ tiêu phấn đấu và các nhiệm vụ trọng tâm của chương trình, Tỉnh ủy yêu cầu các Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban tổ chức chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh xây dựng thành 5 đề án cụ thể và giúp Tỉnh ủy chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cấp ủy đảng triển khai tổ chức thực hiện đến các tổ chức cơ sở đảng trong toàn tỉnh.

    Công tác xây dựng đảng được chú trọng trên cả ba mặt, chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trước những diễn biến mới về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong nước, khu vực và quốc tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tăng cường chỉ đạo nắm bắt dư luận xã hội, định hướng thông tin tuyên truyền, tạo sự thống nhất về tư tưởng, nhận thức trong cán bộ, đảng viên và góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời thông qua các phong trào thi đua, các hoạt động chào mừng các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn: ngày thành lập Đảng, Quốc khánh mồng 2 tháng 9, ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, giải phóng thành phố Nam Định, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam... và từ những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội, đã tạo sự cổ vũ, động viên to lớn đối với nhân dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

    Triển khai đề án của Tỉnh ủy và Quy định số 54-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương về chế độ học tập lý luận, chính trị trong Đảng, Trường Chính trị Trường Chinh của tỉnh và các trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố được đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất. Cán bộ, giảng viên đã phát huy năng lực, tổ chức tốt các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước cho trên 138.000 lượt cán bộ, đảng viên, tăng hơn 2 lần so với thời kỳ 1996-2000. Trong đó, Trường Chính trị Trường Chinh của tỉnh đã mở 72 lớp với 8.635 lượt học viên, phục vụ và quản lý 7 lớp cử nhân với 660 học viên. Đến năm 2005, toàn Đảng bộ có 67,42% đảng viên có trình độ sơ cấp lý luận; 20,8% có trình độ trung cấp và 9,35% có trình độ cử nhân, cao cấp chính trị. Thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 28-8-2002 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 22-4-2003, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 14-CT/TU, chỉ đạo các cấp ủy đảng thực hiện có kết quả việc sưu tầm, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ các cấp. Đến năm 2005 đã có 13/16 đảng bộ trực thuộc tỉnh 152/229 xã, phường, thị trấn triển khai biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ. Việc triển khai đưa lịch sử đảng bộ các cấp vào giảng dạy ở Trường Chính trị Trường Chinh, các trung tâm giáo dục chính trị huyện, thành phố và các trường phổ thông bước đầu đạt kết quả.

    Công tác cán bộ được xác định là khâu then chốt trong toàn bộ công tác xây dựng đảng. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 và Nghị quyết Trung ương 7 (khoá VIII) về công tác tổ chức và cán bộ, ngày 22-11-2001, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 124-QĐ/TU về việc ban hành quy chế bổ nhiệm cán bộ và ngày 20-8-2002 ban hành Quyết định số 183-QĐ/TU về việc ban hành quy chế bổ nhiệm lại cán bộ. Thực hiện quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện theo quy trình, quy chế, từng bước đem lại hiệu quả rõ rệt. Từ khâu đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đến bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ được thực hiện nền nếp và chặt chẽ. Công tác quy hoạch cán bộ được xây dựng đồng bộ ở ba cấp tỉnh thành phố, huyện và cơ sở. Qua đó tạo nguồn, sớm phát hiện và đào tạo cán bộ trẻ có triển vọng, trưởng thành từ hoạt động thực tiễn, có đủ phẩm chất năng lực, với số lượng cơ cấu hợp lý cho nhu cầu trước mắt và lâu dài. Từ công tác quy hoạch cán bộ, Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng đối với từng loại hình cán bộ phù hợp với tình hình địa phương, đơn vị. Các cấp ủy đảng có kế hoạch lựa chọn, cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, quản lý kinh tế, quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương. Trên cơ sở quy hoạch, từ năm 2001-2005, Đảng bộ đã bổ sung, kiện toàn hàng trăm cán bộ lãnh đạo các cấp. Trong công tác tổ chức và cán bộ, Tỉnh ủy còn chú trọng chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở xã, phường, thị trấn, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở nói chung và cán bộ nguồn cơ sở nói riêng có đủ năng lực tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trước hết, đội ngũ này phải là những người công tâm, thạo việc, tận tuỵ với dân, biết dựa vào dân và phát huy sức dân. Mặt khác, Tỉnh ủy cũng không ngừng chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng, giải quyết hợp lý và đồng bộ chính sách đối với cán bộ cơ sở.

 (còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com