Tập trung lãnh đạo đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong những năm đầu thế kỷ XXI (2001-2005) - Kỳ 14

05:06, 15/06/2017

[links()]

(Tiếp theo)

    Đi đôi với việc đẩy mạnh các mặt công tác tôn giáo, ngày 10-3-2004, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra Chỉ thị số 24-CT/TU về việc tổng kết Chỉ thị số 11/BNV và tiếp tục đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng Công giáo. Việc triển khai Chỉ thị số 11/BNV của Bộ Nội vụ và Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được thực hiện nghiêm túc và thu được nhiều kết quả. Công tác vận động quần chúng đã được đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp, tạo ra những chuyển biến rõ rệt về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các chức sắc, tín đồ và nhân dân vùng đồng bào có đạo. Trong quá trình thực hiện, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đã nắm tâm tư, nguyện vọng của quần chúng có đạo, tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động bình thường, đúng pháp luật, phát hiện và giải quyết kịp thời những nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của nhân dân; coi trọng việc tranh thủ hàng ngũ chức sắc tôn giáo, khai thác những điểm tương đồng giữa tôn giáo với xã hội, đề cao các chuẩn mực đạo đức, truyền thống quê hương phù hợp với luật pháp, quy định của địa phương, đưa hoạt động tôn giáo gắn kết với hoạt động xã hội; cải thiện mối quan hệ giữa tôn giáo với chính quyền, tạo không khí cởi mở, dân chủ, đoàn kết giữa đồng bào có đạo và không có đạo, giữa tôn giáo và cộng đồng dân cư, phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đồng thời tỉnh cũng chỉ đạo chăm lo xây dựng lực lượng cốt cán, xây dựng cơ sở chính trị vùng Công giáo vững mạnh, nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với tôn giáo, tăng cường lực lượng công an, dân quân tự vệ, dự bị động viên và các tổ chức quần chúng tham gia giữ gìn an ninh Tổ quốc làm nòng cốt, đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Kết quả là đã tạo ra phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng Công giáo phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, xuất hiện nhiều cách làm hay, kinh nghiệm tốt, với những mô hình sáng tạo, không những có thể áp dụng ở vùng đồng bào Công giáo mà còn có thể áp dụng cho các vùng có đồng bào theo các tôn giáo khác. Qua đó giữ vững trật tự an toàn xã hội ở từng địa bàn, tạo được niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, củng cố khối đoàn kết dân tộc, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tháng 11-2004, tỉnh tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 11/BNV của Bộ Nội vụ, rút ra nhiều kinh nghiệm hay, mô hình thiết thực để tiếp tục chỉ đạo trong thời gian tiếp theo. Hội nghị đã vinh dự được đón đồng chí Phan Diễn, ủy viên Bộ Chính trị Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Lê Hồng Anh, ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an về dự và có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo hội nghị. Đồng chí Phan Diễn đã biểu dương thành tích vận động quần chúng vùng Công giáo của tỉnh Nam Định, coi đó là một trong những điển hình của cả nước, đồng thời đồng chí cũng nhắc nhở địa phương phải chủ động làm tốt hơn nữa công tác vận động quần chúng trong tình hình mới.

    Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh tuyến biển, triển khai thực hiện Luật biên giới quốc gia, Nghị định của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới, thực hiện nghiêm túc các quy định khu vực biên phòng và bảo vệ vùng biển, bờ biển và Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ, Hiệp định nghề cá, Tỉnh ủy chỉ đạo lực lượng công an, biên phòng và các ngành trong khối nội chính tích cực vận động quần chúng tham gia bảo vệ biên giới vùng biển, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, giữ vững an ninh, trật tự trên vùng biển và khu vực biên phòng... Từ năm 2002 đến năm 2005, lực lượng chức năng đã xử lý 4 tàu nước ngoài xâm nhập chủ quyền, đánh bắt hải sản trái phép, đã mật phục tuần tra mép nước 5.019 lượt, tuần tra trên biển 16 lượt; kiểm tra 12.794 lượng phương tiện, phát hiện, xử lý 103 vụ vi phạm. Hằng năm tỉnh đều triển khai các phương án phòng chống bão lụt tìm kiếm, cứu nạn trên biển; đã tổ chức cứu nạn 3 vụ, cứu sống 17 người an toàn. Hoạt động toàn diện và tích cực nói trên góp phần tiếp tục giữ vững an ninh, trật tự tuyến biên phòng, tuyến biển, phục vụ có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế biển của tỉnh.

    Thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh chú trọng việc lựa chọn, bổ sung, nâng cao chất lượng cán bộ các ngành tư pháp, toà án, viện kiểm sát, nhất là lựa chọn những cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực để bổ nhiệm chức vụ kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân. Nhờ vậy, chất lượng hoạt động trong các khâu điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án có nhiều chuyển biến tiến bộ. Sự phối hợp giữa các ngành công an, kiểm sát, toà án được tăng cường và phát huy hiệu quả. Thực hiện chủ trương cải cách hoạt động tư pháp, Công an tỉnh thành lập lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp; tổ chức ra quân thực hiện Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004; bố trí sắp xếp lại các cơ quan điều tra Công an nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

    Tuy nhiên, trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh cũng còn bộc lộ những hạn chế, thiếu sót. Việc quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức về xây dựng khu vực phòng thủ chưa được thường xuyên, sâu rộng; tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức phòng chống “diễn biên hoà bình”, “bạo loạn lật đổ” của một bộ phận cán bộ, đảng viên và một bộ phận nhân dân còn chủ quan, xem nhẹ. Trong triển khai thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, một số ban, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức, còn có quan điểm kinh tế đơn thuần, nhất là trong quá trình hội nhập và thực hiện cơ chế thị trường. Việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và quốc phòng, an ninh ở một số cơ sở còn có mặt hạn chế, nhiều cơ quan hành chính và doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng lực lượng tự vệ, lực lượng bảo vệ. Chất lượng hoạt động và khả năng xử lý tình huống phức tạp của dân quân tự vệ, bảo vệ cơ quan, công an xã, thị trấn ở một số địa phương còn lúng túng.

 (còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com