Tập trung lãnh đạo đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong những năm đầu thế kỷ XXI (2001-2005) - Kỳ 11

05:06, 06/06/2017

[links()]

(Tiếp theo)

    Những năm đầu thế kỷ XXI, tình hình chính trị thế giới, khu vực tiếp tục có những biến động phức tạp mới. Thời cơ, thách thức và thuận lợi, khó khăn đan xen, tác động trực tiếp đến công tác quốc phòng, an ninh. Các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hoà bình bằng nhiều phương thức, thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt kết hợp trong nước và bên ngoài nhằm tạo cớ can thiệp lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Cuộc đấu tranh giữ vững an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong quá trình hội nhập phát triển tiếp tục diễn ra gay gắt. An ninh nông thôn, an ninh tôn giáo còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn định. Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết 08 của Ban Chấp hành Trung ương (khoá IX) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và triển khai thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra, từ năm 2001 đến năm 2005, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra 5 nghị quyết chuyên đề về công tác quân sự quốc phòng địa phương. Các nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều tập trung chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường và ngày càng hiện đại; phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới, đồng thời chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể tập trung lãnh đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ:

Lực lượng DQTV huyện Xuân Trường huấn luyện nâng cao khả năng SSCĐ.
Lực lượng DQTV huấn luyện nâng cao khả năng SSCĐ.

    Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, làm cho mọi người nhận rõ âm mưu, thủ đoạn mới của chiến lược “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ, răn đe chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch. Thường xuyên đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái, luận điểm tuyên truyền xuyên tạc của kẻ thù, khắc phục những nhận thức lệch lạc, buông lỏng nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

    Tiếp tục xây dựng tỉnh, các huyện, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc, thực sự là nền tảng của thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân.

    Tập trung cao chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang địa phương.

    Phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành, hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyển quân hàng năm, đảm bảo số lượng, chất lượng, đúng luật.

    Tiếp tục giải quyết những tồn đọng về chế độ, chính sách sau các cuộc chiến tranh, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Đẩy mạnh phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nước, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng...

    Triển khai thực hiện các nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác giáo dục quốc phòng được tiến hành sâu rộng đến các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh; trong đó đặc biệt tập trung quán triệt các quan điểm, đường lối quân sự của Đảng, làm rõ bản chất phản động, hiếu chiến và những thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Từ năm 2001 đến 2005, tỉnh đã tổ chức cho 6.080 cán bộ lãnh đạo quản lý học tập chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng.

    Khu vực phòng thủ tỉnh, các huyện, thành phố tiếp tục được củng cố cả về thế trận và tiềm lực. Tỉnh đã lập quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp với kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đến cuối năm 2004, tỉnh đã đầu tư 290,46 tỷ đồng xây dựng một số công trình trọng điểm, trong đó đầu tư 186,2 tỷ đồng cho xây dựng công trình quốc phòng kết hợp với kinh tế gồm: phà Sa Cao - Thái Hạc, cảng Thịnh Long, lấn biển cồn Xanh (Nghĩa Hưng), làm cầu phao Ninh Cường, nâng cấp đường 56; đầu tư 104,26 tỷ đồng cho các công trình quốc phòng: cụm điểm tựa cồn Lu, cụm chiến đấu Trực Ninh, các cụm kho, các trận địa chiến đấu phòng không 12,7 mm và 37 mm của dân quân tự vệ; bảo dưỡng, nguỵ trang các công trình chiến đấu. Việc đầu tư xây dựng các công trình quốc phòng kết hợp với kinh tế đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần bố trí khu dân cư gắn với tổ chức xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ; kết hợp giữa lao động sản xuất với thường trực sẵn sàng chiến đấu, tuần tra kiểm soát, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của tỉnh.

    Lực lượng thường trực quân sự, công an, biên phòng được Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh coi trọng xây dựng, vững về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu cao; gắn xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng không ngừng được nâng cao. Lực lượng thường trực quân sự, công an, biên phòng thực sự là nòng cốt cùng Đảng bộ và nhân dân trong việc đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của kẻ thù, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; thực hiện phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, xây dựng nếp sống chính quy, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh.

    Thực hiện pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên, ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh xây dựng phương án sắp xếp các đơn vị dự bị động viên theo phương châm “gần gọn địa bàn, quân đâu cán đó”. 100% cơ sở xã, phường, thị trấn và 94,6% cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có lực lượng dân quân tự vệ đã làm tốt công tác đăng ký, quản lý, sắp xếp biên chế đủ và có dự phòng cho các đơn vị của tỉnh, Quân khu và Bộ Quốc phòng. Năm 2005, tỉnh bàn giao 1.000 quân dự bị cho các đơn vị của bộ, huấn luyện theo quy định. Lực lượng dự bị động viên và dân quân, tự vệ còn là nòng cốt, tham gia tích cực công tác phòng chống bão lụt ở khu dân cư và trên các địa bàn trọng điểm.

    Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp phát huy vai trò chức năng, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo hoàn thành tốt công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ. Từ năm 2001 đến 2005, tỉnh đã bàn giao 19.270  thanh niên cho các lực lượng vũ trang, đạt 100% chỉ tiêu đảm bảo dân chủ, công khai, công bằng, đúng luật.

 (còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com