Tập trung lãnh đạo đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong những năm đầu thế kỷ XXI (2001-2005) - Kỳ 10

05:06, 01/06/2017

[links()]

(Tiếp theo)

    Trên lĩnh vực văn hoá, thông tin, báo chí, các cấp chính quyền đã chú trọng chăm lo đội ngũ cán bộ chuyên trách văn hoá, có cơ chế hoạt động và đầu tư ngân sách nhằm tạo điều kiện tăng cường cơ sở vật chất cho sự nghiệp văn hoá, đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với việc thực hiện “Quy chế dân chủ ở cơ sở”, được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình, hưởng ứng, tạo nên nguồn động lực to lớn thực hiện xã hội hoá về văn hoá, tăng cường thiết chế văn hoá ngay từ cộng đồng dân cư. Đến năm 2005, toàn tỉnh có 270 làng (thôn, xóm, miền dân cư) (chiếm 9,1% tổng số thôn, làng) đạt tiêu chuẩn văn hoá cấp tỉnh; 500 làng (chiếm 17%) đạt tiêu chuẩn văn hoá cấp huyện; trên 2.000 cơ quan, trường học, doanh nghiệp và 267.000 hộ dân (chiếm 55,6% tổng số hộ dân trong tỉnh) đạt tiêu chuẩn nếp sống văn hoá.

    Các cơ quan báo chí tuyên truyền của Đảng bộ không ngừng được chăm lo đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, tập trung nâng cao chất lượng, nội dung và hình thức tuyên truyền, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhu cầu thông tin toàn diện, kịp thời của các tầng lớp nhân dân; phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trên địa bàn tỉnh có nhiều cơ quan báo chí tuyên truyền như: Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Tạp chí Văn nhân, Tạp chí Văn hoá, Phân xã Thông tấn xã Việt Nam, Thường trú Báo Nhân dân, Trung tâm truyền hình cáp Nam Định và hệ thống đài phát thanh - truyền hình cấp huyện, thành phố và cơ sở với 235 đài. Từ tháng 1-2001, thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Báo Nam Định tăng số phát hành lên 3 kỳ trong một tuần. Báo đã coi trọng thông tin định hướng, thông tin chuyên đề, chuyên mục, phục vụ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc cụ thể hoá các nghị quyết của Đảng, các chính sách của Nhà nước; đồng thời phát hiện, biểu dương kịp thời những nhân tố mới, điển hình tiên tiến; phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, nhất là những vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách, những vấn đề văn hoá - xã hội, an ninh trật tự... Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Nam Định đã đổi mới kỹ thuật, cải tiến nội dung, bước đầu nâng cao chất lượng các chương trình; thực hiện phát sóng hằng ngày các chương trình phát thanh - truyền hình địa phương phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin và giải trí của nhân dân. Tháng 1-2003, được Bộ Văn hoá - Thông tin cấp giấy phép hoạt động chính thức, Trung tâm Truyền hình cáp Nam Định đã đưa số kênh truyền hình lên 16 kênh với thời lượng phát sóng 24/24 giờ. Hoạt động báo chí, tuyên truyền đã thực hiện tốt định hướng lãnh đạo của cấp ủy các cấp và những quy định của pháp luật, hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền được nâng cao một bước.

    Lĩnh vực văn học - nghệ thuật có nhiều khởi sắc. Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh đã thu hút 242 hội viên với 7 bộ môn nghệ thuật. Anh chị em văn nghệ sĩ đều tin tưởng vào đường lối văn nghệ của Đảng, nhiệt tình trong lao động sáng tạo nghệ thuật. Từ năm 2001 đến năm 2005, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh có 91 công trình sáng tác được công bố, hơn 100 tranh, tượng được giới thiệu với công chúng.

    Các đoàn nghệ thuật đã dàn dựng được 20 vở diễn dài, hàng chục vở diễn ngắn phục vụ nhân dân. Nhiều công trình, tác phẩm, vở diễn có chất lượng với nội dung và giá trị nghệ thuật cao, được trao tặng 29 giải thưởng quốc gia và khu vực, 13 giải quốc tế; có 18 giải khu vực đồng bằng Bắc Bộ về âm nhạc, nhiếp ảnh. Tỉnh đã trao giải thưởng văn học - nghệ thuật mang tên Trạng nguyên Lương Thế Vinh cho 46 văn nghệ sĩ.

    Công tác thể dục, thể thao được quan tâm, cơ sở vật chất được tăng cường. Tỉnh đã chú trọng đầu tư cho các cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác thể dục, thể thao như sân vận động, khu luyện tập, đồng thời đề nghị Trung ương đầu tư cho tỉnh xây dựng và cải tạo cơ sở vật chất để tham gia tổ chức thành công Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 22; tạo cho Nam Định có cơ sở hạ tầng tốt, góp phần đưa Nam Định trở thành tỉnh có phong trào thể dục, thể thao mạnh trong toàn quốc.

    Thực hiện chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước về đại đoàn kết dân tộc và tôn giáo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) và Nghị quyết Trung ương 7 (khoá IX), các địa phương đã tạo điều kiện bảo đảm cho các tôn giáo hoạt động bình thường. Nhiều lễ hội của các tôn giáo như lễ Phật đản, lễ Giáng sinh... trở thành sinh hoạt văn hoá của cộng đồng dân cư. Nhiều lễ hội ở tỉnh và các địa phương đã huy động hàng trăm nhạc công, nhạc cụ của các nhà thờ Công giáo đến biểu diễn phục vụ nhân dân. Nhiều cơ sở thờ tự tôn giáo được tu sửa, nâng cấp. Ủy ban nhân dân tỉnh đã cấp giấy phép xây dựng Trường trung cấp Phật học gần chùa Tháp, công nhận nhà thờ xứ Quần Liêu là di tích văn hoá, một công trình có giá trị nghệ thuật kiến trúc trong kho tàng văn hoá dân tộc nói chung và Nam Định nói riêng. Thực hiện tốt phương châm “Đạo pháp - dân tộc – chủ nghĩa xã hội” và “Sống phúc âm trong lòng dân tộc”, đồng bào các tôn giáo đã tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội và tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Qua phấn đấu, xây dựng, có hàng trăm xứ họ đạo đạt tiêu chuẩn “Xứ họ tiên tiến”, hàng trăm ngôi chùa đạt tiêu chuẩn “Tinh tiến”, hàng vạn gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình Công giáo gương mẫu”... Kết quả đó góp phần vào sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; ngăn chặn các hoạt động của kẻ thù lợi dụng tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.

 (còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com