Tập trung lãnh đạo đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong những năm đầu thế kỷ XXI (2001-2005) - Kỳ 9

06:05, 30/05/2017

[links()]

(Tiếp theo)

    Ngành giáo dục đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ theo tinh thần Kết luận của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) và Nghị quyết 40 của Quốc hội khoá XI về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Ngành tiếp tục giữ vững phong trào “Dạy tốt, học tốt”, nhiều năm liền là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quốc về giáo dục - đào tạo. Quy mô giáo dục phát triển, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên. Số học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế và đỗ vào các trường đại học luôn chiếm vị trí cao trong cả nước. Cơ sở vật chất tiếp tục được đầu tư, số trường cao tầng tăng ở tất cả các bậc học. Phong trào xã hội hoá giáo dục được mở rộng và đạt kết quả khá. Toàn tỉnh có 351 trường học (chiếm 43,2%) đạt chuẩn quốc gia, 100% xã, phường, thị trấn đã xây dựng được trung tâm giáo dục cộng đồng. Tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học giai đoạn II và trung học cơ sở. Quy mô đào tạo đại học và trung học dạy nghề phát triển.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong trong một hoạt động ngoài giờ.
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong trong một hoạt động ngoài giờ.

    Tại thành phố Nam Định, Trường đại học Lương Thế Vinh và Trường đại học Điều dưỡng Nam Định được thành lập, đi vào hoạt động, bước đầu đạt kết quả tốt. Trường cao đẳng Sư phạm kỹ thuật Nam Định được Bộ Giáo dục - Đào tạo nâng cấp thành Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định. Trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật công nghiệp đã lập dự án đề nghị được nâng cấp thành Trường đại học kinh tế - kỹ thuật Nam Định.

    Hoạt động khoa học, công nghệ đã bám sát các chương trình công tác trọng tâm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để triển khai thực hiện các đề tài, dự án khoa học, công nghệ đạt hiệu quả thiết thực, góp phần đáng kể vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cung cấp các luận cứ cho công tác lập quy hoạch phát triển các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, thuỷ sản...; đồng thời tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ cả về cơ sở vật chất và đào tạo nhân lực; thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lưòng chất lượng sản phẩm hàng hoá, thực hiện chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, các làng nghề truyền thống đăng ký và xác lập quyền sở hữu trí tuệ; phát triển thông tin khoa học công nghệ, xây dựng trung tâm công nghệ thông tin của tỉnh, xuất bản sách Địa chí Nam Định, phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu và xúc tiến đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

    Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được tăng cường. Các chương trình, mục tiêu y tế được thực hiện có kết quả. Dịch vụ y tế mở rộng, đa dạng, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên. Công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ cho nhân dân được tăng cường. Một số bệnh dịch nguy hiểm như viêm phổi do vi rút, sốt xuất huyết, dịch SARS, dịch cúm H5N1 được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, ngày 28-7-2005, Tỉnh ủy ra Nghị quyết số 08-NQ/TU về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, thực hiện chính sách dân số - gia đình và trẻ em trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, lĩnh vực y tế ngày càng được quan tâm, đầu tư có hiệu quả hơn. Các ngành chức năng tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc sản xuất, cung ứng thuốc chữa bệnh có nhiều cố gắng, từng bước đáp ứng nhu cầu của nhân dân về phòng chống các dịch bệnh. Các cơ sở khám, chữa bệnh được đầu tư xây dựng, nâng cấp và mua sắm mới nhiều thiết bị kỹ thuật. Việc khám chữa bệnh, kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền được mở rộng và đạt hiệu quả cao. Các chương trình quốc gia về y tế cộng đồng đều phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu. Mạng lưới y tế cơ sở thường xuyên được củng cố, đến năm 2005 đã có 161/210 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế (chiếm 76,6% tổng số xã), trong đó huyện Nghĩa Hưng đạt 100% số xã trong huyện.

    Công tác dân số, gia đình và trẻ em đạt kết quả khá, giảm tỷ suất sinh bình quân mỗi năm 0,3-0,4%, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 1,1% năm 2000 giảm xuống còn 0,9% năm 2005; trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm từ 30% năm 2000 xuống còn 22% năm 2005; tuổi thọ bình quân của người dân được nâng lên từ 68,7 tuổi năm 2000 lên 71 tuổi năm 2005. Năm 2005, tỉnh tổ chức cấp thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho 100% số trẻ em dưới 6 tuổi.

    Giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo là mục tiêu quan trọng đặt ra cho cấp ủy, chính quyền địa phương Trong các năm 2001-2005, mỗi năm có trên 40.000 lao động được giải quyết việc làm (tương ứng với 33.000 – 34.000 lao động có việc làm mới). Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm từ 6,11% xuống còn 5,58%; tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn tăng từ 74,19% lên 76,23%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,57% xuống còn 10,28%.

    Quán triệt các quan điểm và nội dung Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Kết luận Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương (khoá IX), từ năm 2001 đến năm 2005, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chỉ thị, thông tri, kế hoạch chỉ đạo về công tác văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, báo chí, phát thanh truyền hình, thể dục thể thao, lịch sử Đảng... Trên cơ sở đó, cấp ủy đảng và chính quyền các cấp đã cụ thể hoá thành các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, sát với thực tế của địa phương và đơn vị.

 (còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com