Thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá (1997-2000) - Kỳ 4

05:03, 21/03/2017

[links()]

(Tiếp theo)

    Những năm cuối thế kỷ XX, các thế lực phản động, thù địch ngày càng tăng cường chống phá nước ta. Quán triệt sâu sắc hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp, kết hợp giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự hưởng ứng tham gia tích cực của các đoàn thể và nhân dân, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc được đẩy mạnh với các hình thức phù hợp, có nhiều điển hình tốt, phát huy sức mạnh toàn dân trong phòng ngừa và đấu tranh phòng chống tội phạm.

    Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, của Chính phủ về nhiệm vụ "phòng chống diễn biến hoà bình - bạo loạn lật đổ", các cấp ủy đảng, chính quyền và lực lượng vũ trang trong tỉnh thường xuyên quán triệt sâu sắc, nắm chắc tình hình, nhiệm vụ, có kế hoạch tổ chức thực hiện sát thực, phù hợp. Các ngành chức năng đã phối hợp mở nhiều đợt tấn công trấn áp tội phạm kinh tế, hình sự, tệ nạn xã hội, bắt các đối tượng bị truy nã, trốn thi hành án, giải quyết có hiệu quả, đúng pháp luật nhiều vụ án, tạo ra sự chuyển biến tích cực về trật tự xã hội ở các địa bàn trọng điểm. Các lực lượng vũ trang: quân sự, công an, bộ đội biên phòng phối hợp chặt chẽ, bảo vệ nội bộ tốt và thường xuyên làm trong sạch địa bàn, nhất là địa bàn trọng điểm. Hằng năm, tỉnh xây dựng kế hoạch, tổ chức tập luyện, diễn tập hiệp đồng theo các phương án, quy mô, cấp độ phù hợp. Thông qua tập luyện, diễn tập đã góp phần nâng cao nhận thức về tình hình nhiệm vụ, về bản lĩnh chính trị, trình độ chỉ huy hiệp đồng chiến đấu và ý chí chiến đấu của lực lượng vũ trang địa phương.

    Đồng thời với việc tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh đã được Tỉnh ủy chú trọng chỉ đạo các cấp ủy đảng triển khai thực hiện. Để sớm kiện toàn bộ máy tổ chức cán bộ, Tỉnh ủy đã ra Quyết định bổ nhiệm lại đội ngũ cán bộ các sở, ban, ngành và huyện, thành phố; đồng thời ban hành Quy định số 46-QĐ/TU về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và phương thức hoạt động của đảng đoàn, các tổ chức, cơ quan cấp tỉnh.

    Là tỉnh có đông đồng bào theo đạo Thiên Chúa, ý thức được vị trí, ý nghĩa quan trọng của công tác quản lý nhà nước về tôn giáo và vận động, tập hợp các tín đồ tôn giáo tham gia các phong trào đoàn thể quần chúng, các phong trào cách mạng ở địa phương, nhất là trong tình hình các thế lực thù địch ra sức lợi dụng vấn đề tôn giáo, sắc tộc, nhằm gây mất ổn định chính trị, đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ..., tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp để giải quyết vấn đề này. Thực hiện Thông báo số 07-TB/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VII) về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo chuẩn bị tốt kế hoạch, nội dung, khảo sát, đánh giá đúng thực trạng tình hình tôn giáo của tỉnh để trên cơ sở đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác này. Đến cuối tháng 4-1997, toàn tỉnh hoàn thành nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị và Nghị định số 69/NĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Qua tổng kết, Tỉnh ủy có thêm căn cứ để lãnh đạo, chỉ đạo những vấn đề trọng tâm đối với công tác tôn giáo ở địa phương.

    Tháng 11-1997, bão số 5 đổ bộ vào nước ta, gây thiệt hại nặng về người và tài sản đối với nhân dân ở nhiều tỉnh ven biển Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Với tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, tỉnh đã phát động phong trào giúp đỡ đồng bào bị nạn, quyên góp tiền và hàng ủng hộ nhân dân vùng bị bão với tổng trị giá 1,3 tỷ đồng.

    Để kịp thời nắm bắt tình hình thực tế địa phương phục vụ cho công tác lãnh đạo, điều hành và thiết thực quan tâm, động viên Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, ngày 19-7-1997, đồng chí Nguyễn Văn An, ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng đã về thăm một số đơn vị và làm việc với tập thể cán bộ chủ chốt của tỉnh. Cuối tháng 12-1997, Phó Thủ tướng Chính phủ Ngô Xuân Lộc đã về thăm, kiểm tra việc xây dựng Đề án điều chỉnh quy hoạch và xây dựng thành phố Nam Định thành thành phố công nghiệp, dịch vụ, là trung tâm công nghiệp dệt và cơ khí dệt.

    Năm 1997, tổng sản phẩm GDP của tỉnh tăng 9,9% so với năm 1996. Sản xuất nông nghiệp đạt đỉnh cao mới về năng suất và sản lượng. Giá trị nông, lâm, ngư nghiệp tăng 7,2% so với năm 1996. Tổng sản lượng lương thực đạt 95 vạn tấn (kế hoạch là 90 vạn tấn). Lĩnh vực đầu tư xây dựng thực hiện khối lượng lớn, hoàn thành nhiều công trình. Xuất khẩu có bước chuyển tích cực, giá trị thực hiện 23,6 triệu USD (kế hoạch là 17 triệu USD). Sự nghiệp văn hóa, xã hội đạt thành tích mới. Đời sống nhân dân ổn định, giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Nhiệm vụ chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh và một số huyện, thành phố đã hoàn thành nhanh gọn. Bộ máy tổ chức và cán bộ được kịp thời sắp xếp kiện toàn. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X, bầu bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và một số huyện đã tiến hành thắng lợi. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tổ chức xã hội trong tỉnh đã duy trì nền nếp sinh hoạt, đổi mới phương thức hoạt động. Nhiều phong trào thi đua được phát động trong các hội, đoàn thể, đóng góp tích cực vào thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đặc biệt là phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, ủng hộ đồng bào khó khăn trong vùng bão lũ miền Trung và các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

    Những kết quả thu được sau một năm tái lập tỉnh là sự thể hiện ý chí quyết tâm cao của Tỉnh ủy, của các cấp các ngành, của toàn thể nhân dân trong tỉnh; đồng thời là tiền đề quan trọng củng cố niềm tin của toàn Đảng bộ và nhân dân hướng tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, để đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển cao hơn, toàn diện hơn trong thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa.

    Tuy nhiên, trong thời gian này, bên cạnh những kết quả đạt được, do tác động mặt trái của cơ chế thị trường một số cán bộ, đảng viên có biểu hiện sa sút về phẩm chất đạo đức, thiếu minh bạch về kinh tế, mâu thuẫn nội bộ, nên tình hình an ninh nông thôn đã nảy sinh những vấn đề phức tạp mới, nội bộ mất đoàn kết, mâu thuẫn tranh chấp khiếu kiện đã xảy ra ở nhiều địa phương, một số nơi trở thành "điểm nóng".

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com