Hành Thiện - "Địa linh" sinh "nhân kiệt"

02:01, 31/01/2017

Làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) là địa danh nổi tiếng cả nước về truyền thống hiếu học và cách mạng. Tính đến khoa thi Nho học cuối cùng (1919), Hành Thiện đã có 352 người từ đỗ tú tài đến tiến sĩ. Thời  Pháp thuộc, Hành Thiện lại có thêm 51 người đỗ tú tài và cử nhân. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, thời kỳ hiện đại, Hành Thiện đã có gần 200 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ… và là quê hương của đồng chí Trường Chinh - nhà lãnh đạo kiệt xuất, ba lần làm Tổng Bí thư của Đảng. Vùng đất “địa linh” này chính là cái nôi đào tạo ra nhiều “nhân kiệt” cho đất nước. Bởi sự học nơi đây gắn liền với lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc.

Làng “cổ tích”

“Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện”. Làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) từ lâu đã nổi tiếng là vùng quê “địa linh, nhân kiệt”. Chuyện kể rằng: Vào thời Lý, có một khu đất bãi ven sông Hồng thuộc làng Hộ Xá, phủ Hải Thanh rất thanh bình, thơ mộng, nơi đó trồng nhiều hoa và kim quất. Sang thời Trần, đất ấy được các vua Trần lui tới và đặt làm Hành cung trang. Đến thế kỷ XV nạn hồng thủy đã cuốn Hành cung trang và làng Hộ Xá xuống sông. Dân làng phải đi tìm nơi lập nghiệp. Nơi ấy chính là làng Hành Thiện ngày nay. Để nhớ ơn tổ tiên xưa, dân làng đặt tên là làng Hành Cung (1588), sau được đổi thành làng Hành Thiện (1823). Đất Hành Thiện có hình thái khá độc đáo, giống hình con cá chép, phía tây bụng cá (lối trước), phía đông sống cá (lối sau), sông nhỏ, sông lớn chảy quanh như hình con cá đang vẫy vùng trong dòng nước. Làng Hành Thiện hiện vẫn còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử văn hóa và hàng trăm ngôi nhà cổ có giá trị mỹ thuật và lịch sử, cùng nhiều miếu thờ, văn chỉ, võ chỉ đã được khôi phục lại, trong đó nổi tiếng nhất là chùa Keo Hành Thiện. Đây là nơi dân làng thờ Thiền sư Không Lộ là Quốc sư nhà Lý, người có công lập làng Hành Thiện xưa. Chùa Keo Hành Thiện từ lâu đã nổi tiếng bởi cảnh quan đẹp, kiến trúc cổ kính. Phía trước tam quan chùa có hồ bán nguyệt và hòn non bộ theo thế tam sơn, long chầu hổ phục; trên bờ có đôi voi đá khổng lồ, quanh chùa là hàng cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Chùa có quy mô bề thế với 13 tòa nhà rộng và 121 gian của các dãy nhà dài, tạo thành những cụm kiến trúc hài hòa, cân đối. Tại đây còn giữ được nhiều mảng chạm khắc mang đậm phong cách thời Hậu Lê và nhiều cổ vật, cổ thư có giá trị như sập thờ, tượng Đại Pháp Thiền sư Không Lộ bằng đồng, chuông, khánh đồng, bia ký, hoành phi, câu đối và các sắc phong của nhiều triều đại. Chùa Keo Hành Thiện đã được xếp vào danh sách cổ tự theo nghị định của toàn quyền Đông Dương và được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa năm 1962 theo Quyết định của Bộ Văn hóa (nay là Bộ VH, TT và DL). Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán và các ngày từ 13 đến 15 tháng 9 âm lịch, lễ hội Chùa Keo Hành Thiện được tổ chức long trọng với nhiều hình thức vui chơi bổ ích như bơi chải, thi đánh cờ, thi nấu cơm, thi ném pháo… Cùng với chùa Keo Hành Thiện, chùa Đĩnh Lan (thường gọi chùa ngoài) đã tồn tại hơn 2 thế kỷ. Sau nhiều lần trùng tu tôn tạo, ngôi chùa này vẫn còn gìn giữ được phong cách kiến trúc thời Hậu Lê cùng với nhiều di sản văn hoá vật thể, phi vật thể. Tiếp đến là Khu lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh, thuộc xóm 7, làng Hành Thiện là di tích lịch sử gắn liền với thân thế, sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng của một nhà lãnh đạo kiệt xuất, 3 lần làm Tổng Bí thư của Đảng.

Học sinh Trường Tiểu học A Xuân Hồng (Xuân Trường) nghe giới thiệu về truyền thống khoa bảng, yêu nước của gia đình đồng chí Trường Chinh.
Học sinh Trường Tiểu học A Xuân Hồng (Xuân Trường) nghe giới thiệu về truyền thống khoa bảng, yêu nước của gia đình đồng chí Trường Chinh.

Là vùng đất giàu “trầm tích” văn hóa, Hành Thiện cũng là làng Nho học nổi tiếng cả nước về truyền thống học hành và sự đỗ đạt. Làng Hành Thiện có nhiều người đỗ đạt cao, trước hết vì là vùng quê có truyền thống hiếu học lâu đời. Tính đến khoa thi Nho học cuối cùng (1919), Hành Thiện đã có 352 người từ đỗ tú tài đến tiến sĩ. Thời Pháp thuộc, Hành Thiện có 51 người đỗ tú tài và cử nhân. Tinh thần “tôn sư trọng đạo” thời kỳ nào cũng được người dân Hành Thiện coi trọng. Việc khuyến học được làng Hành Thiện chăm lo bằng các hình thức như học điền, xây văn chỉ, tổ chức văn hội, lập quỹ, miễn sưu sai tạp dịch cho học trò, khắc tên người đỗ đạt vào bia đá trước văn chỉ. Ngay từ xưa, làng Hành Thiện đã nổi tiếng không chỉ bởi có nhiều thư viện tư nhân lớn do các nhà nho tổ chức để phục vụ việc nghiên cứu, học tập của cả thầy và trò, như thư viện của các cụ Đặng Xuân Bảng, Nguyễn Ngọc Liên, Nguyễn Ngọc Quỳnh, Đặng Đức Địch… mà nơi đây còn nổi tiếng bởi ý thức đào tạo các thế hệ con cháu kế tục. Học giỏi và yêu nước, người làng Hành Thiện nếu đỗ đạt làm quan thì dốc sức vì dân, nếu không làm quan thì làm nghề dạy học, chữa bệnh cứu người. Do vậy Hành Thiện có đội ngũ nhà giáo rất đông đảo, thời phong kiến có tới 30 người từng làm quan giáo dục, trong làng có trên 20 trường học tư do chính các thầy tại làng tổ chức, giảng dạy, thu hút hàng vạn học trò trong và ngoài tỉnh, trong đó nổi bật là trường của Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng có trên 1.000 học trò, 200 người đã đỗ từ tú tài đến tiến sĩ. Từ xưa Hành Thiện có quy ước, các vị tân khoa đỗ cao nhất làng sẽ được giữ chức Tiên chỉ tư văn làng. Hằng năm, hội tư văn mở các cuộc bình giảng thơ văn, luận đàm chính sự để luyện tập thi cử cho các sĩ tử. Hành Thiện ngày nay vẫn giữ được nhiều nét đẹp truyền thống. Đó là mỗi khi có người đỗ đạt, làng thường tổ chức lễ khen thưởng trang trọng, tuyên dương thành tích học tập. Điều này đã động viên, khích lệ tinh thần học tập của các thế hệ “nho sinh” trong làng.

“Sự học” ở Hành Thiện còn gắn liền với truyền thống yêu nước, cách mạng. Qua các thời kỳ, những trí thức làng Hành Thiện đều hăng say hoạt động xã hội. Miếu Văn Xương của làng Hành Thiện xưa không chỉ là nơi bình thơ, học chữ mà còn là nơi để các nhà nho yêu nước truyền bá những tư tưởng tiến bộ. Chính tại nơi đây, đã có nhiều trí thức sớm được giác ngộ cách mạng, tham gia các phong trào văn thân yêu nước, Cần Vương, Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục, Việt Nam Quang phục Hội… Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc làng Hành Thiện đã có 970 con em tòng quân cứu nước, 140 dân công hỏa tuyến và 70 thanh niên xung phong, gần 200 liệt sĩ…

“Địa linh” sinh “nhân kiệt”

 “Địa linh” sinh “nhân kiệt” (!) Mảnh đất hình con cá chép này đã gắn bó trường tồn với lịch sử quê hương, đất nước, cộng với tố chất của người dân cần mẫn, thông minh, ham học hỏi. Chính vì vậy, đây chính là “cái nôi” sinh dưỡng nhiều nhân tài cho đất nước, quê hương. Đó là những trí thức yêu nước, có tư tưởng tiến bộ như cụ Đặng Xuân Bảng, ông nội của Tổng Bí thư Trường Chinh, đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1856), khi làm quan luôn bênh vực dân nghèo, giữ mình liêm khiết. Thân phụ của đồng chí Trường Chinh là cụ Đặng Xuân Viện - một nhà nho uyên bác, một nhà khảo cứu giỏi trên nhiều lĩnh vực. Tiến sĩ, tri phủ Nguyễn Ngọc Liên “bất bái toàn quyền Đông Dương” có con trai là người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Thế Rục; nhà cách mạng Đặng Xuân Thiều… Trong những giai đoạn tiếp theo, làng Hành Thiện là nơi đào tạo cho đất nước những người con ưu tú, nắm giữ những cương vị chủ chốt trong quân đội và các cơ quan Trung ương như các vị tướng: Đặng Quốc Bảo, Đặng Kinh, Đặng Quân Thụy và Nguyễn Sỹ Quốc; 2 Anh hùng quân đội là Phạm Gia Triệu và Nguyễn Đăng Kính; Anh hùng Lao động - Giáo sư Đặng Vũ Khiêu; nhiều Bộ trưởng và tương đương hàm Bộ trưởng như các đồng chí: Đặng Vũ Chư, Đặng Hồi Xuân…

Đặc biệt, hội tụ đỉnh cao truyền thống văn hiến và cách mạng của làng Hành Thiện là Tổng Bí thư Trường Chinh - Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng. Đồng chí Trường Chinh (tên thật là Đặng Xuân Khu) sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước và hiếu học, lớn lên trong một môi trường quê hương văn hóa và cách mạng đầy sôi động. Trước khi lên Thành phố Nam Định học trung học, đồng chí sống ở quê hương Hành Thiện, thường xuyên tiếp xúc với các bậc đàn anh tham gia phong trào Đông Du, nghe những bài bình văn yêu nước của các sĩ phu ủng hộ phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục tại miếu Văn Xương, sớm chứng kiến thế hệ cha anh kế tiếp nhau đứng dậy cứu nước trong các phong trào Cần Vương, Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục... nhiều người bị bắt bớ, giam cầm, đã hy sinh, nhiều người không chịu làm tay sai cho Pháp, bỏ quan về làng dạy học... Vì thế, khi lên Thành phố Nam Định học trung học, đồng chí Trường Chinh đã sớm đi theo và cống hiến trọn đời cho cách mạng. Đó là vào năm 1925, khi còn là học sinh trung học, đồng chí đã tích cực tham gia các phong trào yêu nước. Năm 1927, đồng chí gia nhập tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Từ một người yêu nước nhiệt thành, đồng chí đã trở thành đảng viên cộng sản, thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1935, sau khi thoát khỏi nhà tù đế quốc, trên cương vị Ủy viên xứ ủy Bắc Kỳ phụ trách công tác tuyên truyền, đồng chí đã đem hết tài trí truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đường lối của Đảng, góp phần vào thành công của cuộc vận động dân chủ trong những năm 1936-1939 do Đảng ta lãnh đạo. Phẩm chất cách mạng, tài năng, trí tuệ của đồng chí Trường Chinh được thể hiện rõ nhất trong những thời kỳ đấu tranh cách mạng gay go và phức tạp, nhất là ở những bước ngoặt lịch sử quan trọng đòi hỏi có sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược. Tháng 5-1941, thời điểm vô cùng khó khăn của cách mạng nước ta, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đã cùng Trung ương Đảng trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của BCH Trung ương Đảng, củng cố, khôi phục phong trào cách mạng, phát triển lực lượng chính trị, xây dựng và mở rộng Mặt trận Việt Minh, xây dựng các chiến khu, thành lập khu giải phóng… tập trung vào nhiệm vụ hàng đầu đánh đổ ách thống trị của thực dân Pháp, phát xít Nhật, giải phóng dân tộc. Đêm 9-3-1945, ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, với tầm nhìn chiến lược, tư duy khoa học nhạy bén, đồng chí đã triệu tập và chủ trì cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng, ra Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, làm dấy lên trong cả nước cao trào “kháng Nhật cứu nước”, kịp thời nắm bắt, chớp thời cơ tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công giành lại độc lập cho dân tộc. Năm 1951, tại Đại hội lần thứ II của Đảng, đồng chí Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư đến tháng 10-1956. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Trường Chinh tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng vào việc xây dựng đường lối cách mạng, lãnh đạo, tổ chức, động viên nhân dân tập trung nguồn lực xây dựng hậu phương miền Bắc, chuẩn bị quyết sách chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 14-7-1986, tại Hội nghị đặc biệt BCH Trung ương Đảng, đồng chí lại được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Với cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đã cùng với toàn Đảng, toàn dân đặt nền móng cho sự nghiệp đổi mới đất nước từ Đại hội VI của Đảng (1986), đưa đất nước vượt qua khủng hoảng, giữ vững chế độ XHCN…

Đi trong hương sắc mùa xuân Hành Thiện, tôi thấy tràn ngập niềm tự hào. Chính truyền thống quê hương, gia đình, dòng họ là cái nôi nuôi dưỡng, tạo nên nhân cách, bản lĩnh của đồng chí Trường Chinh - một lãnh tụ cách mạng tài đức, có nhiều đóng góp cho sự thành công của đất nước trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng CNXH. Phát huy truyền thống cách mạng, văn hiến của quê hương, thế hệ trẻ làng Hành Thiện hôm nay đang kế tục xứng đáng truyền thống của các bậc tiền bối, đưa Hành Thiện vươn lên trở thành một làng quê có trình độ phát triển cao trong xu thế vận động của quê hương, đất nước./.

Bài và ảnh:  Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com