Tiếp tục thực hiện đổi mới toàn diện kinh tế - xã hội (1991-1996) - Kỳ 14

09:12, 01/12/2016

[links()]

(Tiếp theo)

        Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng đảng thời gian này vẫn còn một số hạn chế: Vai trò lãnh đạo của một số cấp ủy vẫn chưa ngang tầm với nhiệm vụ, nhất là tổ chức đảng ở các cơ quan hành chính sự nghiệp và trong các doanh nghiệp. Công tác tổ chức, cán bộ còn bộc lộ sự chắp vá, bị động, chưa quan tâm đến việc tạo nguồn nên có sự hẫng hụt trong đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt. Do ý thức tổ chức kỷ luật kém, năng lực yếu, một số nơi nội bộ tổ chức mất đoàn kết, hiệu quả công tác thấp. Công tác kiểm tra chưa thường xuyên bám sát và phục vụ nhiệm vụ chính trị. Thực tế đặt ra vấn đề là Đảng bộ phải đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng các quyết định, đổi mới lề lối làm việc, đề cao kỷ luật, kỷ cương, chống tư tương cục bộ, bản vị... đề nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng.

    Dưới sự lãnh đạo thường xuyên của Đảng bộ, hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp có chuyển biến tích cực theo hướng phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm của người đại biểu nhân dân. Hội đồng nhân dân bước đầu thực hiện vai trò là cơ quan quyền lực ở địa phương, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết của hội đồng và ủy ban nhân dân trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đồng thời giữ mối quan hệ với Thường trực uỷ ban nhân dân và uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh theo quy chế và luật định, tạo nên sự thống nhất trong lãnh đạo, góp phần nâng cao hiệu lực của hội đồng nhân dân. Uỷ ban nhân dân các cấp có nhiều cố gắng trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương, từng bước đổi mới trong điều hành, quản lý nhà nước bằng pháp luật và sự lãnh đạo của cấp ủy. Trên cơ sở củng cố hệ thống chính quyền các cấp, tỉnh triển khai thực hiện cải cách một bước nền hành chính theo nội dung Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trước hết tập trung cải cách thủ tục hành chính; điều chỉnh tổ chức và các mối quan hệ trong bộ máy hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức và cán bộ cơ sở. Sau quá trình triển khai thực hiện cải cách hành chính đạt được kết quả ban đầu, các sở, ban, ngành trực thuộc uỷ ban nhân dân đã có tiến bộ trong việc cải tiến lề lối làm việc, tăng cường vai trò quản lý nhà nước, thực hiện chức năng do Nhà nước quy định. Ngành thanh tra, các cơ quan pháp luật có nhiều cố gắng trong việc phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương, phối hợp trong cuộc đấu tranh chống tội phạm, tiêu cực, tham nhũng, góp phần khắc phục dần tình trạng buông lỏng quản lý kinh tế, tài chính, bước đầu lập lại trật tự kỷ cương trong một số lĩnh vực và ngành kinh tế trọng điểm, củng cố lòng tin của cán bộ và nhân dân trong tỉnh.

    Nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác dân vận, Đảng bộ luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo Mặt trận và các đoàn thể nhân dân kiện toàn tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động, thực hiện đổi mới công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân. Trong năm 1992, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra chỉ thị, thông tri về việc tổ chức đại hội đoàn thể các cấp (Hội Nông dân, Công đoàn, Hội Phụ nữ, Hội Chữ Thập đỏ...); chỉ đạo đợt sinh hoạt chính trị toàn dân tham gia góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp; sơ kết Nghị quyết 8B của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI); về việc lực lượng vũ trang tham gia công tác dân vận trong tình hình mới. Ngày 16-8-1994, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra thông báo thành lập hệ thống ban dân vận các huyện, thành trong tỉnh. Nhiều cấp ủy đã tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình quần chúng, phân công cấp ủy, đảng viên phụ trách quần chúng và công tác vận động quần chúng, định hướng cho mặt trận và các đoàn thể đổi mới nội dung, phương thức hoạt động trên cơ sở bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.

    Việc đổi mới công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân có sự chuyển biến rõ rệt trong các cấp, các ngành và được tiến hành gắn với việc triển khai thực hiện nhiệm vụ đổi mới, chỉnh đốn đảng, góp phần giữ vững ổn định chính trị. Đại bộ phận nhân dân yên tâm, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ đã chọn.

    Thực hiện sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Mặt trận và các đoàn thể đã phát động nhiều phong trào thiết thực như: giúp nhau trong sản xuất kinh doanh, xoá đói giảm nghèo, chăm sóc, giúp đỡ gia đình có công với cách mạng, gia đình thuộc diện chính sách xã hội. Cuộc vận động thực hiện kế hoạch hoá gia đình, xây dựng gia đình văn hoá mới, giữ gìn an ninh trật tự "thôn xóm bình yên, gia đình hạnh phúc", “tự quản về an ninh trật tự” trong cơ quan, xí nghiệp; cuộc vận động "toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư", "ủng hộ nhân dân Cuba anh em", "ủng hộ đồng bào vùng bị bão lụt nặng", “vì phụ nữ nghèo”; “vì sự tiến bộ của phụ nữ”; câu lạc bộ “tiền hôn nhân”, “gia đình trẻ”... đã thu hút, tập hợp được đông đảo đoàn viên, hội viên tham gia và đáp ứng được lợi ích của nhân dân. Đội ngũ cán bộ mặt trận, các đoàn thể được tăng cường. Việc bồi dưỡng, tập huấn cán bộ mặt trận, các đoàn thể được các cấp ủy đảng chú trọng hơn, gắn công tác xây dựng đảng với việc củng cố mặt trận và các đoàn thể, tổ chức tốt các phong trào hành động của quần chúng, mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân gắn bó hơn.

 (Còn nữa)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com