Nam Thắng viết tiếp truyền thống anh hùng

09:08, 31/08/2016

Trong không khí của những ngày Tháng Tám lịch sử, chúng tôi về xã Nam Thắng (Nam Trực), nơi ghi dấu công lao bao thế hệ người dân yêu nước, bề dày truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng đi theo Đảng, cùng “chung lưng đấu cật” bám đất, giữ làng, cần cù trong lao động sản xuất, kiên cường bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, góp phần thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay vùng quê Nam Thắng mang trên mình diện mạo, sức sống mới. Những con đường “ổ gà” trước kia giờ đã được bê tông hóa khang trang sạch đẹp. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát bên những con đường mới.

Những năm tháng hào hùng

Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân xã Nam Thắng đã cùng nhau đoàn kết, tích cực tham gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục nạn đói và lũ lụt, ổn định cuộc sống. Trong lúc nhân dân cả nước đang tập trung sức lực bảo vệ nền độc lập, bảo vệ chính quyền non trẻ thì thực dân Pháp đã phản bội Hiệp ước sơ bộ ngày 8-3 và ngày 4-9-1946 (Tạm ước), chúng lại xâm chiếm nước ta lần 2. Trước tình hình đó, nhân dân Nam Thắng tuyệt đối tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sức tích cực chuẩn bị kháng chiến. Hàng trăm thanh niên trong xã tham gia cùng các thanh niên địa phương khác đánh phá đồn bốt địch ở Thành phố Nam Định, đào hào, đắp ụ pháo, xây dựng tổ tác chiến, vận chuyển rơm rạ phục vụ hỏa công tại Thành phố Nam Định. Tại xã, lực lượng du kích tham gia hướng dẫn sơ tán dân cư tránh phi pháo của địch, thiếu niên làm giao thông liên lạc quân báo, thực hiện toàn dân, toàn diện kháng chiến. Hưởng ứng mạnh mẽ phong trào “tuần lễ vàng”, “quỹ độc lập”; “hũ gạo kháng chiến”, “mùa đông binh sĩ”. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Nam Thắng đã đánh 20 trận, tiêu diệt 176 tên lính và tề dõng, ác ôn; kết hợp với lực lượng du kích các xã Tân Xá (Điền Xá ngày nay), Việt Hùng (xã Tân Thịnh ngày nay) và lực lượng chủ lực tiêu diệt 58 tên lính, bắt sống 293 tên lính. Tiêu diệt 3 đồn bốt địch và 1 tổng dõng, thu hồi trên 140 khẩu súng các loại, 53 quả mìn và lựu đạn; tiêu diệt 15 xe ô tô và xe lội nước, đốt cháy 1 tàu chiến địch trên sông Hồng. Nhân dân và lực lượng vũ trang xã Nam Thắng đã kiên cường anh dũng vượt qua muôn ngàn khó khăn, gian khổ bám đất, bám làng để xây dựng phong trào và chiến đấu chống địch chiếm đóng; diệt tề, trừ gian, phá tan các âm mưu thâm độc của kẻ địch. Tiêu biểu là các trận đánh tiêu diệt bốt An Thuần; trận đánh chống càn ngày 5-1-1952; trận phục kích tàu chiến địch ngày 13-10-1952; trận phối hợp cùng xã Tân Thịnh phục kích xe ở cầu Vòi ngày 10-3-1953 và trận đánh phối hợp với du kích Điền Xá, Tân Thịnh ngày 2-5-1954. Toàn xã đã có 150 người tình nguyện tham gia bộ đội; 244 người tham gia du kích, 60 người tham gia dân công hỏa tuyến. Có 52 liệt sĩ chống Pháp, 16 thương binh, 2 bệnh binh, 2 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đóng góp 6.200 tấn lương thực; 20 chỉ vàng, 10 vạn tiền Đông Dương cho cách mạng… góp sức cùng với quân dân cả nước đánh bại thực dân Pháp xâm lược, giải phóng quê hương, đất nước. Vì những đóng góp đặc biệt xuất sắc, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Nam Thắng đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba; 270 cá nhân được tặng Huân, Huy chương kháng chiến, 315 tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen của Chính phủ, 12 gia đình cơ sở cách mạng, 97 gia đình cơ sở kháng chiến được ghi công… Viết tiếp trang sử hào hùng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cùng với quân dân cả nước, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Nam Thắng đã đóng góp sức người, sức của với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”, đồng thời đẩy mạnh phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Thanh niên ba sẵn sàng’’. Đặc biệt, ngày 25-11-1972, lực lượng vũ trang xã Nam Thắng phối hợp với đơn vị chủ lực Quân khu 3 đã bắn rơi tại chỗ 1 chiếc máy bay F4 của không quân Mỹ góp phần làm thất bại hoàn toàn âm mưu phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.

Diện mạo nông thôn mới xã Nam Thắng.
Diện mạo nông thôn mới xã Nam Thắng.

Diện mạo mới trên vùng quê cách mạng

Đất nước hòa bình, thống nhất, Đảng bộ và nhân dân Nam Thắng lại “thắt lưng buộc bụng” phấn đấu đưa quê hương thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nam Thắng giành được thành quả mới, kinh tế - xã hội có chuyển biến vượt bậc. Đồng chí Đỗ Văn Lạc, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nam Thắng là xã thuần nông nên tập trung cao nhất cho lãnh đạo sản xuất nông nghiệp, coi đây là mặt trận hàng đầu. Trong xu thế phát triển chung của nông nghiệp tỉnh nhà, xã chú trọng chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa vào những giống lúa năng suất, chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng chống chịu sâu bệnh khá vào sản xuất, nhằm đẩy nhanh thời vụ, tăng năng suất lúa, hạn chế thiệt hại do dịch hại và điều kiện thời tiết bất thuận gây ra. Do vậy năng suất lúa cả năm của xã luôn đạt trên 120 tạ/ha. Bên cạnh đó, xã khuyến khích các hộ nông dân đưa các cây trồng mới như: cây cỏ ngọt, cây cỏ Nhật… vào trồng thay thế cho các cây trồng truyền thống sản xuất kém hiệu quả. Nổi bật là cây cỏ Nhật, hiện đang được các hộ nông dân trong xã mở rộng diện tích lên tới gần 60ha cho thu nhập 300 triệu đồng/ha/năm và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trên địa bàn. Khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng đất bãi, nhiều hộ nông dân đã chuyển đổi diện tích đất trồng dâu, trồng cây màu truyền thống kém hiệu quả sang trồng luân canh công thức: cây kê vụ xuân - đậu tương vụ hè thu - cây ngô vụ đông cho thu nhập bình quân trên 120 triệu đồng/ha/năm. Với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giá trị sản xuất trên mỗi ha đất canh tác của Nam Thắng hiện đạt 150 triệu đồng/năm, cao gấp 1,5 lần so với bình quân toàn tỉnh. Chăn nuôi nông hộ phát triển theo mô hình trang trại vừa và nhỏ theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Nuôi thủy sản tập trung vào các loại cá truyền thống: mè, trôi, trắm, chép… và phát triển các giống nuôi có giá trị kinh tế cao như: cá chuối, cá trê lai. Cùng với tập trung phát triển nông nghiệp, Nam Thắng coi trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Xã đẩy mạnh công tác dạy nghề cho nhân dân, khuyến khích các hình thức tổ hợp tác về may mặc, kinh doanh dịch vụ sản xuất nông nghiệp, nghề truyền thống. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, giải quyết việc làm cho lao động địa phương như: Cty CP Gạch ngói Nam Ninh, Cty CP Vật liệu xây dựng Châu Thành… Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM từ chỗ xuất phát điểm thấp chỉ đạt 9 tiêu chí qua rà soát ban đầu, đến nay Nam Thắng đã đạt 16 tiêu chí, hiện xã đang tập trung hoàn thành 3 tiêu chí về môi trường, trường học và cơ sở vật chất văn hóa để đạt cả 19 tiêu chí ngay trong năm 2016. Cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang, trạm y tế, trường tiểu học, trường THCS được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống giao thông xã, xóm 100% được nhựa hoá và bê tông hoá. Đời sống nhân dân trong xã được cải thiện, 100% số hộ dân có nhà mái bằng, nhà xây lợp ngói, được dùng điện, nước sạch. Thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm. Các cấp, các ngành luôn quan tâm chăm lo động viên các gia đình chính sách có công với cách mạng; thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội và các hoạt động tình nghĩa, giữ gìn và phát huy những thuần phong mỹ tục, xây dựng nếp sống văn hoá mới ở khu dân cư. Những ai xa quê lâu ngày trở lại đều nhận thấy rõ Nam Thắng lam lũ, nghèo đói xưa kia không còn nữa, thay vào đó là vùng quê vững bước trên đường đổi mới. An ninh trật tự được giữ vững, xóm làng yên vui. Người dân cần cù, chất phác, chịu thương chịu khó, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhiều năm liền, Đảng bộ Nam Thắng được công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh, chính quyền vững mạnh toàn diện, đoàn thể tiên tiến xuất sắc. Cuối năm 2014, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Nam Thắng vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống thực dân Pháp (1945-1954). Cụ Lâm Tử Mạnh (93 tuổi) một nhân chứng của những ngày đấu tranh cách mạng, cũng là một trong những đội viên tham gia cách mạng tại xã lúc bấy giờ bồi hồi nhớ lại: Trước Cách mạng Tháng Tám, cũng như người dân cả nước, người dân Nam Thắng vô cùng cơ cực, lầm than. Cách mạng Tháng Tám thành công, người dân đứng lên làm chủ cuộc sống của mình. Dưới ánh sáng của Đảng, quê hương nay có nhiều đổi thay, đời sống no ấm, người dân càng thêm tin tưởng vào công cuộc đổi mới.

Những ngày Tháng Tám và đầu tháng chín, mùa thu xanh thắm lại về với cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Thấm thoắt đã 71 năm đi qua. Nhớ về những ngày tháng hào hùng, người dân Nam Thắng càng tự hào, hạnh phúc trước những đổi thay lớn lao trên quê hương và vững tin hơn vào tương lai phát triển của đất nước, từ đó có thêm sức mạnh nội lực và quyết tâm phát huy truyền thống anh hùng, cách mạng, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com