Các di tích cách mạng ở Xuân Trường

09:08, 31/08/2016

Huyện Xuân Trường có 33 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, trong số đó, nhiều di tích là “địa chỉ đỏ” trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tiêu biểu như: Chùa Tự Lạc, Chùa Liêu Thượng, Chùa Viên Quang, Đình - chùa Lạc Quần, Đền Ngọc Tiên, Đền Xuân Hy…

Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đình Lạc Quần, xã Xuân Ninh.
Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đình Lạc Quần, xã Xuân Ninh.

Chùa Tự Lạc, xã Thọ Nghiệp được xây dựng từ năm 1843, là di tích gắn liền với sự kiện thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của 3 huyện phía nam tỉnh gồm: Xuân Trường, Giao Thủy và Hải Hậu. Năm 1927, tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội (VNTNCMĐCH) ở Tự Lạc được thành lập và lấy chùa Tự Lạc làm nơi sinh hoạt. Ngày 19-6-1929, tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở Nam Định, Tỉnh ủy lâm thời lúc đó do đồng chí Nguyễn Hới làm Bí thư Tỉnh ủy đã đề ra chủ trương thành lập các tổ chức cộng sản dựa trên tổ chức VNTNCMĐCH. Cũng thời điểm này, tổ chức VNTNCMĐCH tại Tự Lạc đã bám sát chủ trương của Tỉnh ủy và tuyển chọn hội viên chuyển sang tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng gồm 3 người là cụ Nguyễn Xuân Lâm, cụ Nguyễn Trường Thúy và cụ Phạm Ry (thành viên VNTNCMĐCH được kết nạp đầu năm 1929) do cụ Nguyễn Trường Thúy làm Bí thư. Ngày 3-2-1930, sau khi đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam, tại Tự Lạc, các đảng viên của Đông Dương Cộng sản Đảng được chuyển thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây, chùa Tự Lạc trở thành trung tâm hoạt động của Đảng trên địa bàn các huyện Xuân Trường, Giao Thủy và Hải Hậu. Các đồng chí: Đặng Xuân Thiều, Đặng Quốc Bảo, Đinh Thị Vân, Phan Đình Khải (tức Lê Đức Thọ)… thường xuyên tới chùa Tự Lạc để chỉ đạo phong trào cách mạng của địa phương. Tối 20-8-1945, tại chùa Tự Lạc, các đồng chí: Nguyễn Xuân Lâm, Nguyễn Xuân Kỷ (ở Tự Lạc), Bùi Gia Sơ, Trần Gia Lũy, Bùi Đắc Biên (ở Lạc Nghiệp), Phạm Cương (ở Hà Cát), Tô Quang Giáp (ở Hoành Nhị), Vũ Quý Huỳnh (ở Ngô Đồng), Đinh Thúc Dự (ở Đông An), Lê Thành (ở Hội Khê), Hoàng Thọ Tiễu (ở Xuân Bảng), Vũ Xứng, Vũ Đức Phương (ở Hoành Nha) đã họp bàn kế hoạch lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền ở hai huyện Xuân Trường, Giao Thủy. Suốt đêm 20-8-1945, tổ Việt Minh ở Tự Lạc và Lạc Nghiệp phân công nhau may cờ đỏ sao vàng, chuẩn bị vũ khí, huy động lực lượng quần chúng để ngày hôm sau đứng lên giành chính quyền. Ngày 21-8-1945, trước khi đoàn khởi nghĩa xuất phát đã tổ chức lễ thượng cờ tại sân chùa với 51 đồng chí, rồi chia thành hai mũi đi cướp chính quyền tại Xuân Trường và Lạc Quần, sau đó hợp quân xuống chiếm đồn địch tại huyện lỵ Giao Thủy. Chính quyền ở hai huyện đã hoàn toàn về tay nhân dân. Tại di tích chùa Liêu Thượng, xã Xuân Thành, ngày 3-3-1933, chi bộ Đông An (tiền thân của Đảng bộ xã Xuân Thành ngày nay) được thành lập, là một trong hai chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Xuân Trường với 4 đảng viên, gồm các đồng chí: Đinh Thúc Dự (Bí thư chi bộ), Phạm Đình Duy, Đinh Văn Trai, Đinh Văn Huyên. Ngay sau khi được thành lập, từ năm 1933 đến năm 1945, chi bộ đã lãnh đạo nhân dân trong xã đấu tranh chống đế quốc phong kiến, địa chủ cường hào với mục tiêu đem lại quyền lợi cho nhân dân. Tiêu biểu là các cuộc đấu tranh của nhân dân làng Hạ Miêu (năm 1934), nhân dân làng Đông An (năm 1940), nhân dân làng Văn Phú, nhân dân làng Liêu Thượng. Ở xã Xuân Ninh có 2 di tích tiêu biểu liên quan đến cách mạng gồm: Di tích Chùa Viên Quang và Đình, chùa Lạc Quần. Tại cả 2 di tích, trong thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương. Năm 1946, Chùa Viên Quang là cơ sở hoạt động, luyện tập của dân quân địa phương. Trong thời gian này, nhà sư Nguyễn Thanh Các, trụ trì Chùa Viên Quang đã cởi áo cà sa tham gia Vệ quốc quân chống thực dân Pháp. Những năm 1947 đến 1948, chùa Viên Quang là nơi Tỉnh bộ Việt Minh về tổ chức những cuộc mít tinh quần chúng; tiêu biểu như cuộc mít tinh của 3 huyện: Xuân Trường, Giao Thủy, Hải Hậu. Tại đình Lạc Quần, ngày 6-1-1946, nhân dân đã tập trung tham dự cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ tháng 10-1949, khi địch chuẩn bị tổ chức những trận càn ở Lạc Quần, du kích nhanh chóng kéo chuông chùa để báo động các lực lượng sẵn sàng vào vị trí chiến đấu. Từ năm 1965, đình Lạc Quần là nơi tích trữ thóc, làm trường học cho nhân dân địa phương. Di tích Đền Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng nằm ở vị trí biệt lập về phía tây làng. Năm 1945, Đền Ngọc Tiên là địa điểm để Mặt trận Việt Minh địa phương tổ chức nhiều cuộc họp, bàn kế hoạch cướp chính quyền. Cách mạng Tháng Tám thành công, Đền Ngọc Tiên là nơi tổ chức mít tinh chào mừng thắng lợi và sự ra đời của chính quyền cách mạng dân chủ. Năm 1949, thực dân Pháp mở rộng chiến tranh và cho xây dựng một số đồn bốt trên địa bàn huyện để đàn áp phong trào kháng chiến. Trước tình hình đó, Chi bộ Đảng, Mặt trận Việt Minh địa phương vẫn kiên cường bám đất, bám dân hoạt động. Đền Ngọc Tiên là cơ sở hội họp, cất giấu tài liệu, là trạm giao liên thông báo tình hình địch cho cán bộ kháng chiến.

Nhiều năm qua, các di tích lịch sử  - văn hóa ở Xuân Trường được cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương quan tâm bảo tồn, phát huy. Phòng VH-TT huyện tích cực phối hợp với Phòng GD và ĐT triển khai các hoạt động bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích. Các trường tiểu học và THCS tổ chức cho học sinh dọn vệ sinh, trồng hoa, cây xanh tại các điểm di tích; tổ chức cho học sinh tham quan tìm hiểu ý nghĩa, giá trị của các di tích nhằm giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa và cách mạng của quê hương. Trường THCS xã Xuân Thủy xây dựng mô hình “Di tích lịch sử em chăm”, thường xuyên tổ chức cho học sinh chăm sóc khuôn viên di tích Đền Xuân Hy, mời đại diện Ban quản lý di tích nói chuyện về truyền thống cách mạng của quê hương cho các em. Ở các địa phương có di tích liên quan đến cách mạng, trước ngày tổ chức lễ hội, các trường đều tổ chức giáo dục truyền thống cho học sinh ngay tại các điểm di tích. Trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích, các xã, thị trấn đã chỉ đạo thành lập ban giám sát cộng đồng, phối hợp với các cơ quan chuyên môn giám sát quá trình tu bổ, tôn tạo di tích. Ở xã Xuân Hồng, từ nguồn kinh phí thuộc chương trình quốc gia cùng nguồn kinh phí của tỉnh và sự đóng góp của nhân dân, thời gian qua, nhiều di tích được trùng tu, tôn tạo, đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc di tích gốc. Trong đó, Chùa Keo Hành Thiện và Chùa Đĩnh Lan được đầu tư, tôn tạo với kinh phí hàng chục tỷ đồng. Tại di tích lịch sử - văn hóa Đền Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng, nhân dân địa phương, con em xa quê và khách thập phương đã công đức hàng trăm triệu đồng để tôn tạo nhiều hạng mục trong khuôn viên đền. Xã Xuân Ninh có 3 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó Chùa Viên Quang là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Từ năm 2010 đến nay, nhân dân địa phương và khách thập phương đã công đức gần 1 tỷ đồng để tu sửa các hạng mục xuống cấp của chùa. Vừa qua, Đình Lạc Quần đã được xây dựng điện thờ và tu bổ 1 số hạng mục với kinh phí 450 triệu đồng. Các di tích như: đền Xuân Hy, xã Xuân Thủy; đình, chùa Lạc Quần, xã Xuân Ninh; đền, chùa Thọ Vực, xã Xuân Phong… đã được tu bổ với kinh phí từ 200-500 triệu đồng.

Gắn với những chiến công của các thế hệ đi trước, mỗi di tích lịch sử cách mạng ở Xuân Trường đều được bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần nâng cao nhận thức, lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay./.

Bài và ảnh: Viết Dư

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com