Nam Hà sau ngày đất nước thống nhất và việc hợp nhất hai tỉnh Nam Hà - Ninh Bình (1975-1980) - Kỳ 2

05:04, 13/04/2016

[links()]

(Tiếp theo)

    Lĩnh vực xây dựng cơ bản và quản lý đô thị được quan tâm chỉ đạo. Những nơi bị địch tập trung đánh phá nhanh chóng được khôi phục, xây dựng lại, đặc biệt là thành phố Nam Định. Hưởng ứng “Ngày lao động xã hội chủ nghĩa”, hàng vạn cán bộ, công nhân viên chức, thanh niên, học sinh, lực lượng vũ trang cùng nhân dân tham gia san lấp hố bom, xây dựng lại nhà cửa, đường sá. Đến cuối năm 1975, đường giao thông, nhà cửa cơ bản được khôi phục; hệ thống điện thoại, điện chiếu sáng, nước sinh hoạt được tu sửa, làm mới. Toàn tỉnh khôi phục 17.000m nhà ở, xây mới 100.000m2, trong đó có 27.000m2 nhà cấp bốn; 9 xã đã xây dựng trường cấp II quy mô hai tầng. Bệnh viện, trạm y tế ở nhiều địa phương được xây dựng mới, phục vụ việc khám chữa bệnh cho nhân dân.

    Trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cán bộ, công nhân tập trung vận chuyển máy móc, trang thiết bị từ vùng sơ tán trở lại nhà máy, xí nghiệp; các nhà xưởng được tiếp tục đầu tư xây dựng lại, mua sắm thêm các trang, thiết bị phục vụ sản xuất; phong trào đăng ký phấn đấu trở thành tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm được phát động. Do vậy, sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp được phục hồi và đạt mức tăng trưởng khá. Giá trị sản lượng toàn ngành năm 1975 tăng 32,30% so với năm 1972.

    Sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế, thể dục thể thao được duy trì và có nhiều chuyển biến tích cực. Ngành văn hoá - thông tin đã chú trọng mở rộng mạng lưới truyền thanh tới các địa phương, đơn vị, đặc biệt là các khu vực dân cư. Các đội thanh niên tuyên truyền xung kích (thông tin lưu động) đã trở thành nòng cốt của phong trào thông tin, góp phần cổ vũ, động viên quần chúng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở cơ sở. Huyện Hải Hậu, huyện Ý Yên được tặng cờ thi đua “10 năm phấn đấu, 10 năm lớn mạnh”.

    Phong trào quần chúng “Bảo vệ an ninh Tổ quốc” được phát động rộng khắp với ba nội dung là bảo vệ vững chắc an ninh chính trị; bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa; giữ gìn tốt trật tự an toàn xã hội, củng cố tốt lực lượng công an xã, bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, xí nghiệp, làm nòng cốt cho công tác an ninh, trật tự ở cơ sở. Nghị quyết số 228-NQ/TV ngày 12-1-1974 của Bộ Chính trị về cuộc đấu tranh chống lấy cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, chống làm ăn phi pháp tăng cường quản lý lao động, quản lý thị trường, giữ vững trật tự trị an, phục vụ tốt phong trào lao động sản xuất với tiết kiệm, phục vụ tốt đời sống nhân dân tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả. Sáu tháng đầu năm 1975, số vụ lấy cắp tài sản xã hội chủ nghĩa trên địa bàn tỉnh giảm 65% so với 6 tháng đầu năm 1974. Công tác quản lý lao động xã hội từng bước được tổ chức lại, đã sắp xếp việc làm cho 21.165 người, kiểm tra và đăng ký kinh doanh cho 4.041 người và chuyển sang sản xuất cho 2.147 trường hợp. Kết quả thực hiện Nghị quyết 228-NQ/TW góp phần nâng cao ý thức của cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức trong việc bảo vệ của công, tài sản của tập thể, hạn chế hiện tượng tiêu cực trong xã hội.

    Công tác quốc phòng, an ninh được chú trọng, các đơn vị lực lượng vũ trang được củng cố; thường xuyên duy trì tốt các đợt diễn tập quân sự, chế độ trực ban, tuần tra, canh gác, hoàn thành 100% chỉ tiêu, kế hoạch tuyển quân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, đảm bảo sẵn sàng chiến đấu khi có chiến tranh xảy ra.

    Cùng với nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế, văn hoá, đảm bảo an ninh, quốc phòng, thực hiện chủ trương của Đảng chi viện cho các tỉnh miền Nam sau ngày giải phóng, tỉnh đã huy động hàng ngàn cán bộ, đảng viên và chiến sĩ công an tăng cường cho các tỉnh phía nam, góp phần ổn định tình hình chính trị, kinh tế - xã hội và xây dựng chính quyền các cấp.

    Để phù hợp với tình hình đất nước sau khi miền Nam được giải phóng, ngày 20-9-1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 245-NQ/TW về việc bỏ khu, hợp tỉnh, trong đó có Nam Hà và Ninh Bình được hợp nhất thành tỉnh Hà Nam Ninh. Ngày 9-12-1975, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 2505-NQ/TW chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Nam Ninh, gồm 41 ủy viên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy gồm 13 ủy viên. Đồng chí Phan Điền được chỉ định là Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Tạ Hồng Thanh là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đồng chí Tạ Quang là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch uỷ ban Hành chính tỉnh.

    Tại kỳ họp thứ hai, phiên họp ngày 27-12-1975, Quốc hội khoá V ra nghị quyết hợp nhất tỉnh Nam Hà với tỉnh Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh, với diện tích 3.636 km2; gồm 16 huyện, 1 thành phố, 2 thị xã; 430 xã, phường, thị trấn; dân số 2.781.409 người; tỉnh lỵ đặt tại thành phố Nam Định.

    Năm đầu tiên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã vượt qua nhiều khó khăn, tập trung trí tuệ và sức lực, khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Cơ sở hạ tầng được tăng cường xây dựng, quốc phòng, an ninh được giữ vững, chính trị được củng cố, quyền làm chủ tập thể của nhân dân được phát huy; các tổ chức đảng được kiện toàn, tạo ra thế và lực mới để Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh vững bước tiến vào thời kỳ mới cùng cả nước triển khai thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội (1976-1980). Với những thành tích đó, năm 1975, tỉnh đã được chủ tịch nước tặng cờ luân lưu “Thi đua Quyết thắng”.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com