Khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá (1973-1975) - Kỳ 5

06:03, 24/03/2016

[links()]

(Tiếp theo)

    Sản xuất muối có nhiều cố gắng. Diện tích ruộng muối đã được cải tạo là 484 ha; triển vọng có thể sản xuất được 95.000 tấn muối. Việc khai thác cá biển bước đầu có sự chuyển biến. Các thuyền đánh cá phần lớn có trọng tải từ 50 tấn trở lên và được gắn máy. Sản lượng cá biển đạt 4.400 tấn (bằng 97% kế hoạch, tăng 66,5% so với năm 1973), sản lượng thu mua là 2000 tấn (45%).

    Nhiệm vụ của ngành xây dựng cơ bản là chủ yếu tập trung đầu tư vốn, vật tư xây dựng, cơ sở vật chất và kỹ thuật cho sản xuất nông nghiệp - trước hết là thủy lợi (39,7%) và các trạm trại chế biến thức ăn gia súc. Ngoài ra còn đầu tư cho xây dựng kho tàng, nhà xưởng sản xuất, cầu đường và dành một phần vốn xây dựng công trình phục vụ đời sống. Đã thi công 194/214 công trình được duyệt nhưng chưa công trình nào hoàn chỉnh, mới đưa vào sử dụng từng hạng mục của công trình.

    Giao thông vận tải phục vụ tốt các đợt vận chuyển đột xuất như chiến dịch muối; bảo đảm vận chuyển phục vụ nông nghiệp, thủy lợi, xây dựng cơ bản và đời sống. Ngành đã đưa từ Hải Phòng về địa phương 177.000 tấn than (93,1%), 17000 tấn xi măng (94,4%), 59.873 tấn phân (93,5%) và vận chuyển 22.000 tấn vôi, 34.439 tấn muối theo kế hoạch của Trung ương. Phương tiện vận tải được đóng mới gồm 1 đầu kéo 135CV, một số xà lan có trọng tải 750 tấn, thuyền thép có trọng tải 1.200 tấn, thuyền xi măng có trọng tải 1.000 tấn. Sửa chữa được 100 xe tải, 6 đầu kéo 135CV.

    Sau một năm hoà bình, từ niên học 1973- 1974 các trường trở về địa điểm cũ. Phong trào thi đua dạy tốt, học tốt được đẩy mạnh. Số học sinh dự kỳ thi cuối khoá ở các cấp tăng hơn các năm trước: 86.379 học sinh phổ thông và 5.061 học viên bổ túc văn hoá. Sang niên học 1974- 1975, trường lớp sớm được ổn định; có 454.711 học sinh phổ thông, 61.314 học sinh vỡ lòng, 44.448 học sinh mẫu giáo đến trường và 18.085 thầy cô giáo, đưa tỷ lệ học sinh đến trường tăng lên 32,51% dân số. Số học sinh kể trên được chia thành 14.039 lớp (10.287 lớp phổ thông) nhưng chỉ có 6.045 phòng học. Tình trạng thiếu bàn ghế, sách giáo khoa, là phổ biến, vẫn còn 13,3% số em dưới 7 tuổi; 6,6% số em dưới 8 tuổi và 2,5% số em từ 9-10 tuổi chưa được tới trường. Ngoài ra toàn tỉnh còn có 63.380 học viên bổ túc văn hoá.

    Công tác văn hóa thông tin được đẩy mạnh. Nhiều đoàn nghệ thuật và đội chiếu bóng về nông thôn phục vụ nhân dân (1.094.598 lượt người xem văn công; 8.178.568 lượt người xem chiếu bóng). Mạng lưới loa truyền thanh ở thành phố và các huyện, xã được tăng cường hơn trước (2.114 km đường dây truyền thanh, 926 loa lớn, 24.852 loa nhỏ). Đã tổ chức được ba cuộc triển lãm phục vụ trên 2 vạn người. In được 12 vạn khẩu hiệu, 4 vạn tờ tranh và 24 vạn tài liệu. Xuất bản 9.000 cuốn sách về người tốt việc tốt, 5.200 bản sách chính trị, 2.000 bản sách khoa học kỹ thuật và 16.500 bản sách văn hóa.

    Công tác y tế và bảo vệ sức khoẻ có nhiều tiến bộ hơn trước. Đã tổ chức tiêm phòng tả cho 1.353.000 ngưòi, tiêm phòng bại liệt cho 340.000 người. Bên cạnh một số bệnh thông thường có thuyên giảm (tả, lỵ, cúm, sưng phổi) nhưng một số loại bệnh khác lại tăng (viêm não, viêm gan, sởi, ho gà, thủy đậu và lao). Số lượt người đến khám bệnh, điều trị và số lần sử dụng giường bệnh, tỷ lệ tử vong đều gia tăng.

Để nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo cho tổ chức cơ sở và cán bộ đảng viên, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chính trị của giai đoạn mới, Đảng bộ hết sức coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động nâng cao chất lượng đảng viên, từng bước thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác cán bộ.

    Ngay từ đầu năm 1973, Đảng bộ liên tiếp mở các đợt học tập Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ nhân ngày ký Hiệp định Pari (27-1-1973), các Nghị quyết 21, 22 của Trung ương; 225, 228 của Bộ Chính trị và các Chỉ thị 208, 209 của Ban Bí thư. Trong năm 1974, Đảng bộ đã kết hợp giữa việc nâng cao nhận thức về đường lối, quan điểm tư tưởng với việc bàn bạc phương hướng, nhiệm vụ, kiểm điểm công tác, thực hiện tự phê bình và phê bình, sửa chữa khuyết điểm. Đã có 27.852 đảng viên và cán bộ được học lý luận theo chương trình cơ sở; 1.530 cán bộ học chương trình trung, sơ cấp (chiếm 43,5% tổng số đảng viên).

    Qua cuộc vận động thực hiện Nghị quyết 195, việc kết nạp đảng viên ngày càng chặt chẽ. Đã kết nạp được 897 đảng viên mới. Sau khi kiểm tra, đa số phát huy tác dụng tốt (chỉ có 10 người không đủ tiêu chuẩn, 9 người sau kết nạp có sai phạm) nhưng nhìn chung việc chỉ đạo công tác phát triển Đảng còn xem nhẹ, có xu hướng chững lại, số kết nạp ngày càng ít đi (số lượng năm 1974 chỉ bằng 59% của năm 1973).

    Việc đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng được các cấp ủy Đảng chỉ đạo liên tục, khẩn trương, tương đối chặt chẽ. Đến hết năm 1974 có 99% số xã và đảng viên nông thôn thực hiện Chỉ thị 192. Riêng huyện Hải Hậu đã hoàn thành tổng kết cuộc vận động thực hiện Nghị quyết 195 ở nông thôn. Tại khu vực cơ quan, xí nghiệp có 80% cơ sở Đảng với 90,6% đảng viên đã và đang thực hiện Chỉ thị 192 kết hợp thực hiện Nghị quyết 228. Quá trình thực hiện Chỉ thị 192, đã xử lý 3.369 đảng viên (chiếm 7,92% tổng số), trong đó đưa ra khỏi Đảng 1.216 người, lưu Đảng 634 người.

    Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được đẩy mạnh, đã dần đi vào thực hiện quy hoạch. Trường Đảng của tỉnh, huyện được củng cố, chiêu sinh đúng đối tượng và đảm bảo 85% kế hoạch huấn luyện.

    Việc xây dựng và củng cố tổ chức chính quyền và các đoàn thể, đẩy mạnh phong trào cách mạng của quần chúng cũng được Đảng bộ hết sức coi trọng, uỷ ban hành chính các cấp và nhiều cơ quan quản lý kinh tế được kiện toàn, ngày càng phát huy hiệu lực trong chỉ đạo kinh tế văn hóa, tổ chức đời sống, giữ gìn trật tự trị an. Các đoàn thể quần chúng ngày càng phát huy vai trò và tác dụng là chỗ dựa của Đảng và Nhà nước trong việc giáo dục, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia sản xuất, phục vụ chiến đấu và chiến đấu, xây dựng con người mới và cuộc sống mới. Những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân địa phương đã giành được trong hai năm qua là to lớn và tương đối toàn diện, góp phần vào thắng lợi chung của đất nước.

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com