Chống địch mở rộng chiếm đóng trên địa bàn toàn tỉnh, phát triển chiến tranh du kích (Kỳ 2)

06:03, 19/03/2015

[links()]

(Tiếp theo)

    Ngày 13-11, trên 300 quân từ Xuân Trường theo đường 21 đánh xuống Đông Biên (Hải Hậu). Cùng lúc, từ mặt biển một tiểu đoàn thủy quân lục chiến đổ bộ lên đánh chiếm Xương Điền, Văn Lý (Hải Hậu). Rồi từ những điểm chốt vừa chiếm được, theo chiến thuật vết dầu loang địch tiếp tục đánh chiếm các nơi khác.

    Chiếm xong Hải Hậu quân địch đánh tiếp Nghĩa Hưng từ hai hướng: Phát Diệm ngược lên, Hải Hậu tạt sang, chia cắt Nghĩa Hưng thành hai khu vực, chà đi sát lại miền trung và miền hạ huyện Nghĩa Hưng.

    Phán đoán lực lượng của ta sẽ dồn về Nam Trực, Trực Ninh, ngày 10-12 địch dốc toàn lực chia thành năm mũi tiến công hai huyện trên với ý đồ tiêu diệt toàn bộ quân ta. Từ ngày 10 đến ngày 12-12-1949 chúng càn quét nhiều lần và chia quân đánh các vị trí trên đất Nam Lợi, Nam Sơn, Trực Tuấn... đồng thời cho bọn tay chân đứng ra lập tề, tổ chức nguỵ quân.

    Kèm theo những hành động quân sự, địch còn có những thủ đoạn chính trị rất thâm độc, nhất là lợi dụng tôn giáo, cấu kết với bọn cầm đầu phản động trong giáo hội Thiên Chúa, để bọn này đắc lực tiếp tay cho chúng. Chúng nêu chiêu bài "chống cộng", "giải phóng đất thánh", giành "tự trị cho công giáo". Đi đôi với việc xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ ta, lúc đầu, chúng có hạn chế một phần hành động tàn bạo hòng lừa phỉnh nhân dân. Nhưng càng về sau địch càng tự lột mặt nạ giả nhân giả nghĩa: tiến hành đàn áp dã man những người dân yêu nước, hãm hiếp phụ nữ, giết người, cướp của, làm ô uế những nơi thờ cúng tôn nghiêm. Địch mới đóng ở một số điểm, bọn phản động ở một số nơi như: Ngưỡng Nhân, Sa Châu, Thức Hoá (Giao Thuỷ); Lạc Quần, An Phú, Thiên Thiện (Xuân Trường); Cồn Thoi (Hải Hậu); Hà Dương, Chương Nghĩa (Nghĩa Hưng); Thạch Bi (Nam Trực)... đã thừa cơ ngóc đầu dậy, kích động giáo dân chống lại kháng chiến. Chúng rào làng, bắt cán bộ, bộ đội, gây rối hậu phương, chuẩn bị đón giặc về. Được giặc Pháp cấp súng ống, một số tên phản động đội lốt thầy tu đã khoác áo nhà binh, đeo lon sĩ quan, chỉ huy vệ sĩ đi càn quét, triệt phá các cơ sở kháng chiến, cướp bóc các hương thôn, gây nên những tội ác hết sức dã man.

    Do ta chưa lường hết được mức độ đánh phá ác liệt của địch và phần nào còn chủ quan, cho là địch chỉ đánh thăm dò rồi rút nên chưa tích cực chủ động đề phòng chiếu đấu. Vì vậy, trong vòng chưa đầy hai tháng, địch đã đánh chiếm hầu hết các huyện phía nam tỉnh, dựng tề, đóng bốt để khống chế lực lượng kháng chiến của ta. Từ đây, nhân dân sáu huyện phía nam bước vào thời kỳ "hai năm, bốn tháng" đầy đau thương và uất hận.

    Trước tình hình mới, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Liên khu uỷ III về việc đề phòng địch đánh ra vùng tự do, mở rộng chiếm đóng Nam Định, Tỉnh uỷ Nam Định đã nghiên cứu và quán triệt tinh thần Chỉ thị đó. Trên cơ sở phân tích tình hình địa phương, Ban Tỉnh uỷ đã đề ra phương hướng tác chiến, phân công cán bộ xuống từng huyện để phổ biến Nghị quyết của Liên khu uỷ, của Tỉnh uỷ; bổ sung cán bộ cho các đơn vị vũ trang của tỉnh; khẩn trương kiện toàn lực lượng du kích tập trung; đề phòng âm mưu địch cấu kết với bọn phản động địa phương, nhất là bọn Việt gian, phản động đội lốt Thiên Chúa giáo. Các Đảng bộ cũng kịp thời uốn nắn những nhận thức không đúng của một bộ phận cán bộ, đảng viên như: chưa thấy hết tính chất khó khăn lâu dài của cuộc kháng chiến; còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Trung ương và quốc tế; tư tưởng chủ quan, nóng vội, thường nhấn mạnh tổng phản công mà chưa chú ý tới công tác tích cực chuẩn bị cho trước mắt và kháng chiến lâu dài.

    Trong quá trình địch đánh chiếm sáu huyện phía nam Nam Định, Đảng bộ đã lãnh đạo lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực ngoan cường đánh trả địch.

    Tại huyện Xuân Trường, đội du kích Ngọc Hồ, Trà Bắc đã phối hợp chặt chẽ với Đại đội 26 (bộ đội địa phương tỉnh) và bộ đội địa phương huyện đặt mìn ở các ngả đường, dùng lựu đạn, súng trường, lợi dụng đêm tối và địa bàn quen thuộc đánh lui nhiều đợt tiến công của địch vào làng Trà Bắc khiến bốn ngày sau chúng mới vào được làng.

    Tại Giao Thuỷ, Xuân Trường, Hải Hậu, bộ đội địa phương và du kích các xã cùng Tiểu đoàn 605 Vệ quốc đoàn liên tục bám sát, chặn đánh địch, diệt nhiều tên. Đại đội 91 phục kích địch ở chợ cồn diệt 30 tên. Bộ đội huyện Giao Thuỷ cùng du kích xã Giao Yến chống càn diệt 6 tên, bắt 2 tên và thu 5 súng trường.

    Ngày 7 và ngày 11-11, Đại đội 91 sau khi theo dõi nắm chắc quy luật hoạt động của địch trên tuyến sông Đào và sông Ninh Cơ đã tổ chức hai trận phục kích, đánh chìm một tàu chiến, một ca nô, bốn thuyền, diệt 200 tên. Đêm 12-11, bộ đội tỉnh tập kích địch ở Liễu Đề, Nghĩa Hưng diệt 30 tên, bắt 6 tên.

    Trong hai ngày 13 và 14-11 bộ đội địa phương và du kích Hải Hậu phối hợp với Tiểu đoàn 605 anh dũng chặn địch khi chúng đánh xuống Hải Hậu, diệt 237 tên, thu nhiều vũ khí đạn dược, quân trang, quân dụng.

(Còn nữa)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com