Người con ưu tú của quê hương Nam Định

07:07, 02/07/2014

Đồng chí Đặng Việt Châu thuộc lớp chiến sĩ cách mạng tiêu biểu, trưởng thành cùng với các phong trào cách mạng sôi nổi của Đảng trước năm 1945. Với gần 60 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí luôn là người đảng viên kiên trung, nhà lãnh đạo ưu tú, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Với những đóng góp to lớn, đồng chí Đặng Việt Châu đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao Vàng.

Người chiến sĩ cách mạng kiên trung

Đồng chí Đặng Việt Châu sinh ngày 2-7-1914 tại làng Bách Tính, xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, tên khai sinh là Đặng Hữu Rạng, là con thứ ba trong một gia đình nhà nho nghèo. Thân phụ của đồng chí là Tú tài Đặng Hữu Mai, thân mẫu là bà Vũ Thị Miện.

Năm 1924, khi lên 10 tuổi, Đặng Việt Châu được cha đưa sang học ở Thị xã Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, sau đó chuyển về học ở Trường Cửa Bắc (TP Nam Định). Thời gian này đồng chí được tiếp xúc với các phong trào yêu nước của học sinh như đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh... Cuối năm 1929, đồng chí Đặng Việt Châu vào học Trường Thành Chung - Nam Định, hoạt động trong hội "Học sinh đỏ", tham gia rải truyền đơn, đốt pháo ủng hộ Cách mạng Tháng Mười, vạch mặt bọn thống trị… Bị mật thám Pháp lùng bắt, đồng chí phải bỏ học, đi hoạt động thoát ly và đi “vô sản hoá” ở Hải Phòng. Ở đây, đồng chí tìm hiểu về phong trào công nhân, tích cực tham gia tuyên truyền, vận động, giáo dục tinh thần yêu nước trong công nhân, lên án những hành động xâm lược, bóc lột của thực dân Pháp. Tháng 3 năm 1931, đồng chí Đặng Việt Châu được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Thời gian này, đồng chí tích cực viết bài cho Báo Tiến lên, nội dung vạch rõ thủ đoạn của bọn chủ gian ác và kêu gọi tinh thần đấu tranh của công nhân. Năm 1932, đồng chí Đặng Việt Châu bị địch bắt, rồi bị giam giữ ở Nhà lao Hải Phòng, Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) bị kết án 5 năm tù, sau đó đưa đi Nhà tù Sơn La. Ở trong tù, đồng chí tìm hiểu những cuộc đấu tranh của các anh em tù Cộng sản và tổ chức đấu tranh chống lại chế độ hà khắc, dã man của thực dân Pháp. Đồng chí được bầu làm Bí thư chi bộ, lãnh đạo ra báo “Lao tù tạp chí” (1933) và “Vô sản tạp chí” (1934). Khi Mặt trận bình dân Pháp lên cầm quyền, đồng chí Đặng Việt Châu được ân xá ra tù vào tháng 7-1936 nhưng bị quản thúc. Phong trào cách mạng ở Bắc Bộ thời gian này rất khó khăn, đồng chí đã tìm cách bắt liên lạc với Trung ương và các đồng chí chính trị phạm ở Nam Định, Thái Bình, Hà Nam... rồi cùng các đảng viên tổ chức thành lập liên Tỉnh uỷ lâm thời Hà Nam - Nam Định - Thái Bình - Ninh Bình và xúc tiến thành lập Tỉnh ủy lâm thời của mỗi tỉnh. Tháng 5-1937, Ban Tỉnh ủy lâm thời Nam Định được thành lập, do đồng chí Đặng Việt Châu làm Bí thư. Tháng 11-1937, Xứ uỷ Bắc Kỳ được lập lại, gồm 5 người, trong đó đồng chí Đặng Việt Châu được phân công phụ trách khu C gồm 4 tỉnh Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình. Tháng 2-1938, Tỉnh ủy Nam Định được chính thức thành lập, do đồng chí Đặng Việt Châu là Bí thư. Cùng với các hoạt động củng cố tổ chức, đồng chí Đặng Việt Châu đã lãnh đạo phong trào đấu tranh dân chủ, công khai như mít tinh biểu tình đòi quyền lợi; thành lập các hội, đoàn dân chủ và mở đại lý sách báo công khai ở Nam Định. Tháng 8-1939, đồng chí bị mật thám bắt nhưng chỉ giam ít ngày rồi thả ra vì không có chứng cứ để buộc tội. Đồng chí tiếp tục lên Hà Nội hoạt động và lại bị mật thám bắt đưa đi giam giữ ở căng Bắc Mê, đến tháng 8-1942 mới được tha, nhưng bị quản thúc. Tháng 5-1945, đồng chí được Trung ương phân công về Ban Cán sự tỉnh Vĩnh Yên tổ chức Ủy ban Giải phóng dân tộc và lực lượng tự vệ chiến đấu, mở rộng Mặt trận Việt Minh, phát động phong trào chống Nhật và khống chế bọn tay sai gian ác. Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra, đồng chí Đặng Việt Châu tham gia lãnh đạo giành chính quyền, rồi được cử làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Vĩnh Yên, được bầu là đại biểu Quốc hội khóa I.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí Đặng Việt Châu tiếp tục hoạt động trong cơ quan Chính phủ, tham gia công tác trong bộ máy chính quyền địa phương, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân và 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Tháng 4-1946, đồng chí làm Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ. Khi kháng chiến bùng nổ, đồng chí tham gia Ủy ban Bảo vệ Thủ đô, sau đó là đặc phái viên của Bộ Nội vụ tại Thanh Hoá. Tháng 2-1947, đồng chí là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Thanh Hoá; tháng 10-1948, đồng chí là Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Liên khu IV. Tháng 8-1950, đồng chí được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Kinh tế, sau đó là Thứ trưởng Bộ Công thương. Năm 1955, đồng chí được cử làm Thứ trưởng Bộ Thương nghiệp; tháng 12-1958, là Thứ trưởng Bộ Ngoại thương. Cuối năm 1960, đồng chí được điều động làm Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kế hoạch Nhà nước kiêm Trưởng Ban Hợp tác khoa học kỹ thuật và hợp tác kinh tế; tháng 5-1965, đồng chí được cử là Bộ trưởng Bộ Tài chính. Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký, đồng chí Đặng Việt Châu được cử làm Trưởng đoàn Kinh tế Việt Nam sang đàm phán với Mỹ về việc hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam. Tháng 3-1975, đồng chí được cử làm Phó Thủ tướng, kiêm Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước. Tháng 7-1976 đến 1980, đồng chí là Bộ trưởng Bộ Ngoại thương kiêm hợp tác kinh tế. Năm 1980 đồng chí là Trưởng ban Kế hoạch tài chính Trung ương Đảng. Tháng 6-1981, đồng chí là cố vấn cấp cao của Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng. Đồng chí được bầu là đại biểu Quốc hội từ khoá I đến khoá VI.

Nhà lãnh đạo, quản lý kinh tế tài năng

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương Nam Định, đồng chí Đặng Việt Châu đã được nuôi dưỡng và tiếp thu truyền thống yêu nước, hiếu học và tinh thần cách mạng của quê hương. Những phẩm chất cần cù, chịu khó, thương yêu con người, không chùn bước trước khó khăn, thử thách, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, xả thân chống giặc ngoại xâm,  bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc đã được đồng chí tiếp thu và phát huy có hiệu quả. Trong gần 60 năm công tác, dù ở cương vị, hoàn cảnh nào đồng chí cũng sẵn sàng chiến đấu, chấp nhận hy sinh thể hiện rõ tinh thần kiên định, sáng tạo, trách nhiệm cao, tận trung với nước, tận hiếu với dân, cống hiến hết mình vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân.

Từ khi đến với Đảng, được đứng trong hàng ngũ của Đảng, cuộc đời đồng chí đã gắn liền với cuộc đấu tranh anh dũng của dân tộc. Đồng chí là một trong những cán bộ lãnh đạo luôn hòa đồng, tìm hiểu, học tập, sáng tạo và dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào cũng luôn nỗ lực phấn đấu để vượt qua. Trên những chặng đường phát triển của nền kinh tế đất nước, trải qua thử thách của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rồi quá trình thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và đổi mới..., đồng chí Đặng Việt Châu luôn là một trong những nhà lãnh đạo và điều hành tốt nền kinh tế đất nước. Trong 10 năm (1965-1974), Bộ trưởng Đặng Việt Châu gánh trọng trách đứng đầu của ngành Tài chính vừa phục vụ hiệu quả công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa dốc lực chi viện cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở hồi quyết liệt nhất tại miền Nam. Bằng tài năng và trí tuệ, bằng bề dày kinh nghiệm tổ chức, quản lý kinh tế, đồng chí Đặng Việt Châu cùng với tập thể đội ngũ cán bộ ngành Tài chính đã đưa sự nghiệp tài chính cách mạng Việt Nam vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó.

Đồng chí Đặng Việt Châu được coi là người đã đưa tư tưởng hội nhập mở cửa vào đổi mới kinh tế. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, các nguồn viện trợ bị cắt giảm, nội lực yếu kém, năm 1976, Chính phủ có chủ trương soạn thảo ban hành một văn bản pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, trên cương vị Phó Thủ tướng đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo Bộ Tài chính và các cơ quan hữu quan soạn thảo các văn bản về thuế lợi tức đối với các Cty có vốn đầu tư nước ngoài; về thuế, lương bổng đối với những người lao động tại các Cty có vốn đầu tư nước ngoài; về quy chế lao động đối với người lao động Việt Nam làm việc tại các Cty có vốn đầu tư nước ngoài; về thủ tục đầu tư... Có thể coi đây là một bộ luật kinh tế tương đối hoàn chỉnh đầu tiên được ban hành ở nước ta, một công trình pháp luật có tầm vóc chiến lược, ý nghĩa lịch sử. Trong đó, đồng chí Đặng Việt Châu là người chỉ đạo, đồng thời tham gia thiết kế về nội dung và hình thức văn bản.

Trong lĩnh vực tài chính, đồng chí Đặng Việt Châu cũng để lại dấu ấn đậm nét, góp phần quan trọng cùng ngành Tài chính hoàn thành nhiệm vụ trong bối cảnh đất nước có chiến tranh. Trong thời kỳ lãnh đạo ngành Tài chính từ 1965-1974, yêu cầu của ngành Tài chính là phải động viên được mọi nguồn lực tài chính cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Do vậy, bài toán đặt ra thời điểm này là phải làm sao huy động tốt nhất nguồn tài chính trong nước, tranh thủ sự giúp đỡ, viện trợ của nước ngoài và vẫn phải tranh thủ kiến thiết, xây dựng kinh tế trong điều kiện có chiến tranh. Bộ trưởng Đặng Việt Châu đã dành tâm huyết, tăng cường chỉ đạo, sâu sát các xí nghiệp quốc doanh có nguồn thu lớn, các vùng nông thôn, trung tâm buôn bán để nghiên cứu khả năng động viên tài chính, đề ra mức thu sát đúng, hợp lý. Đồng chí chỉ đạo xác định mức thu quốc doanh của từng sản phẩm, của từng loại hình xí nghiệp quốc doanh, vừa đảm bảo nguồn thu kịp thời, ổn định cho ngân sách, vừa đảm bảo nâng cao tính chủ động, ý thức trách nhiệm, thúc đẩy hạch toán kinh tế trong từng xí nghiệp. Năm 1970, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành hệ thống tài khoản thống nhất áp dụng chung cho các đơn vị kinh tế do Trung ương quản lý, không phân biệt tính chất, quy mô hoạt động của đơn vị, đồng thời áp dụng hình thức Nhật ký chứng từ thích hợp. Đầu năm 1971, trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đặng Việt Châu, Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ cấp phát vốn xây dựng cơ bản (sửa đổi) với nội dung chủ yếu là thay thế chế độ tạm ứng vốn bằng chế độ cho vay dự trữ vật liệu xây dựng và xây dựng dở dang.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí cố Phó Thủ tướng Đặng Việt Châu diễn ra trong lúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Việc tổ chức trọng thể kỷ niệm ngày sinh đồng chí Đặng Việt Châu là một hình thức sinh hoạt chính trị có ý nghĩa to lớn đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Nam Định, nhằm tôn vinh và khẳng định những cống hiến lớn lao của đồng chí Đặng Việt Châu đối với Đảng và đất nước; đồng thời là hành động có ý nghĩa thiết thực nhằm bồi dưỡng truyền thống cách mạng, giáo dục tư tưởng và đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay.

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Đặng Việt Châu còn là dịp để chúng ta khẳng định công lao và những đóng góp to lớn của đồng chí với quê hương Nam Định và với sự nghiệp cách mạng chung của Đảng, của dân tộc. Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định ra sức đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XVIII; đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH, hội nhập quốc tế, xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; xây dựng Nam Định thành tỉnh phát triển, giàu mạnh, xứng đáng là trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng./.

Việt Thắng
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com