Sân khấu chuyên nghiệp Nam Định

06:07, 30/07/2013

Đó là các đoàn văn công chuyên nghiệp được Nhà nước bảo trợ, nghĩa là những ai ở trong đoàn cũng như cán bộ của Nhà nước được hưởng lương và các chế độ khác nhau như một công nhân viên chức nhà nước. Tiền dựng vở do Nhà nước đầu tư.

Nhiệm vụ của đoàn là diễn các vở để nâng cao đời sống văn hoá cho dân và phục vụ nhiệm vụ chính trị ở cả trong tỉnh và ngoài tỉnh. Trong kháng chiến chống Mỹ, có đoàn còn được vào phục vụ chiến trường miền Nam.

Tỉnh Nam Định có 3 đoàn sân khấu chuyên nghiệp là: đoàn chèo, đoàn kịch, đoàn cải lương.

+ Đoàn chèo Nam Định: Được thành lập năm 1959, lần lượt mang các tên Đoàn chèo Nam Định, Nam Hà, Hà Nam Ninh. Và khi tách ba tỉnh riêng biệt như cũ, đoàn mang tên Đoàn chèo Nam Định như ban đầu.

Tiết mục biểu diễn của đoàn gồm những vở chèo cổ và những vở đề tài lịch sử và chèo hiện đại.

Chèo cổ gồm những vở: "Quan Âm Thị Kính", "Đôi ngọc lưu ly", "Xuý Vân giả dại", "Lưu Bình Dương Lễ", "Trương Viên", "Chu Mãi Thần", "Tôn Mạnh - Tôn Trọng".

Một cảnh trong vở “Trăng khuyết” của Nhà hát Chèo Nam Định.
Một cảnh trong vở “Trăng khuyết” của Nhà hát Chèo Nam Định.

Chèo đề tài lịch sử: "Soi bóng người xưa" (Trúc Đường), "Trần Quốc Toản ra quân" (Hoài Giao), "Trần Anh Tông" (Trần Đình Ngôn), "Tấm vóc đại hồng", "Thái hậu Dương Vân Nga" (Trúc Đường)..v.

Đề tài hiện đại: "Chị Tâm bến Cốc" (Tào Mạt), "Lấn biển" (Đào Nguyên), "Chiếc nón bài thơ" (Trần Đình Ngôn), "Những người nói thật" (An Viết Đàm), "Vòng tay cuộc đời" (Thuỳ Linh), "Chuyện lạ thành Nu-Kha" (Hoài Giao chuyển thể từ vở "Vòng phán Cáp ca dơ"của Béc tôn Brếc). Cho đến nay, đã có 4 thế hệ diễn viên. Một số diễn viên đã được nhà nước phong tặng NSƯT: Nguyễn Thị Kim Liên, Thế Tuyền, Nguyễn Thị Thanh Hương, Nguyễn Thị Bích Thục, Lê Công Trí.

Đoàn chèo Nam Định là một trong những đoàn mạnh của cả nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho, giữ gìn và phát huy được nghề tổ.

+ Đoàn cải lương Nam Định: Tiền thân là đoàn An Lạc (đoàn tư nhân của gia đình nhà cụ Trùm Thịnh (Nguyễn Văn Thịnh)). Đây là một gia đình có truyền thống chèo nổi tiếng các xứ Đông, Đoài, Nam. Bà Trịnh Thị Mơ (Đào Mơ), vợ ông Nguyễn Văn Thịnh, đã từng hát chèo thu thanh vào đĩa nhựa thời bấy giờ. Khi chèo cổ gặp khó khăn, gánh chèo cho gia đình quay sang diễn chèo mới. Khi cải lương lên ngôi, gánh hát gia đình ông lại chuển sang diễn cải lương, và theo nghề cải lương cho đến ngày hôm  nay. Cả gia đình là một đội ngũ nghệ sĩ sành nghề, mẫu mực, tài hoa trong diễn xuất. Đó là NSND Trùm Thịnh, NSND Nguyễn Thị Minh Lý, NSƯT Thanh An, NSƯT Ba Bái và các nghệ sĩ tài danh khác là anh chị em, con trai, con dâu, cháu trong nhà như: Ông cả Huy, chị Huỳnh Đắc, chị Thuý Mùi, chị Ngọc Dậu, anh Văn Phúc.vv..

Năm 1951, đoàn An Lạc về Nam Định biểu diễn, nhưng không thể trụ nổi ở thành phố do sự o ép của thực dân đã phải về các huyện, các xã ở các tỉnh biểu diễn. Năm 1957, đoàn về hẳn thành phố Nam Định và bỏ tiền xây rạp An Lạc tại đường Trần Hưng Đạo đến nay. Năm 1960, đoàn An Lạc được "quốc hữu hoá" thành đoàn văn công Cải lương.

Những tiết mục của đoàn gồm những vở về đề tài cổ, lịch sử và hiện đại:

Đề tài cổ và lịch sử gồm: "Tôn Ngộ Không", "Sinh tử bái", "Thoại Khanh  - Châu Tuấn" "Trần Sĩ Mĩ", "Ngô Quyền", "Trần Bình Trọng", "Trần Hưng Đạo", "Triệu Trinh Nương", "Hoa Mộc lan", "Bao công xử án Quách Hoè", "Thuỷ Hử", "Tiết Đinh Sơn - Tiết Đinh Quý", "Triệu Tử Long", Hoàng hậu Ba tư", "Cô gái hát rong và chàng hoàng tử".vv..

Những vở về đề tài hiện đại: "Lửa phi trường" (Ngọc Bé - Ngọc Thụ), "Ngày tàn bạo chúa" (Lê Duy Hạnh), "Tiếng thét trong đêm đen" (Vũ Hải), "Hận thù từ đâu tới" (Xuân Trình), "Vi trung Hăng xen" (Lưu Quang Vũ), "Nỗi đau người mẹ" (Vũ Hải), "Hòn đá thề" (Trung Đông), "Mùa xuân có bão", "Ai tỉnh ai điên", "Cánh cửa hy vọng" (Nguyễn Khắc Phục), Những vở được giả trong các kỳ hội diễn trung ương như  "Hòn đá thề" (Huy chương Bạc)

Cho đến nay, đoàn đã có 4 thế hệ diễn viên được nhà nước phong tặng NSƯT: Thanh An, Ba Bái, Huy Soái, Quang Chí. Và những nghệ sĩ xuất sắc như Huỳnh Đắc, Thuý Mùi, Bích Ngọc, Văn Phúc, Trần Tính, Đại Phong, Nguyễn Thị Thuỷ, Hồ Hải, Hiền Khang, Bạch Tuyết, Thuý Quỳnh.

Đoàn cải lương Nam Định là đoàn ca kịch mạnh, thực hiện xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước trao cho. Từ một đoàn tư nhân, các nghệ sĩ không dấu nghề, mà sẵn sàng truyền lại những tinh hoa nghề nghiệp của gia đình cho các thế hệ tiếp theo để phục vụ nhân dân.

+ Đoàn kịch nói Nam Định

Năm 1959, đoàn văn công Nam Định được thành lập. Hoạt động chủ yếu là nghệ thuật chèo. Song, trong thời kỳ đó có diễn một số vở kịch nói như vở "Con đường dốc" (Học Phi), "Đường cày" (Nguyễn Hùng).

Năm 1966, ngoài đoàn Chèo, đoàn Cải lương có thêm đoàn Ca - múa - kịch ra đời. Đoàn gồm 3 đội: Đội ca, đội múa và đội kịch để diễn cùng với chương trình ca múa cho trọn một đêm. Một số vở kịch được dàn dựng: "Trong phòng trực chiến" (Tào Mạt), "Diễn tập qua làng" (Hoài Giao), "Sân ga về sáng" (Thế Ngữ), "Đâu có giặc là ta cứ đi" (Nguyễn Vũ). Những diễn viên nòng cốt cho đoàn kịch sau này là Thanh Trường, Cao Xuân Quyền, Đào Truật, Xuân Thiều, Ngọc Dậu, Quốc Côn, Kiều Lộc, Mạnh Cường.

Năm 1972, Uỷ ban nhân dân tỉnh ra quyết định thành lập đoàn kịch nói của tỉnh với biên chế 40 người.

Vở "Đôi mắt" (tác giả Vũ Dũng Minh, đạo diễn Doãn Hoàng Giang)  là vở đầu tiên của đoàn. Với dàn diễn viên trẻ, yêu nghề đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của khán giả trong và ngoài tỉnh. Vở diễn liền 100 đêm vẫn đông người xem. Đây là một khởi đầu tốt đẹp và là vở có tuổi thọ cao nhất của đoàn từ trước đến nay.

Nhiệm vụ của đoàn là dựng những vở về đề tài hiện đại để phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đoàn đã bám sát vào nhiệm vụ chính trị của từng thời kỳ để xây dựng tiết mục của mình.

Đề tài nông nghiệp, nông thôn có các vở: "Người sung sướng nhất (Thuỳ Linh-Hoàng Yến), "Bão biển" (Doãn Hoàng Giang chuyển thể từ tiểu thuyết của Chu Văn), "Thời tiết ngày mai" (Xuân Trình), "Mùa hè ở biển" (Xuân Trình).

Đề tài công nghiệp: "Nắng trong mưa" (Thanh Bình)

Đề tài về chiến tranh, chống xâm lược: "Một người mẹ" (Đào Hồng Cẩm), "Cố nhân" (Xuân Trình).

Những đề tài xã hội khác: "Quán trúc đào" (Vũ Tăng), "Anh là mặt trời của em" (Doãn Châu), "Tiếng hát Trương Chi" (Trần Đình Ngôn), "Vắng mặt trong hồ sơ" (Lưu Quang Vũ), "Đôi dòng sữa mẹ" (Lưu Quang Vũ), "Đợi đến màu xuân" (Xuân Trình), "Người không mang họ" (Phương Linh), "Người trong bóng tối" (Doãn Hoàng Giang), "Bệnh sĩ" (Lưu Quang Vũ), "Nửa ngày về chiều" (Xuân Trình), "Đi ngược dòng đời" (Đặng Trung), "Đám cưới ly biệt" (Xuân Đức), "Tú Xương" (Nguyễn Khắc Phục), "Rừng cháy" (Lê Quí Hiền), "Không thể, có thể" (Tất Đạt), "Ô cửa sổ bỏ ngỏ" (Hà Đình Cẩn), "Màu thời gian" (Thiều Hạnh Nguyên).

Theo: Địa chí Nam Định

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com