Văn xuôi dân gian Nam Định

06:07, 11/07/2013

Văn xuôi dân gian Nam Định nhiều và phong phú:    

 Sự tích về các vị thần, thành hoàng làng... được truyền tụng trong các thế hệ cư dân, được ghi rải rác ở các thần phả, thần tích.

 Nhiều đình, chùa, đền, miếu có truyền thuyết về sự tích, xây dựng hoặc các sự kiện có liên quan.

Không ít dòng họ có lưu truyền  sự tích (truyền miệng hay ghi chép) về tổ tông.

Hầu như mỗi danh nhân đều có những hành trạng, hoặc giai thoại.

So với tục ngữ, ca dao, văn xuôi dân gian Nam Định mang tính địa phương  rõ rệt với những nhân vật, sự kiện, địa danh cụ thể:

Truyền thuyết về Đức thánh Minh Không, về Kiến quốc phu nhân Lương Minh Nguyệt, về Mẫu Liễu... đương nhiên là sản phẩm tư duy các thế hệ người Việt Bắc Bộ, của quá trình tiếp xúc, giao lưu giữa các vùng trong cả nước. Tuy nhiên không thể phủ nhận  được những dấu ấn Nam Định, trong  quá trình từ sáng tạo ban đầu  đến bổ sung, phát triển của  việc các truyền thuyết, huyền thoại này.

Minh Không - vị thiền sư nổi tiếng, người được coi là danh sư, được  suy tôn là ông tổ của nghề đúc đồng của cả miền châu thổ - theo truyền thuyết  lại in đậm dấu ấn thuở sinh thời trên vùng Nam Định. Những viên đá -  dùng để cân cá của Minh Không còn để lại dọc đường, những chợ Tương Đông, Liên Tỉnh - nơi Minh Không thường ngày ra bán cá, đến ngôi chùa Giao Thuỷ khi  trở thành thiền sư Minh Không...

Cô hàng bán nước là hình ảnh quen thuộc trong kho tàng truyện kể dân gian, truyện cổ tích Việt Nam như tiêu biểu cho kinh nghiệm, trí thức, thông tin của mỗi làng quê người Việt. Đó là những bà hàng nước vô danh từng chỉ cho các vị tướng quân như Kiều Công Hãn, Đoàn Thượng... đầy mình thương tích từ trận mạc trở về tìm được nơi yên nghỉ cuối cùng trên mảnh đất quê; là bà hàng nước không rõ họ tên bên sông Bạch Đằng tỏ tường lịch con nước triều cho Hưng Đạo Vương bố trí trận địa cọc dìm xác giặc Nguyên Mông...   Nam Định góp vào mô típ văn học dân gian ấy của Việt Nam một cô hàng nước có đầy đủ họ tên quê quán: Lương Minh Nguyệt ở Ngọc Nhuế - Ý Yên. Điều đặc biệt quan trọng là trong truyền thuyết này, tình cảm, trí thức kinh nghiệm của cô (bà) hàng nước thông thường đã được kết luyện lại, trong hoàn cảnh điển hình của lịch sử văn hoá Việt Nam - là tình cảm yêu nước, là tìm đến với ngọn cờ đại nghĩa của Lam Sơn, thành mưu kế trực tiếp tiêu diệt quân xâm lược ngay trong hang ổ của kẻ thù, từ căn cứ gây tội ác của chúng. Chính vì thế mà khi "cầm bút chép sử nước Nam", sử quan Lê Tung - vị tiến sĩ thời Lê Sơ, giai đoạn cực thịnh của Nho học Đại Việt, đã đặt cô gái bình đân của vùng chiêm trũng nghèo khó bên thành Cổ Lộng đầu thế kỷ XV ấy "ngang với Trưng nữ Vương". Điều đó cũng là trân trọng chung, đồng vọng với tâm tình của các thế hệ.

Thuộc loại truyền thuyết với nhiều chi tiết, phong phú vào bậc nhất của kho tàng văn học dân gian Việt Nam là truyền thuyết về Mẫu Liễu. Hạnh phúc trong cuộc sống thế tục là mưu cầu, khát vọng không phải của riêng ai. Nếu trong văn chương bác học, dẫu bị chi phối, cương toả bởi những "Tam cương, Ngũ thường" của đạo Nho, "vô vi" của đạo Lão, "sắc, không" của Phật thiền vẫn tiềm tàng, day dứt thương xuyên với hiện thực: "xuân xanh chưa dễ hai phen lại, thấy cảnh càng thêm tiêc thiếu niên'', rằng "xuân bất tái lai"...thì con đường đi tới, khát vọng về hạnh phúc ấy trong tư duy văn học dân gian thể hiện thật giản dị và sâu sắc khi  kết tinh  trong hình tượng Mẫu Liễu. "Tứ bất tử " của Việt Nam đều có quê hương, hành trạng cụ thể. Tản Viên- là chàng trai xứ Đoài, Dóng của làng bên sông Đuống, Kinh Bắc xưa, Chử Đồng Tử của bờ bắc sông Cái xứ Đông... Nhưng trong số đó hẳn không có truyền thuyết nào mà nhân vật chính của nó lại phải trải qua những thực tế trường đời, của vòng sinh, hoá như Mẫu Liễu. Chính vì có tính chất điển hình, tiêu biểu như vậy mà hình tượng Mẫu Liễu có một sức lan toả, gần gũi đặc biệt.

Bên cạnh những truyền thuyết kể trên, không thể không nhắc đến những truyền kỳ về Điền Quận Công, về Cường Bạo đại Vương, về bà chúa Phùng Ngọc Đài, về thần Tam Bành, làm thành "Thiên Bản lục kỳ" của Nam Định.

Một bộ phận không nhỏ của văn xuôi dân gian Nam Định là sự tích của nhiều dòng họ. Trước khi được cố định, hay văn bản hoá trong các tộc phả, gia phả, bia ký của các dòng họ, sự tích hay những mẩu chuyện, ký ức về cội nguồn dòng họ được truyền ngôn từ đời này sang đời khác. Dạng này hay gặp ở những dòng họ đi khai hoang vùng đất mới phía Nam. Có thể kể tới sự tích dòng họ Ngô Bách Tính (Nam Trực), họ Ngô ở làng Thi (Xuân Hy - Xuân Trường), sự tích các ông tổ lập làng Quần Anh (Hải Hậu), dòng họ Vũ (Hoành Nha- Giao Thuỷ), chuyện khai hoang lập làng của dòng họ Phạm ở Hoàng Nam (Nghĩa Hưng)...

Hầu như không có một nhân vật nổi tiếng nào của Nam Định trong lịch sử không có giai thoại. Những giai thoại về Nguyễn Hiền, Đào Sư Tích, Lương Thế Vinh, Phạm Văn Nghị, Trần Bích San, Vũ Hữu Lợi, Tú Xương, nhà thơ Nguyễn Bính... như những giai thoại thuộc loại hay nhất trong sưu tập giai thoại Việt Nam. Nếu chất trí tuệ, thông minh, hóm hỉnh, sắc, gọn như là những đặc điểm nổi bật của giai thoại thì các giai thoại xung quanh các danh nhân Nam Định là biểu hiện điển hình.

Nói đến văn học Việt Nam không thể không nói tới ảnh hưởng, tác động qua lại giữa văn học dân gian với văn học viết, ở Nam Định điều này càng trở nên rõ rệt. Kho tàng văn học dân gian  với dòng chảy mêng mang, và thấm đượm chất trữ tình của tục ngữ ca dao đã góp phần đắp bồi tâm hồn, tài năng nhiều thế hệ các nhà thơ, nhà văn Nam Định. Không phải ngẫu nhiên mà những bài thơ trữ tình, thấm đượm phong cách dân ca, ca dao, đượm hương đồng gió nội thuộc loại hay nhất trong văn học Việt Nam lại được nảy sinh ra ngay tại quê hương Nam Định, của những thi nhân người Nam Định như Nguyễn Bính, Trần Tuấn Khải, Đoàn Văn Cừ .

Cũng cần lưu ý rằng trong kho tàng truyền thuyết, truyền kỳ Việt Nam từ sớm đã thành ngọn nguồn cảm hứng, chất liệu cho không ít những tác phẩm văn chương bác học  như "Chuyện về người con gái Nam Xương" hiện về day dứt trong cảm xúc của vị hoàng đế Lê Thánh Tông - chủ soái "Tao đàn nhị thập bát tú" của Đại Việt thế kỷ XV. Thế nhưng, những truyền thuyết về Mẫu Liễu thuộc loại hiếm trong tập hợp truyền kỳ Việt Nam, đã có sức cuốn hút lay động, đồng cảm với tâm hồn thi sĩ  đến mức trở thành nguyên mẫu "Vân Cát thần nữ" trong tác phẩm của Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm thế kỷ XVIII.

Đó cũng chính là một nét riêng, đặc sắc của văn học dân gian Nam Định.

Theo: Địa chí Nam Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com