Thơ ca dân gian

07:07, 09/07/2013

Từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX các tác giả Nguyễn Ôn Ngọc rồi Khiếu Năng Tĩnh dù hơn một lần nhắc là còn các câu phương ngôn tục ngữ, ca dao làng xóm  mới nghe được đôi câu xin chép ra đây khi biên soạn Nam Định tỉnh địa dư chí, Nam Định tỉnh địa dư chí tân biên, đã cho thấy thơ ca dân gian Nam Định (gồm phương ngôn, tục ngữ, ca dao) phong phú, đa dạng, như một thành phần, một nội dung quan trọng của văn học Nam Định.

Phương ngôn, tục ngữ, ca dao với ý nghĩa là những nhận thức, kinh nghiệm dân gian đã được thẩm định, sàng tuyển qua thời gian về thiên nhiên, lịch sử, xã  hội, con người. Nói cách khác, tục ngữ, phương ngôn nói chung phản ánh quan hệ, nhận thức của con người với giới tự nhiên (các hiện tượng tự nhiên thời tiết, kinh nghiệm lao động, sản xuất), với đời sống vật chất (ăn, mặc ở, đi lại...), đời sống xã hội... Như vậy thơ ca dân gian Nam Định là tấm gương phản ánh theo cách dân gian về thiên nhiên, lịch sử, con người nói chung, mà trực tiếp là vùng quê Nam Định.

Không thể tách bạch trong kho tàng tục ngữ ca dao của người Việt ở Bắc Bộ (hay của cả nước cũng vậy) đâu là tục ngữ, ca dao của riêng Nam Định. Điều này thường xảy ra với khối lượng lớn tục ngữ, ca dao về các hiện tượng tự nhiên, cách thức lao động sản xuất, quan hệ xã hội (như gia đình, vợ chồng, cha mẹ, con cái, họ hàng, trẻ già, nam nữ, hôn nhân, làng nước...). Nhận thức của con người Nam Định như hoà, như chung đến khó tách bạch đâu là nhận thức riêng, dấu ấn riêng Nam Định trong cái chung của cư dân người Việt, chẳng hạn:

 "Tháng chín mưa rươi, tháng mười mưa mộng" - hiện tượng thiên nhiên ấy không chỉ xảy ra với riêng Xuân Trường, Giao Thuỷ, Hải Hậu xưa nay mà thường gặp  của những miền quê có rươi của ven biển Bắc Bộ,

"Sống ngâm da, chết ngâm xương", "bông nổi cho chim, bông chìm cho " như vẽ lên cả một khung cảnh của vùng chiêm trũng xưa kia quanh năm úng ngập của Ý Yên, Vụ Bản, cũng đâu xa lạ với nhiều vùng quê miền Bắc trước khi được thuỷ lợi hoá.

 "Ăn lấy chắc, mặc lấy bền" cũng là nhận thức chung của các thế hệ cư dân Việt tiểu nông hàng ngàn đời đói nghèo, giản dị, chất phác.

"Nuôi lợn thì phải vớt bèo, lấy vợ thì phải nạp cheo cho làng..." hẳn không phải chỉ là lời nhắn gửi, tổng kết của riêng một làng quê nào của Nam Định, mà là tục, là lệ của  làng quê Việt Bắc Bộ .v.v.

Có những câu dù chỉ rõ ràng một, thậm chí hai, ba địa danh, làng xã của vùng Nam Định, như "Xứ Đông Bạch Sam, xứ Nam Hành Thiện", "Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện"- "Sinh Tức Mặc thác Trần Thương, quê hương Bảo Lộc"... đã trở thành câu cửa miệng không riêng người Nam Định. 

Điều này là đương nhiên vì những nhận thức, tổng kết đó nảy sinh, lưu truyền từ, trong cùng một  môi trường tự nhiên, lịch sử, văn hoá Việt Nam.

Thế nhưng lại có thể nhận ra rất rõ ràng "dấu ấn" Nam Định trong không ít tục ngữ, ca dao.

Trước hết đó là những câu phương ngôn có kèm theo địa chỉ cụ thể (vùng, phần nhiều là những làng - xã theo tên nôm hoặc tên hành chính) chỉ đặc điểm địa lý, tự nhiên hoặc hành chính của một vùng, miền, chẳng hạn:

"Nam Chân thất Cổ, Giao Thuỷ lục Hoành"
"Nam Chân thất Cổ, Hải Hậu cửu An
"

Hoặc để chỉ địa giới vùng Quần Anh, Hải Hậu xưa:

"Đông Cồn Quay, cồn Bẹ,
Tây núi  Lẹ, Thần Phù".

Nhiều hơn cả là những phương ngôn về đặc điểm đặc sản, sản vật, nghề nghiệp, tính cách con  người - qua cách nhìn, cách phác hoạ dân gian, của một làng quê Nam Định

Về nghề thủ công :

"Làng Vân lò rèn,
Làng Sen go khổ"
*
" Mộc tượng xã Trung,
Tài phùng xã Thượng,
Nề tượng Phương Đê"
       *
"Bình Lãng rút kén, ươm tơ,
Chợ trâu Quỹ Nhất, bánh đa làng Vò
"
      *
"Hay đan trại Cối
Múa rối làng Tè
Rè rè Liên Tỉnh"

Về đặc sản của làng quê :

"Muối Xuân An, cam xã Thượng"
Giầy Gôi, xôi Báng, rượu Hàu "

Về học hành, dòng họ:

 "Hoành Nha họ Vũ,
Trà Lũ họ Trần
"
" Văn quan Phủ,
Phú quan Nghè,
Kinh nghĩa chỉ huy là quan Hoàng giáp"
"Đậu phụ Thuỷ Nhai, Tú tài Hành Thiện",..

Về chợ búa, hội hè:

"Bỏ con bỏ cháu, không bỏ hai mươi sáu chợ Ninh"
"Bỏ tổ bỏ tiên không ai bỏ  chợ Viềng mồng tám"...

Về  con người :

"Gái Hải Lạng, lang chợ Chùa",
"Gan như gan Cát Giả"
"Trai Giang Tả, gái Lã Điền " ...

Cũng có những câu, dẫu có nhắc tới địa danh của những miền quê khác, nhưng "dấu ấn" Nam Định lại rất rõ ràng:

"Than đá Hòn Gai,
Sơn nâu Yên Bái,
Quần Anh lụa nái
Rượu cái Kiên Lao”

Cũng không thể rạch ròi về số lượng những câu ca dao Nam Định đã góp vào kho tàng chung ca dao người Việt. Dù áp dụng phân loại, tập hợp dân ca, ca dao theo cách gì từ xếp thể loại theo chủ đề (đất nước, con người, lao động sản xuất, tình yêu nam nữ, hôn nhân, gia đình, chống áp bức bóc lột...) hay tập hợp theo vần abc... cũng tìm gặp hoặc nghe thấy ở Nam Định không khó khăn gì. Những khúc ca dao, sâu lắng trữ tình thuộc vào loại hay nhất trong ca dao Việt Nam cũng là tiếng lòng muôn thuở, gợi lên cảnh, tình của con người Nam Định:

"Qua đình ngả nón trông đình,
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu"

"Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi"...

Trong kho tàng chung ấy, vẫn nhìn ra, lắng được những khúc riêng của người Nam Định (Những câu ca dao này hẳn chưa phải là những câu hay nhất trong kho tàng ca dao Nam Định). Chẳng hạn cảnh sắc quê hương được hoá thân qua lời của một chàng trai Nam Định:

"Hỡi cô thắt dải lưng xanh
Có về Nam Định với anh thì về
Nam
Định có bến đò chè
Có nghề dệt lụa, có nghề ươm tơ".

Là cảnh trí một vùng:

"Quần Anh có tiếng từ xưa
Biển đình Phong Lạc, bia chùa Phúc Lâm
Khách về khách vẫn hỏi thăm
Nước chè cầu Ngói, tơ tằm chợ Lương"

Là "phân công" của lễ hội vùng Phủ Dày:

"Ba năm vua mở khoa thi
Đệ Nhất thì hát, Đệ Nhì thì bơi
Đệ Tam thì  đánh cờ người
Phương Bông, Đệ Tứ mồng mười tháng ba".

Nếu, vùng phía bắc, dạo qua  một vùng Mỹ Lộc, với những:

"Cao Đài thì đóng cối xay
Dần, sàng, rổ, rá về ngay Vạn Đồn
Làng Vọc bánh đúc, bánh hòn,
Làng Xá bắt ốc đi mòn đôi chân
Làng Nguộn làm bút, làm cân
Làng La dệt vải tinh quân mọi nghề"

thì, vùng phía nam, với một vệt Nam Trực, Trực Ninh:

"Hương Cát mặc áo bù nâu
Hàng sáo Cát Chử  bụi đầu ai kêu
Văn Lãng đội vạt áo dài
Ruộng nương cũng lắm đi hai ba ngày
Nam Lạng lắm chiếu, lắm đay
An Quần xe vẹt, xe đay suốt ngày
Lịch Đông thì lắm buôn thay
Xối Đông đóng đất tày tày lắm ghê
Trung Lao đan thúng ngồi lê
Hạ Đồng đan lưới đan te cả ngày
Mấy làng phong tục cũng hay
Xung quanh những nước non này từ xưa ..."

Không thể bỏ qua một mảng tục ngữ ca dao rất phong phú về hệ thống chợ búa, buôn bán của người Nam Định. Từ lời "nhắn ai là khách thập phương" về lịch họp chợ  của vùng Hải Hậu:

"Ngày một, ngày bảy chợ Lương,
Hai, sáu Ninh Cường, năm, chín Đông Biên
Cồn Chàm mười bốn là phiên
Ba, tám chợ Đền thêm chợ Xã Trung
Chợ Đình buổi sớm họp đông
Nửa buổi phe Sáu, bên sông chợ Cầu
Giáp Phương Đê, sớm chợ Dâu
Lẻ: chợ Cồn Cốc, chẵn âu Đông Cường
"

đến những phiên chợ cụ thể như sáu phiên một tháng của chợ Chùa (Nam Giang - Nam Trực):

"Xanh mắt là chị hàng na
Mặn mà hàng muối, ngọt hoa hàng đường..."

Chợ Bắc (Trà Lũ - Xuân Trường) với:

"Chuối tiêu, chuối ngự ngồi vành bờ sông
Hàng gốm, hàng nón lều trong..."

Hình ảnh đậm nhất được phác hoạ qua thơ ca dân gian người Việt nói chung, người Nam Định nói riêng là con người lao động.

Đây là "lịch" làm lụng trong năm của  phụ nữ vùng Ý Yên:

"Tháng giêng gà gáy cơm đèn
Chị em sắm sửa đồng tiền rong chơi...
Tháng hai về đồng Yên Hoà
Tháng ba kiếm củi gánh ra chợ Dần
Tháng tư cắt lúa tám xuân
Tháng năm cắt rạ ngày ăn quan tiền..."...

Cảnh sinh hoạt "Đời ông cho chí đời cha, bao đời để lại" của những gia đình dệt vải:

"... Tối tối đèn lửa thắp lên
Vợ chồng con cái tay liền xa quay..."

Đây là cách đánh giá cái "đẹp" của người phụ nữ : 

"Nhất đẹp con gái làng Cầu
Khéo ăn, khéo mặc khéo hầu mẹ cha..."

Chảy từ ngọn nguồn quy luật tình cảm tự nhiên, những khúc hát, bài ca về tình yêu nam nữ chiếm một phần đặc biệt phong phú và không bao giờ cạn trong dân ca, ca dao.

 Những  lời ca đẹp đến nao lòng:

"Yêu nhau đứng ở đàng xa
Con mắt ngó lại bằng ba đứng gần
"...

Thường vút lên trong những đêm trăng, hội làng Bắc Bộ, như càng thấy gần gũi hơn, da diết, trữ tình hơn trong các chiếu chèo, trên các nẻo đường, những khung cảnh của vùng quê Nam Định.

Còn không ít những câu giản dị, mà chân tình, đằm thắm "mời chàng xơi điếu thuốc này, ăn rồi tỉnh tỉnh, say say mặc lòng" của cô gái có địa chỉ "em nay là gái má hồng tỉnh Nam". Hoặc nỗi niềm "muốn cho một chốn đôi quê, chốn ra Ngô Xá, chốn về Phương Nhi" giữa miền Ý Yên -  Nam Định.

Theo: Địa chí Nam Định

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com