Sân khấu dân gian Nam Định

07:07, 25/07/2013

Nam Định là một trong những chiếc nôi của chiếu chèo vùng Sơn Nam hạ. Hoạt động theo kiểu Phườnggánh.

* Phường là bán chuyên, mỗi năm chỉ biểu diễn có 2 mùa xuân thu nhị kỳ. Tháng mười, tháng mười một (11), tháng chạp (12) hát đám khao của chánh tổng, phó tổng, lý trưởng, phó lý gọi là khai hạ. Tháng giêng, tháng hai, tháng ba hát yến lão và đình đám hội hè. Hết mùa hát, phường giải tán, đào, kép và những người trong phường đi làm nghề khác để sinh sống.

Nam Định có các phường nổi tiếng là phường chèo xã Yên Nhân, Yên Phong (Ý Yên), phường chèo xã Hải Châu (Hải Hậu), phường Mỹ Hà (Mỹ Lộc), Giao Hà (Xuân Thuỷ).

* Gánh chèo: có tính chuyên nghiệp, cũng hát ở các đình đám, hội hè..vv. hết mùa đình đám thì đi hát ở các rạp thi xã, thị trấn, huyện lỵ hoặc tỉnh lỵ. Nam Định có gánh hát chèo của cụ Trùm Khúc.

Phường chèo và gánh chèo thường diễn những tích cổ có sẵn như: "Quan Âm thị Kính", "Lưu Bình Dương Lễ", "Xuý Vân giả dại", "Đôi ngọc lưu ly"... Mỗi phường, mỗi gánh tuỳ từng nơi diễn trong các lớp hề họ có lối "cương" sáng tạo riêng để hợp với từng nơi diễn.

* Múa rối nước: sân khấu dân gian Nam Định còn có rối nước. Nổi bật là rối nước Nam Chấn (huyện Nam Trực), múa rối cạn chùa Bi, chùa Cổ Lễ, chùa Keo ở Hành Thiện.

Múa rối nước trong Lễ hội làng Bàn Thạch, xã Hồng Quang (Nam Trực). Ảnh: Việt Thắng
Múa rối nước trong Lễ hội làng Bàn Thạch, xã Hồng Quang (Nam Trực). Ảnh: Việt Thắng

Các phường rối cạn này là do nhà chùa lập ra, cung cấp ruộng, tiền và chuyên phục vụ hội chùa hàng năm. Trò diễn bằng loại rối tay gồm một cái đầu to bằng gỗ khoét rỗng, một mảnh vải buộc từ cổ buông xuống che lấp tay người điều khiển. Mỗi quân rối trong trò diễn có một nét mặt riêng. Nội dung trò gắn với câu chuyện thiền sư Nguyễn Minh Không (Dương Không Lộ) truyền thuyết gọi là ông Khổng Lồ, trừ con quái vật Ngô - Công định nuốt chiếc tàu chở ngài và số đồng quyên góp được đem về đúc chuông. Trò rối được coi như là một lễ tiết múa có lời giáo vào đêm, trước tam bảo và múa không lời giáo vào ban ngày cửa tam quan.

+ Rối nước

Có hai phường rối nước cổ truyền:

- Phường Rạch xã Nam Chấn - Nam Trực.
- Phường Giáp Nhất xã Nam Giang - Nam Trực.

Con rối biểu diễn trên nước, có buồng  trò (gọi là thuỷ đình), buồng trò làm bán mái, rộng khoảng 4m x 6m. Trước mặt thường treo 4 chữ đại tự "Quốc Trung hữu thánh”, hai bên có hai chòi nhỏ. Sân khấu trên nước được giới hạn hai bên hàng rối đô đứng theo hai tấm phên thấp đan thưa mắt cáo, quét màu.

Cách biểu diễn rối nước của Nam Chấn và Nam Giang có hai loại:

- Loại máy sào, máy sào đơn giản và máy sào phức tạp.

+ Máy sào đơn giản, gồm một sào tre dài khoảng 3m và một bàn gỗ cốt để giữ và đưa quân rối đi lại trên sân  khấu (trên mặt nước).

+ Máy sào phức tạp, ngoài công việc của máy đơn giản, còn được cấu tạo thêm các dây cho chân tay, đầu mình quân rối cử động theo ý người điều khiển.

- Loại máy dây: được thay cái sào bằng một sợi dây mắc ngầm, theo hệ thống cọc đóng chìm. Quân rối được lắp vào một bàn máy lớn có mắc nhiều dây điều khiển quân rối hoạt động. Máy dây thường dùng cho việc diễn các trò có đông nhân vật như: múa sư tử, đánh trống, đánh võ, múa tập thể.

Các tiết mục rối nước của hai phường Nam Chấn và Nam Giang ta thường thấy:

- Chú Tễu ra giới thiệu chương trình.
- Bật cờ và hai hàng rối đô nhô từ dưới nước lên.
- Rước kiệu.
- Đường Tăng thỉnh kinh.
- Gia Cát cầu phong.
- Chiêu quân cống Hồ.
- Tây Bá đi săn.
- Cầy bừa, cấy, gặt, đánh cá, dệt vải, câu ếch.
- Cáo bắt gà...

Khi được phục hồi, các phường có thêm những tiết mục mới: "Bình dân  học vụ". " Công đồn giặc",  "Trưng Trắc, Trưng Nhị", "Lam Sơn tụ nghĩa".

Theo: Địa chí Nam Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com