Kết cấu, vật liệu và kỹ thuật xây dựng nhà chính

06:04, 18/04/2013

Khung kết cấu nhà: Đặc điểm nổi bật trong tổ chức không gian nhà ở truyền thống Nam Định là "không gian nông", gồm gian - chái - dĩ.

 GianChái là hai không gian chủ yếu của hệ cấu trúc khung vì kèo. Kích thước các gian chái mỗi vùng ở Nam Định có khác nhau, phổ biến là:

Gian chính: từ 1,880m đến 2,795m; Gian bên: từ 1,840m đến 2,640m; Chái:  từ 1,880m đến 2,590m; Dĩ: từ 0,42m đến 1,500m

Một công trình gồm 3 kết cấu chính: nền móng, thân, mái. Nền nhà đắp cao từ 30 đến 50cm so với mặt sân, xung quanh bốn phía xây bo bằng gạch. 

Bộ khung nhà: cột - xà - kèo (hoặc kẻ) với nguyên lý cột chịu lực. Hệ khung không gian bao gồm: Khung ngang và khung dọc. Hệ khung liên kết bằng gỗ trở thành yếu tố quan trọng nhất quyết định sự tồn tại và bền vững của ngôi nhà. Tuỳ theo vị trí của khung ngang mà ta có tên gọi khác nhau: vì chính, vì phụ, vì thuận.

Kết cấu vì chính: Trong kết cấu vì chính, hệ thống cột tạo ra bộ kết cấu khung chính của toàn bộ công trình

 Cột: có ba loại: cột cái, cột quân (cột con), cột hành (cột hiên) và một loại biến thể khác là cột trốn (hay trốn cột - là những thân gỗ ngắn không đứng trên tảng mà đứng trên xà gang). Bước cột giữa các cột cái lớn hơn bước cột giữa cột cái và cột quân hay từ cột quân đến cột hiên (bước cột ở mỗi vùng có khác nhau)

Ảnh minh họa/Internet.
Ảnh minh họa/Internet.

Cột cái: từ 18cm đến 33cm; Cột quân: từ 16cm đến 33cm; Cột hiên: từ 15,5cm đến 20cm.

Các cột ngoài cùng thường có thiết diện bằng nhau. Một số nhà, các cột có tiết diện khác nhau, trong trường hợp đó những cột phía ngoài với mục đích phô trương thường có tiết diện lớn hơn các cột cùng loại ở phía trong.

: gồm xà dọc (xà tử thượng, xà tử hạ, xà thượng, xà hạ, xà nóc (thanh nóc). Các xà bố trí đối xứng với nhau qua xà nóc và xà ngang (xà lòng, xà nách, quá giang, xà đùi, thượng lương (câu đầu).

Kèo: trực tiếp đỡ hoành, gồm nhiều loại phân theo chức năng gồm: kèo suốt, kèo kìm, kèo cổ gỗng (một hình thức biến dạng của ván dong).

Bộ vì chính (xem Một số dạng liên kết vì nóc)

Bộ vì là yếu tố căn bản của kết cấu khung gỗ, là bộ mặt của ngôi nhà, đơn vị cấu thành tổ chức không gian của công trình. Tạo thành bộ vì gồm 2 cột cái, 2 cột quân, có khi thêm cột hiên và hệ thống kết cấu liên kết các cột với nhau đó là các vì nóc, vì nách, kẻ và bảy, gồm: vì nóc, vì nách .

Do cấu trúc lắp ghép của kết cấu và hệ vì kèo không liên kết xuống nền bằng các loại liên kết thường thấy mà chỉ ổn định trên nền do chính trọng lực của khung và mái nên bộ khung dễ dàng kích lên cao hay tháo dỡ để chuyển vị trí tránh lũ úng lụt. Toàn bộ kết cấu chịu lực là một hệ thống vững chắc, không móng tường, vì vậy khi đất rung chuyển, nó không bị bẻ gãy nhưng chịu lực kiểu móng băng cứng, chạy dài. Hệ thống các con chồng được chồng lên nhau có tác dụng như lò xo giảm chấn.

Môđun "thức" kiến trúc cổ Việt Nam tương ứng với 3 khoảng: khoảng đứng, khoảng chảy, khoảng ngang. Tỷ lệ tương ứng giữa các bộ phận trong khung nhà và khoảng cách các cột có quy định và thống nhất tương đối. Người dân thường dùng thước đo độ dài bằng gang tay (sấp xỉ 40cm) gọi là thước ta.

Phân loại kết cấu chính của nhà dân gian tỉnh Nam Định có 5 loại chính:

Loại đủ cột: các cột đều có chiều dài cột bắt đầu từ tảng kê cột lên.

Loại nhà trốn cột: 2 vị trí trốn cột: trốn cột cái (nhà nội tự nội khách); và trốn cột quân (nhà nội tự ngoại khách).

Loại nhà quá giang (xà vượt): xà chạy từ cột quân này đến cột quân kia mà không chia thành xà lòng, xà nách. Các cột cái đều là trốn cột.

Loại nhà lọng tàn: kết cấu vì chính không có xà lòng - loại nhà này chỉ có quan lại trong triều mới được làm vì còn để lọng vua ban.

Nhà nội tự ngoại khách: Cửa chính không ở vị trí cột quân mà lùi vào cột chính. Không gian hiên mở rộng làm nơi tiếp khách, phía trong để thờ cúng.

Có thể thấy rằng, trong khoảng niên đại trên 150 năm, kết cấu vì chính có dạng là loại trốn cột, nội tự ngoại khách, quá giang.

Từ 150-100 năm, kết cấu có nhiều loại hơn như lọng tàn, quá giang, đủ cột, trốn cột, nội tự ngoại khách.

Từ 100 năm trở lại đến 50 năm, dạng kết cấu trở về 3 loại chính: loại trốn cột, loại quá giang, loại nội tự ngoại khách. Nhưng quy mô có khác trước vì số lượng cột ít hơn (chủ yếu là vì 4 cột).

Số lượng nhà kết cấu vì trốn cột và quá giang chiếm đại đa số với nhiều loại vì: kiểu con chồng, ván mê, con chồng- ván mê, con chồng- kẻ ngồi. Bộ vì nhà với số lượng một vì là 4- 5 cột chiếm chủ yếu, bộ vì 6 hàng cột còn lại rất ít.

Vật liệu: Việc sử dụng vật liệu là một giải pháp làm mát ngôi nhà. Tận dụng những vật liệu sẵn có của địa phương, với mỗi bộ phận thì sử dụng vật liệu khác nhau, song đều tính đến yếu tố bền vững, tạo được không gian đồng thời cũng tận dụng được không gian của công trình.

 Vì gồm vì chínhvì thuận: thống nhất một loại gỗ, ít bị pha tạp .

Cột: thân cột (gỗ lim, gỗ gụ, cột hiên, đá); tảng chân cột (đá)

Xà: gỗ lim, xoan; Kẻ, bảy, ván mê, con chồng (gỗ lim, xoan, tre đặc biệt có nhà dùng gỗ gụ). Hoành (gỗ lim, xoan, một số nhà có hoành bằng luồng tre); Rui (gỗ lim, xoan)

Ở vì thuận, các cấu kiện như bạo đứng, bạo ngang, ván nong làm bằng gỗ lim, gỗ xoan.

Vật liệu làm vì phụ không được chú trọng, tận dụng loại gỗ tạp hoặc gỗ thừa sau khi đã làm vì chính, vì thuận.

Sử dụng vật liệu mà mối mọt không ưa như lim (gỗ lát), xoan (gỗ đắng), táu (gỗ cứng)..., kết hợp với biện pháp ngâm tẩm gỗ, tre, nứa, vầu dưới bùn ao hay hồ đầm (1-2 năm) tránh không bị ải mục, ngôi nhà sẽ được bền lâu qua nhiều đời.

Điểm đáng chú ý khác là kết cấu bộ khung không gian chịu lực. Hệ thống vì (cột kèo, xà ngang ăn mộng với nhau tạo sự ổn định theo chiều ngang; liên kết với nhau bởi các loại xà dọc và cách hoành tay, đòn tay ăn mộng chắc chắn tạo được sự ổn định về không gian của công trình. Do cấu trúc dễ tháo lắp, dễ di chuyển nên việc tu sửa bộ phận trong kết cấu khung hư hỏng. Ngôi nhà có thể kích lên cao hay tháo dỡ để di chuyển vị trí khi gặp úng ngập hay bán đi nơi khác.

Khung nhà không có liên kết với nền đất nên tỷ lệ khối không gian không phát triển theo chiều cao (tránh gió bão làm đổ). Để tăng cường thêm khả năng chống gió bão, nhiều nhà xây tường ngoài bằng vật liệu kiên cố bao quanh hệ thống khung cột. Tăng thêm sức nặng đè xuống khung bằng lợp mái ngói. Đối với những nhà làm bằng tre, nứa, lá vào mùa bão người ta làm các kèo chống bão bằng tre úp lên mái và ghim chặt xuống đất.

Theo: Địa chí Nam Định

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com