Nam Định - Địa bàn trọng yếu trong sự nghiệp thống nhất đất nước của Đinh Bộ Lĩnh

08:07, 30/07/2012

Sau khi Ngô Quyền mất, các con cháu của ông không đủ uy tín và tài năng để duy trì chính quyền quân chủ tập trung đang còn trong thời kỳ trứng nước. Dương Tam Kha, con Dương Đình Nghệ, anh vợ của Ngô Quyền dần dần thâu tóm mọi quyền hành trong triều đình và cướp ngôi nhà Ngô xưng là Bình Vương trong 6 năm. Ngô Xương Văn là con thứ của Ngô Quyền, sau một thời gian chuẩn bị lực lượng, kéo quân về truất bỏ Dương Tam Kha khôi phục lại cơ nghiệp của vua cha, đón anh cả là Ngô Xương Ngập về cùng trông coi việc nước. Nhưng chỉ sau đó ít lâu trong anh em Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn lại xảy ra mâu thuẫn và hiềm khích, lòng người ly tán. Sau cái chết của Ngô Xương Ngập năm 954, triều Ngô dường như không còn sức sống, và nhất là sau cái chết của Ngô Xương Văn năm 965, triều Ngô thực tế không còn tồn tại. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Các hùng trưởng đua nhau nổi dậy chiếm cứ quận ấp để tự giữ.... Bấy giờ trong nước không có chủ, 12 sứ quân tranh nhau làm trưởng, không ai chịu thống thuộc vào ai”.

Đình Thượng Đồng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên thờ Đinh Tiên Hoàng.
Đình Thượng Đồng, xã Yên Tiến,
huyện Ý Yên thờ Đinh Tiên Hoàng.

Sứ quân phần lớn là những người thuộc dòng dõi con cháu hoặc tướng lĩnh cũ của nhà Ngô, những người có thế lực về cả quân sự, chính trị và kinh tế ở địa phương, thường chiếm làng quê mình và mở rộng vùng kiểm soát ra các làng xã phụ cận xây dựng thành vùng cát cứ, trong đó tập trung chủ yếu ở lưu vực sông Hồng.

Vùng hạ lưu sông Hồng khi đó chủ yếu chịu sự chi phối của sứ quân Trần Lãm. Tuy nhiên đây cũng chính là vùng chịu sự ảnh hưởng và địa bàn gây dựng lực lượng của nhiều sứ quân hay các vị “hùng trưởng” khác như Kiều Công Hãn, Ngô Nhật Khánh, Quảng Trí Công ở Giao Thuỷ, Phạm Bạch Hổ ở Yên Tiến, Ý Yên.... Đất Nam Định dần dần trở thành nơi hội tụ và đối đầu quyết liệt của hào kiệt bốn phương. Đinh Bộ Lĩnh - người anh hùng “tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời”, tự nhận về mình sứ mệnh thiêng liêng dẹp loạn, thống nhất đất nước - không thể không tìm về vùng đất duyên hải cửa sông này.

Khu vực làng Bườn (Mỹ Thắng, Mỹ Lộc) có thể được coi là căn cứ đầu tiên của Đinh Bộ Lĩnh trên đất Nam Định. Ngọc phả đình Bườn cho biết: Đào Nương, người mà dân địa phương thường gọi là Đàm hoàng thái hậu, thân mẫu của Đinh Bộ Lĩnh, thường cùng ông đi đánh dẹp các sứ quân. Khi Đinh Bộ Lĩnh cùng Phùng Gia và các tướng tiến quân đến địa đầu huyện Mỹ Lộc, phủ Thiên Trường thì bị một sứ quân chặn đánh. Ông lập đồn luỹ ở thôn An Biện (tức làng Bườn) vừa chống cự, lại vừa phát triển thêm lực lượng. Nhiều nhân sĩ, trong đó có Cao Mộc, đã về căn cứ Bườn giúp ông. Sau một thời gian, ông để mẹ lại căn cứ, còn mình cùng với các tướng lĩnh đi đánh dẹp ở các nơi khác. Sau khi giành được thắng lợi, định đô ở Hoa Lư, ông cho người trở về An Biện đón mẹ, mới được biết mẹ ông đã qua đời. Đinh Bộ Lĩnh phái hai tướng là Phùng Gia và Cao Mộc về An Biện trông coi lăng mộ Đào Nương. Rồi Cao Mộc cũng mất tại đây. Nhân dân trong vùng thương tiếc, chôn cất và thờ phụng ông. Hiện nay tại thôn Bườn còn bốn di tích liên quan đến sự kiện này là Lăng Bà (lăng mộ bà Đào Nương), Lăng Ông (lăng mộ của Cao Mộc), Miếu Trúc (miếu thờ Phùng Gia) và Đình Bườn là nơi thờ chung mẹ vua Đinh cùng Cao Mộc và Phùng Gia. Sự hiện diện của mẹ vua Đinh ở Mỹ Thắng, Mỹ Lộc xác nhận nơi đây là một căn cứ quan trọng của Đinh Bộ Lĩnh trong thời kỳ đầu chiêu binh “dẹp loạn”.

Cao Mộc (hay Cao Mộc Cận), theo như Ngọc phả đền Thượng (Quang Xán, Mỹ Hà, Mỹ Lộc) vốn là một tuỳ tướng của sứ quân Lã Tá Công ở vùng Tế Giang (Hưng Yên). Ông đi theo Lã Tá Công tìm đến Nam Định quy phục Đinh Bộ Lĩnh.

Trên đường thu  phục sứ quân Phạm Phòng Át ở Yên Tiến, Ý Yên, Đinh Bộ Lĩnh đóng đồn ở Vườn Quan (đình Cát Đằng) và khu vực các đình Tân Cầu, Thượng Thôn, xã Yên Tiến. Ông còn dừng chân ở trang Đồi Thượng (nay là hai thôn Tam Quang, Dương Hồi thuộc xã Yên Thắng, Ý Yên) mộ thêm tướng giỏi. Tại đây đã có 18 người tình nguyện đi theo. Tương truyền Đinh Bộ Lĩnh đã nghỉ tại khu vực mà sau này là đền Vua Đinh. Gò Đại Duyệt là nơi Đinh Bộ Lĩnh chỉ huy quân sĩ luyện tập. Cánh đồng Mo là nơi quân sĩ bỏ lại những mo cau gói cơm nhiều đến mức chất thành những đống lớn...

Những ngày tháng đầu tiên lực lượng còn nhỏ yếu, Đinh Bộ Lĩnh đã được sự giúp đỡ, che chở của nhân dân địa phương. Thánh Đậu đại vương được thờ ở Phủ Bà (Đắc Lực, Liên Bảo, Vụ Bản) vốn là nàng Đậu bán nước ở đầu thôn. Khi vua Đinh thua trận chạy đến nghỉ nhờ, bà đã giúp cho cơm ăn, áo mặc, lửa sưởi... mà không nhận sự trả ơn. Lãng Công là vị thần được thờ ở đình Quảng Thượng (Yên Lương, Ý Yên) do có công nuôi vua Đinh. Hàng loạt các tướng khác được Đinh Bộ Lĩnh phái đi khắp các đất Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Mỹ Lộc... chiêu mộ quân sĩ.

Trần Công Mẫn, người Sơn Tây theo về với vua Đinh lại được cử xuống phủ Nghĩa Hưng để chiêu mộ quân sĩ. Ông lấy vợ người trang Thái Duyến là bà Xuyến Nương và tập hợp được đến nghìn trai tráng quê vợ tham gia nghĩa quân.

Đương Chu, người Hương Đô (Bình Lục, Hà Nam) được Đinh Bộ Lĩnh cử làm sứ giả đi đến các đạo để chiêu mộ quân sĩ, trong đó chỉ riêng làng Hướng Nghĩa, Minh Thuận, Vụ Bản có đến 18 người đi. Họ trở thành niềm tự hào của làng quê và được dân làng Hướng Nghĩa lập đền thờ.

Nguyễn Bặc, vị đại công thần lừng lẫy danh tiếng của nhà Đinh, vốn đã xông pha trận mạc cùng với vua Đinh từ những ngày mới dấy quân ở Hoa Lư cũng đã về đây. Ngọc phả đền Phú Cốc (Thành Lợi, Vụ Bản) cho biết Nguyễn Bặc thừa lệnh Đinh Bộ Lĩnh về Phú Cốc chiêu mộ quân sĩ. Chỉ trong vòng mấy chục ngày mà ông đã chiêu mộ được hơn ba nghìn người. Nguyễn Bặc cũng là người chiêu dụ được Lê Khai - bậc hùng trưởng ở Vụ Bản, Nguyễn Tấn - thổ hào vùng An Lá, Nam Trực. Dân phủ Nghĩa Hưng theo về với Lê Khai rất đông. Nguyễn Tấn do có nhiều công lao đã được phong làm Kiểm nghĩa hầu và được ban thực ấp ở làng An Lá, nay thuộc xã Nghĩa An, huyện Nam Trực.

Sớm nhận ra vị trí đặc biệt quan trọng của vùng cửa sông, đồng bằng duyên hải, Đinh Bộ Lĩnh đã khéo léo kết hợp lực lượng của vùng Hoa Lư hiểm yếu với vùng duyên hải trù phú, lại có một chủ trương tích cực khai thác các tiềm năng (nhân lực, vật lực, giao thông, quân sự) của vùng đất này, đã biến vùng đất hạ lưu và cửa biển sông Hồng, sông Đáy khi ấy trở thành trung tâm quy tụ sức mạnh của toàn bộ vùng châu thổ. Chính từ đây ông đã tiến hành công cuộc thống nhất đất nước.

Thần phả Nhuệ Khê còn ghi lại ở vùng Mỹ Lộc, tại xã Đệ Tam có Trần Viết Dũng, xã Nhuệ Khê có Nguyễn Đức Long, Nguyễn Đức Học, xã Năng Lự có Trần Xuân Tiền, Trần Thị Thuỷ, xã Bình Giã có Lương Văn Hoằng, Ngô Tất An tham gia đội quân của Đinh Bộ Lĩnh. Anh em Đức Long, Đức Học cùng 30 người thuộc 5 họ: Nguyễn, Trần, Hoàng, Bùi, Mai lúc đầu theo về với Trần Lãm nhưng đến khi Đinh Bộ Lĩnh nắm giữ binh quyền, lại hết lòng tự nguyện phò tá ông. Nhờ có công thu phục được sứ quân Phạm Bạch Hổ và đánh dẹp sứ quân Đỗ Cảnh Thạc mà Đức Long được phong làm Hùng trấn tam kỳ giang châu tướng quân, Đức Học được phong là Nhuệ Khê mạc trung duệ tiết tướng quân.... Dân làng Nhuệ Khê đã dựng sinh từ thờ Trần Lãm và hai ông Đức Long, Đức Học. Trong đền thờ, vị hiệu của Trần Lãm được đặt trên và dưới là vị hiệu của hai ông. Khi các ông mất, dân làng sửa đền tạc tượng và thường xuyên hương khói.

Tạ Sùng Hy người vùng Hoa Lư, Ninh Bình đến An Nhân, Thành Lợi, Vụ Bản dạy học, rồi bắt đầu từ đây đi theo Đinh Bộ Lĩnh. Ông là người có công phá vòng vây của Ngô sứ quân cứu thoát Đinh Bộ Lĩnh. Mang nặng ân nghĩa với Tạ Sùng Hy, Đinh Bộ Lĩnh đã  phong ông là Sùng Hy đại vương, cho nhận thực ấp ở Thiên Bản (Vụ Bản). Khi Tạ Sùng Hy mất, nhân dân trong vùng tổ chức chôn cất, vua Đinh sai quan về làm lễ. Hàng năm cứ đến ngày sinh của Tạ Sùng Hy, vua đều ngự giá về đình An Nhân (đình thờ Tạ Sùng Hy) để làm lễ, biểu dương công trạng và diễn lại cuộc vây cứu.

Phạm Cả, người đã tập hợp được hàng trăm người làng đến theo Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn, sau được phong làm Huyện doãn huyện Thiên Bản (Vụ Bản). Một bà mẹ người làng Liên Xương xã Hiển Khánh sinh hạ được bốn người con trai thì đã gửi cả bốn con phò vua Đinh dẹp loạn. Bốn người con của bà sau này đều được thờ tại bốn đình Đông- Tây- Nam- Bắc của làng.

Với nhiều cách thức khác nhau, nhân dân địa phương đã tích cực tham gia vào sự nghiệp thống nhất đất nước thế kỷ X của Đinh Bộ Lĩnh. Dù là gián tiếp hay trực tiếp, những người có tên họ cụ thể và cả những người không được nhắc đến đều góp phần làm chuyển đổi về căn bản thế và lực của Đinh Bộ Lĩnh trên vùng đất này.

Trong các vị tướng thời Đinh có công trong sự nghiệp dựng nước của Đinh Bộ Lĩnh được thờ tại địa bàn Nam Định có nhiều vị đến đây từ các vùng đất khác nhau. Nhiều người từ quê hương Hoa Lư đến, có người từ Thanh Hoá ra, có người từ Sơn Tây, Hưng Yên… xuống. Không phải ngẫu nhiên mà hào kiệt từ các nơi đều tụ hội về đây. Cũng không phải ngẫu nhiên mà các hào trưởng, những người đứng đầu các thế lực hùng mạnh nhất lúc đó đều đặc biệt quan tâm đến vùng đất Nam Định. Ban đầu là Trần Lãm hùng cứ vùng Bố Hải Khẩu, rồi Đinh Bộ Lĩnh đến với Trần Lãm, xây dựng căn cứ ở Nam Định. Tiếp đến Phạm Bạch Hổ, Kiều Công Hãn, Lã Tá Đường, Ngô Nhật Khánh, Quảng Trí Công… cũng đều tìm về và gắn bó với mảnh đất này. Đấy là hình ảnh cụ thể và sinh động của một dạng tụ hội hào kiệt bốn phương và sự tụ hội ấy, đến lượt nó lại nâng cao thêm vị trí chính trị và quân sự của vùng đất cửa sông trù mật. Đây là cơ sở hết sức quan trọng cho Đinh Bộ Lĩnh giành thắng lợi  trong sự nghiệp thống nhất đất nước nửa cuối thế kỷ X.

Không dừng ở đó, Nam Định còn là căn cứ, bàn đạp để Đinh Bộ Lĩnh  mở các cuộc tấn công tiêu diệt các lực lượng đối lập, hoàn thành sự nghiệp vẻ vang thống nhất đất nước.

Năm 968 sau khi đã đánh bại được các sứ quân, hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, đặt niên hiệu mới là Thái Bình.

Theo: Địa chí Nam Định

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com