Cư dân vùng đất Nam Định dưới thời Hùng Vương

08:07, 17/07/2012

Dưới thời Hùng Vương, đời sống kinh tế của cư dân vùng đất Nam Định đã có những biến chuyển đáng kể. Nghề trồng lúa nước, nghề chăn nuôi, nghề làm gốm và nghề chế tác đá đều có những bước phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt là sự xuất hiện của nghề luyện kim, đúc đồng. Lúc này tuy công cụ sản xuất bằng đá vẫn còn chiếm ưu thế và kinh tế khai thác còn giữ vị trí quan trọng, nhưng công cụ bằng đá từng bước được thay thế dần bằng những công cụ đồng thau và sau đó là đồ sắt. Nền kinh tế bao gồm nhiều ngành nghề, trong đó nông nghiệp trồng lúa nước trở thành ngành chính.

Nằm trong cương vực nước Văn Lang của các vua Hùng trải dài từ miền trung du đến miền đồng bằng ven biển, vùng đất Nam Định khi ấy tương đương với đất các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc, thành phố Nam Định và phần phía bắc của huyện Nam Trực hiện nay. Theo ngọc phả đền thờ Tam Bành ở thôn Bảo Ngũ, xã Quang Trung thì vào thời Hùng Vương, huyện Vụ Bản có tên là huyện Bình Chương thuộc bộ Lục Hải là một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Huyện Bình Chương lúc đó nằm sát biển. Tại đây có cửa biển Côi Sơn (Núi Gôi) mà dấu vết còn lại đến ngày nay là những địa danh cồn Dâu, cồn Cói ở các vùng quanh chân núi.

Để chinh phục địa hình chủ yếu là vùng trũng, đầm lầy và vụng biển ăn sâu vào đất liền, các cư dân cổ đã biết đắp bờ giữ nước, biết xây dựng những công trình thuỷ lợi nhân tạo như đào đắp kênh mương tưới tiêu cho đồng ruộng.

Nghề đúc đồng xuất hiện từ đầu thời Hùng Vương đã được phát triển liên tục qua các giai đoạn để đạt đến đỉnh cao rực rỡ vào giai đoạn Đông Sơn. Trong giai đoạn đầu, đồng chủ yếu để đúc công cụ và vũ khí.

Vào những năm cuối thế kỷ XIX, nhân dân xã Thanh Côi nay thuộc thị trấn Gôi huyện Vụ Bản, khi đào đất đắp đường đã phát hiện ba chiếc trống đồng lớn, nằm cách chân núi Gôi khoảng 400 mét. Chiếc thứ nhất đã bị những người tìm thấy đập vỡ nát, chiếc thứ hai viên Công sứ Nam Định hồi đó đã lấy đi, còn chiếc thứ ba được những người đắp đường đưa cúng vào đền thờ Lữ Gia ở chân núi. Sau này Bảo tàng Nam Định đã sưu tầm đưa về kho bảo quản. Mặt trống có đường kính 62,8cm, chiều cao 51cm. Chính giữa mặt trống là ngôi sao 12 cánh. Từ trong ra ngoài, mặt trống có 8 vành hoa văn gồm những vòng tròn tiếp tuyến, vạch thẳng song song và hình chữ S gẫy khúc. Ở vành thứ tư có bốn con chim mỏ dài, đuôi dài bay ngược chiều kim đồng hồ. Trống đồng này có thể xếp vào loại I điển hình của nền văn hoá Đông Sơn, hiện vật tiêu biểu của thời đại các vua Hùng. Việc phát hiện ra một sưu tập trống đồng ở chân núi Gôi đã khẳng định chủ nhân của những hiện vật này đã định cư ổn định tại địa phương. Đó là một bộ phận cư dân nước Văn Lang trong thời đại dựng nước trên đất Nam Định.

Đình Sùng Văn ở xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc thờ Linh Lang đại vương, một vị tướng thời Hùng Vương.
Đình Sùng Văn ở xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc thờ Linh Lang đại vương, một vị tướng thời Hùng Vương.

Nền kinh tế thời Hùng Vương đã trải qua những bước phát triển lớn lao, từ nền kinh tế mang dáng dấp nguyên thuỷ với công cụ bằng đá là chủ yếu ở giai đoạn đầu đã phát triển thành một nền kinh tế ngày càng phong phú với công cụ kim loại, lấy nông nghiệp trồng lúa nước làm cơ sở vào giai đoạn cuối. Cùng với quá trình phát triển kinh tế, con người từ rừng núi, vùng trung du đã tràn xuống chiếm lĩnh đồng bằng của sông Hồng, sông Đáy để tạo nên một vùng đất Nam Định ngày một trù phú.

Cùng với sự phát triển của kinh tế, trong thời Hùng Vương chế độ phụ hệ dần dần được xác lập và những gia đình nhỏ đã ra đời, trở thành một tế bào của xã hội. Trên cơ sở đó công xã thị tộc từng bước bị tan rã và nhường chỗ cho công xã nông thôn ra đời trên cơ sở những xóm làng được định cư.

Những công xã nông thôn sau này được gọi là làng xã nhưng trước đây còn có  những tên cổ hơn như Kẻ, Chạ. Tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản một số làng xã trước đây từng có tên là kẻ, như Kẻ Dầy để chỉ làng An Thái, Kẻ Báng để chỉ làng Kim Bảng.

Ngọc phả đình thôn Triều xã Minh Tân, huyện Vụ Bản ghi lại truyền thuyết về nhân vật được thờ ở đây là Tam Lang, một tướng của Hùng vương. Ông được cử về đất Sơn Nam nhận chức và dạy dân  làm ăn cày cấy. Một hôm ông đến xã Đồng Đội, huyện Nam Chân, phủ Xuân Trường (nay là xã Minh Tân, huyện Vụ Bản), thấy nơi đây cảnh đẹp ông cho lập hành cung để nghỉ ngơi và lấy chỗ đi lại.

Sau đó giặc Xích Quỷ đến xâm lược đất nước, vua Hùng đã cho gọi Tam Lang về triều đi đánh giặc. Ông có đem theo mấy chục người ở xã Đồng Đội cùng đi chiến đấu. Tam Lang đã lập công lớn. Thắng trận trở về ông được phong thưởng rất hậu. Sau khi ông mất, nhân dân địa phương đã lập đền thờ.

Đình Sùng Văn ở xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc thờ Linh Lang đại vương, một vị tướng thời Hùng Vương. Linh Lang con ông Triệu Hoả làm quan dưới thời Hùng Duệ Vương tại đất Sơn Nam. Ông lấy bà Phạm Thị Tư người làng Đồng Thời, nay là thôn  Sùng Văn, xã Mỹ Thuận. Khi Linh Lang sinh được mấy năm, ông Triệu Hoả không may qua đời, bà Tư đã đưa con về bên ngoại nuôi cho tới lúc trưởng thành.

Năm Linh Lang 17 tuổi, bà mẹ đưa con về kinh đô theo thầy học thêm kinh sử và võ nghệ. Sau Linh Lang đã được vua Hùng cho làm tướng chỉ huy thuỷ quân coi giữ vùng ven biển quê nhà. Ông đã từng xin triều đình miễn sưu thuế và tạp dịch cho dân, thiết lập cung điện riêng ở làng Đồng Thời để về nghỉ ngơi. Ít lâu sau, Thục đem quân đánh Văn Lang. Vua Hùng giao cho Tản Viên  thống lĩnh các lực lượng, phong Linh Lang làm đại tướng. Sau khi chiến thắng, trên đường trở về thăm quê ngoại, Linh Lang đã đột ngột qua đời để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho nhân dân địa phương. Để tỏ lòng tôn kính, họ đã lập đền thờ ông.

Tại đền Đá thôn Nam Hà, xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực có thờ ba vị tướng thời Hùng Duệ Vương. Đó là ba anh em họ Vũ, con trai ông Vũ Sơn vốn là người Châu Ái (Thanh Hoá). Do đời sống ngày càng khó khăn ông đã bỏ quê hương tìm đường sinh sống. Một hôm ông đến làng Kim Âu, huyện Giao Thuỷ, phủ Thiên Trường (nay là xã Tân Thịnh huyện Nam Trực) thấy phong cảnh hữu tình, dân cư đông đúc nên đã xin ở lại làm ăn. Tại đây ông đã lấy bà Hoàng Thị Loan và sinh được hai người con trai đặt tên là Gia Sửu và Chính Ngọ. Chẳng may bà Loan mất sớm, ông Vũ Sơn lấy vợ kế là bà Trần Thị Thịnh, sinh được người con trai thứ ba đặt tên là Vũ Uy.

Ba anh em được cha mẹ cho ăn học chu đáo. Sau khi ông bà Vũ Sơn mất, ba anh em vào kinh xin ứng mộ được vua Hùng Duệ Vương phong cho làm tướng. Khi quân Thục tiến sang, ba ông đã về làng Kim Âu mộ thêm binh lính để đi chiến đấu. Sau chiến thắng, ba ông trở về quê hương chia Kim Âu thành ba làng là Võ Lao, Thượng Lao và Nam Hà. Các ông chia nhau mỗi người một làng, khuyên dân chăm lo việc nông tang, dựng nhà dạy học cho con em trong làng. Lúc qua đời các ông đã  được nhân dân lập đền thờ.

Thời đại Hùng Vương đã mở đầu kỷ nguyên văn minh của dân tộc. Lịch sử Việt Nam từ đó đến nay luôn là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Trong suốt chiều dài của lịch sử đất nước, nhân dân các làng xã của Nam Định đã đời đời  kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của ông cha.

Theo: Địa chí Nam Định

[links()]

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com